Giá gạo chất lượng trung bình ở Jakarta vào ngày 24/2/2024 là 14.860 Rp/kg; trong khi gạo cao cấp là 18.000 rupiah (1,15 USD)/kg, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo chất lượng cao có nơi thậm chí lên tới 21.000 Rp/kg.
Những giá này đã vượt qua giá trần quy định của Chính phủ (HET), là giá gạo ở Vùng 1, bao gồm Java, Lampung, Nam Sumatra, Bali, Tây Nusa Tenggara và Sulawesi không vượt quá mức 10.900 Rp/kg đối với gạo loại trung bình và 13.900 Rp/kg đối với gạo chất lượng cao. Dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) cho thấy Tổng chỉ số giá gạo ở Indonesia tháng 1/2024 đạt 142,8, tăng 1,7 điểm so với tháng 12/2023 và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2008.
Ông Zulkifli Rasyid, Chủ tịch Hợp tác xã các chợ bán buôn gạo Cipinang (Cipinang Rice Wholesale Market Cooperative), nhận định nếu không có gạo từ chương trình Bình ổn giá và cung ứng thực phẩm (SPHP) do Bulog cung cấp, giá gạo cao cấp ở Jakarta có thể đạt 20.000 Rp/kg, còn gạo chất lượng trung bình sẽ đạt hơn 15.000 Rp/kg.
Indonesia trải qua tình trạng thiếu gạo trong tháng 1 và 2 năm 2024, khiến giá gạo tăng trở lại. Thâm hụt gạo tháng 1/2024 ước tính là 1,61 triệu tấn và tháng 2/2024 lên tới 1,22 triệu tấn.
Indonesia bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa nhưng mới thu hoạch lác đác do điều kiện thời tiết năm nay không ổn định. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng phân phối gạo nhập khẩu ra thị trường nhưng vẫn chưa thể khiến giá bán trên diện rộng được hạ xuống.
Ông Zulkifli Rasyid cho biết giá gạo dự đoán sẽ tiếp tục tăng đến cuối tháng 3/2024, khi các địa phương bước vào mùa thu hoạch cao điểm. “Giá lúa dự kiến sẽ trở lại bình thường khi bắt đầu mùa thu hoạch. Vì vậy, giá lúa cao sẽ còn kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 3”, ông Rasyid nói hôm thứ Bảy (24/2/2024).
Khô hạn làm mất mùa
Nguyên nhân giá tăng mạnh trở lại trong năm 2024 là do vụ thu hoạch bị trì hoãn và nguồn cung suy giảm, lượng gạo nông dân cung cấp ra thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến lượng gạo trong kho của các cơ sở xay xát hiện không còn nhiều, nhất là gạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, sản lượng năm ngoái bị hạn chế cũng gây mất cân đối cung cầu.
Sản lượng gạo của Indonesia trong tháng 1 và tháng 2 năm 2024 ước đạt 2,25 triệu tấn, giảm 46,3% so với cùng kỳ năm trước do El Nino ảnh hưởng đến thu hoạch. Sản lượng lúa tháng 1/2024 ước tính ở mức 930.000 tấn, tháng 2 ước tính 1,32 triệu tấn, so với mức tiêu thụ hàng tháng là 2,54 triệu tấn.
Mùa khô vừa qua ở Indonesia bắt đầu sớm hơn thường lệ và thời tiết khô hạn do El Nino đã dẫn đến tình trạng giảm diện tích và sản lượng thu hoạch lúa trong niên vụ 2022/23. Dựa trên việc thực hiện diện tích thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023 và diện tích thu hoạch ước tính tháng 12/2023, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) vào đầu tháng 11 năm 2023 báo cáo diện tích lúa thu hoạch trong năm 2022/23 đã giảm 2,58% xuống còn 10,19 triệu ha, từ mức 10,46 triệu ha vào năm 2021/22.
Cùng với sự sụt giảm về diện tích thu hoạch, sản lượng lúa niên vụ 2022/23 cũng giảm 2,05% xuống 53,63 triệu tấn, so với 54,75 triệu tấn năm 2021/22. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng hạ ước tính về diện tích lúa thu hoạch niên vụ 2022/23 của Indonesia từ 11,55 triệu ha xuống 11,2 triệu ha do ảnh hưởng của El Nino đã được chứng minh là mạnh hơn dự đoán ban đầu, dẫn đến nhiều nông dân chuyển sang trồng ngô thay vì trồng lúa hoặc bỏ hoang đất.
Do El Nino dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 2 năm 2024 nên tác động bởi hiện tượng này có thể tiếp tục cản trở tăng trưởng diện tích lúa thu hoạch năm 2023/24.
Indonesia đang trong giai đoạn thiếu hụt gạo.Dự kiến năm nay Indonesia nhập khẩu nhiều gạo nhất thế giới
Nỗ lực nhập khẩu vẫn là một trong những "biện pháp tức thời" chính của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu gạo trong nước. Tính đến ngày 18/2, lượng nhập khẩu gạo năm 2024 đã đạt 507.000 tấn.
Dự kiến năm 2024 Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, trở thành một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Động thái này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Bulog đã bắt đầu năm mới bằng việc đấu thầu mua 500.000 tấn gạo để tăng cường dự trữ lương thực quốc gia. Hợp đồng 500.000 tấn được xem là khởi đầu tích cực cho ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt sau Tết Nguyên đán.
Năm 2023, Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, với trên 1,17 triệu tấn, tương đương 640,25 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng 992% kim ngạch so với năm trước và chiếm lần lượt trên 14,3% trong tổng lượng và 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Giá gạo xuất khẩu sang Indonesia trung bình năm 2023 là 549,2 USD/tấn, tăng 11,7% so với năm 2022.
Tháng 1/2024, Indonesia đứng thứ 3 trong danh sách các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, đạt 27.256 tấn, tương đương 18,08 triệu USD, giá 663,3 USD/tấn, giảm 35,8% về lượng và giảm 29,3% về kim ngạch nhưng tăng 10% về giá so với tháng 12/2023; giảm 68,3% về lượng, giảm 55,8% kim ngạch và tăng 39,2% về giá so với tháng 1/2023, chiếm gần 5% trong tổng lượng và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tham khảo: Jakartaglobe, Kompas