Quốc hội sẽ giám sát quản lý bất động sản tại 8 Bộ ngành và 12 địa phương bao gồm Hà Nội, TP. HCM

Lê Sáng | 08:06 18/08/2023

Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, đối với 8 Bộ, ngành và 12 địa phương trong đó có Hà Nội, TP HCM.

Quốc hội sẽ giám sát quản lý bất động sản tại 8 Bộ ngành và 12 địa phương bao gồm Hà Nội, TP. HCM
Quốc hội sẽ giám sát quản lý bất động sản tại 8 Bộ ngành và 12 địa phương bao gồm Hà Nội, TP. HCM. Ảnh minh hoa, nguồn: Int

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp và cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương giám sát về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội 2015-2023. Đây là một trong những chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2024 .

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đoàn này sẽ thực hiện giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội tại 8 bộ, gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Cùng đó, 12 địa phương, gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng trong diện giám sát lần này.

"Đoàn giám sát có thể điều chỉnh kế hoạch và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung nội dung ngoài đề cương để làm rõ các nội dung trong quá trình giám sát", ông Trần Thanh Mẫn cho biết.

Về diễn biến của thị trường bất động sản, theo số liệu của Bộ Xây dựng, quý II chỉ có 7 dự án bất động sản, nhà ở hoàn thành với hơn 2.420 căn, giảm một nửa so với quý I và chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc triển khai các dự án bị chậm hoặc dừng do gặp khó khăn về pháp lý, vốn.

Nhà ở xã hội nên dùng để ở, không phải để mua bán

Lưu ý về chương trình giám sát về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội 2015-2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp. Việc này nhằm thấy rõ vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản là pháp lý, quy hoạch, kế hoạch hay vốn, cung - cầu, tránh "bơi trong một rừng số liệu, trong khi thời gian có hạn".

170820230429-dsc_2100.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến góp ý vào kế hoạch, đề cương giám sát chuyên đề quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, chiều 17/8. Ảnh: Quốc Hội Media

Đặc biệt, liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, có đề nghị nên xác định làm loại nhà ở này chỉ nên cho thuê trả dần, hoặc mua trả góp sẽ tránh được hiện tượng mua đi bán lại, chuyển nhượng.

"Nếu vẫn mua đứt bán đoạn thì đây là phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, chứ không phải nhà ở xã hội. Hiện, ranh giới này không rõ nên thực tế xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị kế hoạch, đề cương giám sát bất động sản phải xác định rõ vấn đề then chốt của thị trường nhà ở, gắn với đất đai cần giải quyết là gì để đề xuất giải pháp khắc phục căn cơ.

"Mục tiêu của chúng ta không phải là có sở hữu nhà, mà giải quyết có nơi ở và chỗ ở", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quốc hội sẽ giám sát quản lý bất động sản tại 8 Bộ ngành và 12 địa phương bao gồm Hà Nội, TP. HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO