Với sự bùng nổ của các MXH, đặc biệt là nền tảng TikTok với tính năng tiếp thị liên kết, cho phép người dùng kiếm tiền từ từng lượt "click vào đường link", "thêm đồ vào giỏ hàng", nhiều bạn trẻ nghĩ rằng đây là công việc ngon ăn, có thể dễ dàng kiếm được khối tiền. Từ đó, họ nuôi giấc mộng trở thành hot TikToker nói riêng, hoặc người có tầm ảnh hưởng trên MXH nói chung.
Những con số biết nói về khao khát được làm "nghề KOL" của GenZ
Theo một báo cáo Morning Consult - Công ty phân tích dữ liệu ở Mỹ, công bố vào cuối năm 2023: 57% Gen Z cho biết họ muốn trở thành người có tầm ảnh hưởng trên MXH và coi đây là một nghề có tiềm năng kiếm tiền hơn hẳn công việc văn phòng.
Kết quả này đến từ cuộc khảo sát với 2204 GenZ trong độ tuổi 13-26 ở Mỹ, đang sử dụng Twitter, Facebook, Snapchat, Instagram, TikTok, hoặc YouTube.
Trong nhóm người có đam mê làm nghề KOL này: 20% thừa nhận vẫn còn đang "mù mờ" về lĩnh vực nội dung mình sẽ làm trên MXH, 22% dự định làm nội dung về game, 13% khẳng định sẽ làm nội dung ẩm thực, 10% định hướng làm nội dung về dưỡng da/sức khỏe, 8% tập trung vào âm nhạc.
Ellyn Briggs - Nhà phân tích thương hiệu tại Morning Consult nói: "Nội dung đơn giản, không cầu kỳ, có thể quay và chỉnh sửa bằng điện thoại, không cần tới các công cụ chuyên nghiệp, phức tạp khác,... Tất cả những yếu tố này cùng sự bùng nổ của TikTok khiến mọi thứ dường như trở nên dễ dàng hơn qua lăng kính của GenZ.
Bởi vậy cũng không có gì khó hiểu khi quá nửa thế hệ này tin rằng họ có thể xây dựng sự nghiệp và kiếm được tiền chỉ bằng việc hoạt động năng nổ trên MXH".
Nghề KOL không "màu hồng" như những gì mọi người vẫn nghĩ!
Đây là lời khẳng định của Ana Wolfermann - Cô gái đã nghỉ việc văn phòng, tập trung toàn bộ thời gian và sức lực để xây dựng kênh TikTok hiện có 962.600 người theo dõi của mình.
"Mọi người thường nghĩ rằng làm sáng tạo nội dung trên MXH là được tự do, không bó buộc thời gian, đồng thời có thể kiếm bộn tiền từ tiếp thị liên kết hoặc nhận quảng cáo từ nhãn hàng. Điều đó có thể đúng, không sai nếu họ có đủ tài năng và may mắn.
Trong trường hợp ngược lại, nếu bạn không thể tự làm một mình, bạn sẽ phải tham gia vào một công ty quản lý, nhận công việc từ họ và đương nhiên phải chia cho họ một phần lợi nhuận quảng cáo. Việc đó thực chất cũng không khác đi làm văn phòng là mấy" - Ana Wolfermann chia sẻ.
Cô cũng cho biết thêm trong khoảng 2 tháng đầu, khi coi sáng tạo nội dung trên TikTok là công việc toàn thời gian, cô gần như không có thu nhập ổn định từ nền tảng này. Mọi chuyện chỉ bắt đầu "vào guồng" kể từ tháng thứ 6.
"Mặc dù phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp tôi kiếm nhiều tiền hơn so với mức lương làm văn phòng, nhưng đổi lại, nó không ổn định. Tôi sẽ không thể chắc chắn tháng này mình kiếm được bao nhiêu cho tới cuối tháng. Có thể con số ấy sẽ gấp đôi, gấp ba tháng trước nhưng cũng có thể là chẳng bằng phân nửa" - Ana Wolfermann kể.
Tháng 12/2023, tờ Washington Post đưa tin chỉ có 12% người làm sáng tạo nội dung toàn thời gian trên MXH kiếm được trên 50.000 USD/năm; số còn lại có mức thu nhập trung bình chỉ tương đương hoặc cao hơn không đang kể so với mức thu nhập từ công việc văn phòng trước đó của họ.
Ana Wolfermann cũng cho biết thêm rằng công việc làm sáng tạo nội dung gần như không hề mang lại cho cô sự thử thách về mặt trí tuệ. Tất cả những gì cô cần làm là quay video theo kịch bản được chuẩn bị sẵn. Trong trường hợp cô phải tự làm mọi thứ, chuyện ấy cũng chẳng giúp cô cảm thấy mình đã tiến bộ hơn vì tất cả đều như một thói quen, không có gì mới mẻ.
Cô nói: "Tôi cảm thấy mình ngày càng sống hời hợt hơn vì tất cả những gì tôi làm là chia sẻ cuộc sống của mình lên MXH. Tôi dần cảm thấy bị ám ảnh bởi việc dù đang làm gì, đang đi với ai, đang ở đâu, trông như thế nào,... tôi cũng luôn trong trạng thái ghi hình, dù chẳng biết có ai thực sự quan tâm tới những điều đó hay không, nhưng nếu không làm như vậy, tôi lại lo sợ mình sẽ bị tụt hậu, bị lãng quên khi ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường sáng tạo nội dung này".
Theo Fortune, CNBC