HoREA đề xuất bỏ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, nhiều chuyên gia phản đối
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp, đề xuất xem xét bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo lập luận của HoREA, quy định này không thật sự cần thiết, ngược lại làm tăng chi phí, làm tăng giá thành và giá bán nhà ở, không có lợi cho người mua nhà mà chỉ làm lợi cho ngân hàng thương mại.
Không đồng ý với quan điểm của HoREA, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng không những không thể bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai mà ngược lại, cần thắt chặt quy định này hơn nữa.
Luật sư cho rằng cần hiểu đúng mục đích của quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể, quy định này của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà - những người yếu thế trong quan hệ mua bán bất động sản khi ít hiểu biết về thủ tục mua bán, nắm được ít thông tin về dự án, không đủ điều kiện để nắm bắt, theo dõi, quản lý dự án trong quá trình triển khai. Trong khi đó, ngân hàng là đơn vị uy tín, có khả năng quản lý, theo dõi sức khỏe doanh nghiệp từ tài chính, dòng tiền, nguồn thu, tiến độ… Ngân hàng hoàn toàn đủ năng lực để bảo lãnh cho người mua nhà.
Đại diện công ty Luật ANVI cũng đánh giá trên thị trường hiện nay, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án chậm 10 năm nhưng người mua nhà không có nhà để ở, tiền đã trả không thể đòi lại được. Trong khi đó, chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm bồi thường hay chịu chế tài xử lý nào.
Từ đó, luật sư đề xuất ngân hàng phải bảo lãnh và chịu trách nhiệm 100% với dự án hình thành trong tương lai, không chỉ đến thời điểm cam kết bàn giao, mà cho tới thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà. Nếu chủ đầu tư bàn giao chậm so với cam kết, ngân hàng phải bồi thường thiệt hại, trả lại cho người mua nhà cả số tiền gốc đã đóng và tiền lãi phát sinh.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, cho biết pháp luật hiện hành quy định dự án bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh mới được bán hàng. Quy định này như một “tấm khiên” bảo vệ người mua trước tình trạng các chủ đầu tư vẽ dự án ảo, triển khai dự án không đúng tiến độ…
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng mặc dù có quy định từ về bảo lãnh từ 2015 nhưng đến nay, không có một thống kê chính thức nào cho biết đã có bao nhiêu dự án được ngân hàng bảo lãnh và trong số này có bao nhiêu khách hàng đã được bảo vệ quyền lợi. Do vậy, ông Hiếu đề xuất cần siết chặt thêm các quy định để buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Người mua nhà phải có được hợp đồng bảo lãnh giữa người mua nhà và ngân hàng, phải cầm được trong tay chứng nhận bảo lãnh từ ngân hàng để được đảm bảo mọi quyền lợi khi mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Loạt sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM chấm dứt hoạt động
Phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trên địa bàn TP.HCM có 60 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động. Những sàn này được thành lập trong giai đoạn từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2022.
Có 6 sàn giao dịch BĐS chấm dứt hoạt động. Trong đó, ngoài Sàn giao dịch bất động sản Hoàng Anh (quận 10) đã chấm dứt hoạt động từ tháng 9/2019, cả 5 sàn còn lại đều mới chấm dứt hoạt động trong tháng 12/2022 vừa qua.
5 sàn bao gồm: Wonderland (quận 3) của Công ty TNHH Gia Luật Group; Hiệp Long (quận Tân Bình) của CTCP Quản lý và Phát triển Hiệp Long; DPV (quận 3) của CTCP Phát triển bất động sản DPV; Milestone Land (TP Thủ Đức) của Công ty TNHH ImPact Investment Consultancy; Trung Thịnh (quận 6) của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Trung Thịnh.
Thị trường bất động sản từ cuối quý II/2022 đã bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đã khiến tâm lý chung trên thị trường này trở nên e dè, giao dịch cũng sụt giảm.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm bộ máy nhân sự.
Giá bán bất động sản du lịch tăng trung bình 12-15%
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam về phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, quý IV/2022, có 18 dự án chào bán, đưa ra thị trường 2.561 sản phẩm, tập trung chủ yếu ở miền Nam.
Nguồn cung chủ yếu là hàng tồn kho từ quý III/2022. Trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều thách thức, hoạt động mở bán và đưa vào khai thác của một số dự án bị chậm tiến độ so dự kiến. Tỷ lệ hấp thụ khoảng 28%.
Tính chung cả năm 2022, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp tăng trung bình 12-15% so với năm 2021 do các dự án mới có mức giá chào bán cao, khoảng 17 – 167 triệu đồng/m2. Khu vực miền Nam ghi nhận nền giá cao nhất 35 - 167 triệu đồng/m2.
Lượng giao dịch sản phẩm căn hộ du lịch chưa tốt như kỳ vọng vì còn điểm nghẽn về pháp lý trong bối cảnh ngành du lịch chưa hồi phục.
Các thông tin đáng chú ý khác
TP.HCM kiến nghị xây thêm 2 cầu nối Đồng Nai
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM thay đổi quy mô xây Cầu Cát Lái kết nối với Đồng Nai, đồng thời xây dựng thêm cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2 kết giao thông kinh tế giữa hai địa phương.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trường hợp cầu Cát Lái vẫn được xây dựng theo quy hoạch, cơ quan đề xuất phương án thay đổi quy mô xây dựng để giảm ảnh hưởng đến quy hoạch đường Nguyễn Thị Định và tình hình sử dụng đất 2 bên tuyến đường. Cụ thể, cây cầu này sẽ được điều chỉnh thành 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp) thay vì phương án 8 làn xe trước đó.
Về 2 cây cầu được đề xuất xây mới, cầu Phú Mỹ 2 có 6 làn xe sẽ kết nối khu nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Còn cầu Đồng Nai 2 sẽ kết nối TP Thủ Đức và huyện Long Thành, quy mô 6 làn xe.
TP.HCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Hiện nay, hướng kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM và Đồng Nai gián tiếp thông qua 3 tuyến nối Bình Dương là quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai; quốc lộ 1K qua Bình Dương kết nối với TP.HCM qua cầu Hóa An và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các tuyến này đều đang quá tải.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020, giao thông đường bộ kết nối TP.HCM - Đồng Nai có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cầu Long Thành - 8 làn xe), cao tốc Bến Lức - Long Thành (cầu Phước Khánh - 4 làn xe), quốc lộ 1A (cầu Đồng Nai - 8 làn xe), vành đai 3 (cầu Nhơn Trạch - 8 làn xe).
Tuy nhiên, đến nay, ngoài cầu Phước Khánh (cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu Nhơn Trạch (vành đai 3 TP.HCM) đang triển khai, cầu Cát Lái nằm trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng.
Hà Nội thông xe đoạn Vành đai 2 sau 4 năm thi công
Ngày 11/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ thông xe dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.997 tỷ đồng, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư.
Tiền thuế thu từ nhà, đất cao kỷ lục
Theo Tổng cục Thuế, hầu hết khoản thu liên quan nhà, đất năm 2022 đều tăng cao so với dự toán. Đây là nhóm tăng mạnh nhất với tiền thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vượt 74% dự toán; thu từ cho thuế đất, mặt nước vượt 65% và thu tiền sử dụng đất vượt 54%.
So với mức mức thu năm 2021, số tiền thuế từ các khoản thu liên quan nhà, đất kể trên cũng tăng tới 47% và là mức thu cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn cung căn hộ Hà Nội thấp nhất trong vòng 8 năm qua
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý IV, tổng nguồn cung sơ cấp tại Hà Nội trong quý IV/2022 là 20.333 căn hộ. Tính cả năm 2022, nguồn cung mới đã đạt mức thấp nhất trong 8 năm vừa qua. Trong đó, căn hộ hạng B chiếm 83%, theo sau là căn hộ hạng A với 9%.
Số lượng giao dịch đạt 2.890 căn, giảm 20% theo quý và 30% theo năm. Tuy nhiên, giá bán sơ cấp trung bình vẫn tăng 15% so với năm trước, đạt ngưỡng 47 triệu đồng/m2.
Đề xuất 9 tỷ USD để xây dựng đường sắt TP.HCM
Ban quản lý dự án đường sắt đã trình lên Bộ Giao thông Vận tải Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với chiều dài 174 km. Tuyến có 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa. Tàu hỏa áp dụng công nghệ hiện đại, tốc độ thiết kế lên tới 190km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến cho tuyến đường là 9,07 tỷ USD.
Hàng trăm lô đất tại Bắc Giang được đấu giá đầu năm với giá khởi điểm chỉ từ 5 triệu đồng/m2
Công ty Đấu giá Hợp danh Đại Dương Group vừa ra thông báo đấu giá quyền sử dụng đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường huyện Yên Thế.
Có 105 lô đất, trong đó 83 lô tại khu dân cư mới xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế và 22 lô ở khu dân cư mới, khu vực đền Thần Nông, thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Giá khởi điểm từ 5 triệu đồng/m2.
Thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đấu giá từ ngày thông báo công khai đến 16h30 ngày 13/1. Cuộc đấu giá được tổ chức vào 8h ngày 17/1 (thứ ba) tại hội trường UBND xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.