Tại Hội nghị “Nhịp cầu ASEAN ++”, chị Trần Hoàng Phú Xuân – CEO Faslink, lá cờ đầu trong ngành ‘nguyên liệu xanh’ cung cấp cho ngành may mặc ở Việt Nam, đã có nhiều chia sẻ thú vị về hành trình khởi nghiệp của mình.
Con đường đến với ngành thời trang bền vững hay ‘nguyên liệu xanh’ của chị như thế nào? Theo chị, đâu là khó khăn lớn nhất mà chị và Faslink đã phải trải qua?
Cách đây 14 năm, khi Faslink là công ty đưa ra giải pháp cung ứng nguyên liệu cho ngành thời trang thì chúng tôi chọn làm xanh để có sự khác biệt, chứ không phải là được truyền cảm hứng thực sự, hay là cảm thấy đây là con đường mà mình sẽ cam kết theo đuổi.
Tuy nhiên, sau khi làm việc sâu hơn với các phòng lab ở các quốc gia mà họ có những ứng dụng thời trang xanh hay ‘thời trang bền vững’ từ những thập niên 60, 80, 90, chúng tôi thấy rằng thị trường Việt Nam chưa có những sản phẩm tương tự - vừa có nhiều đặc tính tốt và đặc biệt là không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Khi thấy một xu hướng tốt, vừa có lợi cho người tiêu dùng và môi trường, mà tại Việt Nam rất hiếm người làm, nên chúng tôi đã quyết định nghiêm túc theo đuổi.
Theo đó, Faslink và các đối tác đã chọn theo đuổi sứ mệnh mang đến những cái giải pháp nguyên liệu có ‘tính xanh’, có tính bền vững và đương nhiên, đã là thời trang thì cần phải đẹp. Việc làm sao để có thể cân bằng giữa đẹp – nhiều tiện ích - bảo vệ môi trường, chưa bao giờ dễ dàng.
Cách đây 12 năm, khi mang những sản phẩm đầu tiên đi thuyết phục các thương hiệu nội địa trong nước mua sản phẩm của mình, thật sự rất là khó khăn. Chúng tôi mất khoảng 9 tháng để thuyết phục được nhãn hàng dùng nguyên liệu của mình. Còn bây giờ, tôi rất vui là thời gian thuyết phục đã rút ngắn chỉ còn 1 tháng thôi. Thậm chí, nhiều sản phẩm mới của chúng tôi ra đời chưa đến 1 tháng đã được chào đón bởi các nhãn hàng rồi.
Faslink luôn có những “first version” - sản phẩm đầu tiên thử nghiệm ít tính năng hơn. Nếu ‘phiên bản đầu tiên’ được khách hàng đón nhận nhiệt tình, chúng tôi sẽ phát triển những phiên bản tiếp theo. Tất nhiên, những phiên bản thứ 3 hay thứ 4 sẽ có rất là nhiều cái hay và cải thiện ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là ở chỉ số về năng lượng.
Ví dụ việc tiêu dùng điện, tiêu dùng nước để sản xuất một mét vuông vải sẽ giảm dần đều trên sản phẩm thế hệ tiếp theo được Faslink công bố.
Đâu là rào cản lớn nhất để các doanh nghiệp tham gia ngành ‘nguyên liệu xanh’ hay thời trang bền vững? Chị có những khuyến nghị gì với những người đi sau?
Người tiêu dùng (end-user) họ chỉ quan tâm là họ nhận được gì thôi, cụ thể - rõ ràng và thấy được; vậy nên, Faslink thường tiếp cận thị trường ở góc độ là người tiêu dùng nhiều hơn.
Đương nhiên, mô hình của Faslink là “From Lab To Market” - nghĩa là mình phải cố gắng đưa những sản phẩm rất thành công từ phòng lab ra thị trường. Quá trình đóng gói sản phẩm để có thể mang ra thị trường rất khó khăn; bởi mọi người thường mặc định: những công nghệ mới thường sẽ rất mắc tiền. Ngoài ra, trong kinh doanh, bài toán chi phí cũng rất thách thức.
Sau nhiều năm vận hành Faslink, công thức tôi đúc kết được để có thể “From Lab To Market” trôi chảy, đó là: New technology, million people can enjoy (Công nghệ mới khiến hàng triệu người có thể vui vẻ sử dụng). Thời trang bền vững rất cần công nghệ. Thật sự!
Với thời trang bền vững, ngoài chuyện phải cân bằng giữa ‘thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của con người mà không ảnh hưởng xấu/gây hại đến môi trường – xã hội’….; bây giờ nó còn có thêm sứ mệnh mới: ‘giúp bảo vệ sức khoẻ con người’ hơn nữa.
Chúng ta đang phải đối mặt với sự thay đổi/biến đổi khí hậu hết sức nghiêm trọng và con người bị ảnh hưởng trực tiếp – đầu tiên. Bây giờ, công nghệ sợi cũng phải làm sao để chúng ta có những bộ quần áo có khả năng bảo vệ, làm ấm, làm mát, khô nhanh, thấm hút nhanh… Với những người yêu thích xê dịch, họ còn muốn trang phục của họ có thêm tính năng kháng khuẩn, chống bám bẩn…
Vậy nên, trong ngành thời trang, những thay đổi như ‘được cung cấp nguyên vật liệu mới’, đang là ưu tiên hàng đầu từ các nhãn hàng lớn trên khắp thế giới. Hơn nữa, dưới những áp lực về những điều luật mới về môi trường hay những cam kết chuyển đổi xanh của các quốc gia, việc thực hành thương mại hoặc sản xuất thời trang xanh, thời trang bền vững là một điều thiết yếu với tất cả các nhãn hàng.
Ngoài ra, đâu đó sau đại dịch, ý thức sử dụng các thực phẩm xanh hay các sản phẩm có tính bền vững, ngày càng được nâng cao. Để thỏa mãn tất cả những điều đó, ngành vải sợi hoặc nguyên liệu cho ngành may mặc không ứng dụng công nghệ không được. Câu chuyện công nghệ sẽ không bao giờ ngừng lại, bởi nó luôn đem lại những giá trị thiết thực cho bất kì ngành nào và ngành hàng thời trang cũng vậy.
Trong hành trình tiến đến phát triển bền vững, cũng như ‘nguyên liệu xanh’, theo chị đâu là những nút thắt quan trọng để có thể giúp nền thời trang bền vững bùng nổ hơn nữa?
Theo tôi, thách thức nhất với ngành thời trang nói chung và thời trang bền vững nói riêng, đến từ sự biến thiên liên tục của công nghệ, thị trường lẫn người tiêu dùng. Ngày nay, cả công nghệ lẫn thị trường thay đổi thường xuyên; còn người tiêu dùng thì ngày càng thông minh hơn; nhiều đỏi hỏi và có nhiều kênh để mua sắm hơn.
Vậy nên, các doanh nghiệp nói chung chứ không riêng gì Faslink phải thực sự nghiêm túc vào R&D và coi R&D là một chìa khoá quan trọng của doanh nghiệp. Bởi chính R&D tạo ra những cái sản phẩm và nhiều giá trị mới hơn nữa cho người tiêu dùng hay hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Faslink là một doanh nghiệp B2B nhưng thực ra khách hàng cuối cùng của Faslink vẫn là người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm đó. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi luôn theo sát những trải nghiệm cũng như những đánh giá của người dùng cuối.
Chúng tôi cũng đang rất là tự hào, vì hành trình thời trang bền vững ở Việt Nam đang có những bước tiến rất mạnh mẽ. Điển hình là, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) vừa thành lập Uỷ ban Phát triển bền vững. Theo đó, Uỷ ban này sẽ thường xuyên cung cấp rất nhiều công cụ như là thông tin cũng như cái nguồn hỗ trợ về công nghệ - tài chính cho các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi xanh.
Trong VITAS và TP.HCM cũng đã có những sản phẩm gần như tiệm cận với tiêu chuẩn xanh của thế giới. Ví dụ: chúng ta đã làm được những chiếc quần jeans - thay vì tiêu tốn 700 lít nước như trước đây, bây giờ chỉ cần 20 lít nước thôi. Số lượng nước để làm ra một chiếc quần jeans đã được giảm rất nhiều, hoặc số nước đó đã được tuần hoàn lại.
Bây giờ, các doanh nghiệp không nên tự hỏi bản thân là muốn hay không muốn nữa, mà là phải hành động để phát triển bền vững. Chắc chắn chúng ta sẽ không làm một mình! Chúng ta đang có rất nhiều doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ các nguồn lực để chúng ta có thể đi với nhau một cách chặt chẽ và bền vững hơn.
Việt Nam cũng là nơi có rất nhiều nguyên liệu thô từ nông nghiệp. Hiện tại, tôi đang mặc một chiếc áo làm từ bã cà phê và các bạn có biết, Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu cà phê – đứng thứ 2 thế giới. Trong vòng 6 năm qua, nguyên liệu cà phê đang chiếm 30% sản lượng bán ra của Faslink; tương đương 20 triệu sản phẩm từ bã cà phê, từ áo polo, sơmi hay sắp tới là đồ lót và vớ…
Nếu bã cà phê không được tái chế một cách hợp lý thì đâu đó sẽ tạo ra khí metan – thành phần chính tạo nên hiệu ứng nhà kính. Faslink trong tương lai cũng đang làm việc với các nhà nghiên cứu để tái chế chính từ quần áo cũ của chúng ta, để có thể tạo ra vòng đời mới cho sản phẩm.
Cảm ơn chị rất nhiều!