[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Bất động sản nghỉ dưỡng lâm vào thế khó, chung cư Hà Nội tiếp tục tăng giá

Thủy Tiên | 08:41 24/09/2022

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bước vào giai đoạn trầm lắng, trong khi chung cư Hà Nội tăng giá mạnh mẽ...

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Bất động sản nghỉ dưỡng lâm vào thế khó, chung cư Hà Nội tiếp tục tăng giá
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng rơi vào thế khó khi nguồn cung tăng nhanh, nguồn cầu chậm cải thiện. Ảnh: Trung Vũ

Nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục tăng trong khi nguồn cầu chậm cải thiện là một trong những câu chuyện "nóng" của địa ốc tuần qua. Ngoài ra, tình trạng chung cư Hà Nội liên tục tăng giá, BĐS đầu tư ế ẩm ở một số địa phương… cũng là chủ đề được quan tâm.

Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng gặp khó: Thừa cung, giao dịch ảm đạm

Hiện tại, du khách chỉ cần chi 100.000-200.000 đồng là có thể nghỉ một đêm cuối tuần tại không ít khách sạn ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), kể cả khi đặt phòng gấp. Các khách sạn, resort 3-4 sao giờ đây cũng đã giảm 40% giá phòng, thậm chí sâu hơn, so với thời hoàng kim của ngành du lịch.

Ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa, cho rằng đây mới chỉ là một hệ quả của tình trạng khách sạn, resort "mọc lên như nấm" những năm qua.

Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa, toàn tỉnh đang có hơn 52.000 phòng lưu trú, khoảng một nửa trong số này được xếp loại 3-5 sao. Tuy nhiên, ông Võ Quang Hoàng ước tính con số này phải lên đến hơn 55.000 và sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, bởi nhiều dự án quy mô lớn 500-700 phòng vẫn đang được xây dựng và chờ mở cửa.

"Công suất phòng bình quân của các khách sạn, resort ở Khánh Hòa hiện dưới 30%, dịp lễ Tết có thể tăng lên 40-50%, nhưng đến nay đã hết mùa cao điểm, các khách sạn lại 'vườn không nhà trống'.

Kể cả trước khi có dịch, tỷ lệ lấp đầy cũng khoảng 60-70%, đủ để sống tốt nhưng vẫn không thể cao hơn do số phòng dư thừa quá lớn", ông Hoàng nói.

Đây không phải vấn đề của riêng Khánh Hòa. Thống kê của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho thấy toàn quốc đang có 38.000 cơ sở lưu trú, với 780.000 phòng.

Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương ước tính trong 3 năm tới, nguồn cung khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch trọng điểm ở Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm. Trong khi đó, tại nhiều địa phương ven biển đã và đang dư thừa sản phẩm nghỉ dưỡng, đặc biệt ở phân khúc 3-4 sao trở xuống.

Còn theo DKRA, BĐS nghỉ dưỡng cũng theo “cơn sóng” ảm đạm của thị trường BĐS khi nguồn vốn dành cho lĩnh vực này đang bị hạn hẹp hơn so với trước.

Dù vậy, các chủ đầu tư vẫn tung hàng trong tháng 8 năm nay vì các dự án đã được khởi công trước đó.

Đặc biệt là loại hình condotel. Sau thời gian lùm xùm vì vướng pháp lý khiến cho loại hình này chững lại thì đến nay các chủ đầu tư tiếp tục tung hàng. Trong tháng 8, DKRA ghi nhận nguồn cung condotel tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với 424 căn, tập trung cục bộ tại một dự án ở khu vực miền. Hầu hết các dự án có tình hình bán hàng chậm do sức cầu thị trường vẫn còn khá thấp, đạt tỷ lệ 29% . Dù vậy, mặt bằng giá bán sơ cấp vẫn tăng 2% - 7% so với tháng trước. Tuy nhiên, việc tăng giá này kèm theo các chính sách chiết khấu, ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, cam kết lợi nhuận...

Theo ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, với các rủi ro tiềm ẩn do quy định pháp luật chưa đồng bộ, trong thời gian tới, dự án BĐS du lịch sẽ còn nhiều rủi ro.

Giá nhà Hà Nội tăng chóng mặt, tốc độ tăng giá cao gấp 3 TP.HCM

Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, trong 8 tháng đầu năm, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp tại Hà Nội tăng trung bình khoảng 15%. Trong khi đó, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp ở TP.HCM tăng lần lượt 3%, 5,5% và 8%.

gia-nha-ha-noi-tang-15-phan-tram-11-9702.png
Giá rao bán chung cư Hà Nội tăng đều ở các phân khúc.

Sở dĩ chung cư Hà Nội tăng giá nhanh hơn so với TP.HCM, theo chuyên gia Batdongsan.com.vn, bởi các đợt sốt đất kéo dài tại Hà Nội trong những năm vừa qua đã đẩy giá BĐS lên một mặt bằng mới. Qua đó, giá chung cư cũng tăng theo. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như nguồn cung thấp trong khi nhu cầu nhà ở không ngừng tăng lên, hay mặt bằng giá tại Hà Nội đang thấp hơn đáng kể so với TP.HCM...

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đối với BĐS tại TP.HCM trong 8 tháng đầu năm tăng tới 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số này của Hà Nội là 4%.

Ông Quốc Anh, Phó giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận trong dài hạn, dòng tiền sẽ ở lại với TP.HCM và miền Nam nói chung bởi kinh tế khu vực phía Nam vốn là đầu tàu cả nước, kinh tế bền vững giúp cho thu nhập của người dân bền vững và khả năng chi trả cho mặt hàng BĐS tốt. Đồng thời, mặt bằng giá BĐS tại đây nhìn chung duy trì ở mức ổn định.

Thị trường BĐS Đà Nẵng trầm lắng

So với dịp đầu năm, thị trường BĐS Đà Nẵng đã trầm lắng hơn nhiều, lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Dù vậy, giá vẫn neo ở mức cao. Môi giới cho hay giá đất ở vùng ven thuộc huyện Hòa Vang, khu giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn nhiều nguồn cung. Ở phân khúc này, giá mỗi lô đất dao động khoảng 1,2- 1,7 tỷ đồng (tùy vị trí và điều kiện đường sá).

Còn các lô đất ở các dự án thuộc các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn..., mức giá dao động trung bình khoảng 2- 3,5 tỷ đồng.

9-zing-9323.jpg
Giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng trầm lắng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Đoàn Nguyên

Trong khi đó, tại nội thành, nguồn cung còn rất ít nên mức giá cũng cao hơn, khoảng 5- 10 tỷ đồng /lô. Còn đất ở kiểu biệt thự ven sông có giá cao ngất ngưởng, có lô 10 tỷ, có lô vài chục tỷ đồng.

Theo báo cáo tháng 7 của CBRE Việt Nam, thị trường BĐS Đà Nẵng đang có lượng tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2018 trở về trước. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 18%, giá bán thứ cấp tăng 5-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ mở rộng không gian phát triển về phía tây bắc và đông nam, hướng tới hình thành các khu đô thị vệ tinh.

Trong đó, khu vực tây bắc là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cũng là điểm giao của các nút giao thông trọng điểm nên kết nối thuận lợi với các khu vực lân cận và trung tâm TP. Dự báo sẽ có nhiều chủ đầu tư đổ về đây và phát triển các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phức hợp… nhằm đón đầu làn sóng chuyển dịch của bộ phận dân cư chất lượng cao về khu vực này, trong đó, phải kể đến nhóm chuyên gia trong và ngoài nước làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Trong khi đó, phía đông nam lại sở hữu kết nối liên vùng với khu vực Quảng Nam, có thể hình thành chuỗi đô thị - du lịch ven biển, ven sông…

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ chứng kiến sự nở rộ của những dự án căn hộ hay khu đô thị ven sông, ven biển giai đoạn tới đây được đầu tư chuẩn chỉnh về mặt thiết kế và chất lượng sản phẩm.

"Những tháng còn lại của năm 2022, sức mua BĐS sẽ tăng và tập trung chủ yếu ở những khu đô thị quy mô lớn", bà Dung nhận định.

Một số thông tin đáng chú ý khác

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không đồng ý đầu tư xây dựng sân bay Mộc Châu

Bộ GTVT không đồng ý với đề xuất của tỉnh Sơn La về việc đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT cho biết quy hoạch đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã hoạch định tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu với chiều dài khoảng 145 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Tuyến cao tốc sẽ bảo đảm khả năng kết nối thuận lợi từ Sơn La tới sân bay Nội Bài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc dù không đồng ý đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch toàn quốc, Bộ GTVT cho biết nếu địa phương có nhu cầu phát triển sân bay phục vụ du lịch vẫn có thể đầu tư sân bay theo hướng "chuyên dùng". Tuy nhiên, loại hình sân bay này phải được Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí.

Sân bay chuyên dùng được xây dựng để phục vụ khai thác hàng không chung hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải "vận chuyển công cộng". Máy bay chuyên dùng là các loại trực thăng, thủy phi cơ, máy bay cánh bằng loại nhỏ, máy bay không người lái... Hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất dự án sân bay Hồ Tràm (Lộc An, Bà Rịa - Vũng Tàu) được Bộ Quốc phòng phê duyệt là sân bay chuyên dùng.

Khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch

Bộ GTVT đã chốt lịch khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 - TP.HCM vào ngày 24/9. Dự án gồm hai gói thầu là phần đường và cầu Nhơn Trạch. Dự kiến gói thầu xây cầu Nhơn Trạch sẽ thi công hết 35 tháng, còn gói cầu thi công phần đường sẽ xây trong 30 tháng.

Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) dài hơn 8km. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 6,3km. Đây là đoạn đầu của tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng.

Nhiều chủ đầu tư ra chính sách bán hàng 'lạ', cam kết cho thuê lại căn hộ

Trong bối cảnh thị trường BĐS trải qua nhiều biến động liên tục trong các tháng qua, các chủ đầu đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng “mạnh tay”. Theo các chuyên gia, đó là cách trấn an tâm lý cũng như thúc đẩy thanh khoản thị trường từ nay đến cuối năm.

Chẳng hạn, tại dự án Phú Đông Sky Garden của Phú Đông Group, ngoài chính sách thanh toán 20%, hỗ trợ 100% lãi suất cũng như ân hạn nợ gốc trong vòng 24 tháng hoặc đến khi nhận nhà, CĐT này mới đây tiếp tục ra chính sách “lạ” khi cam kết thuê lại căn hộ với giá thuê cố định là 12 triệu/tháng ngay sau khi bàn giao cho khách hàng.

Cùng chính sách cho thuê lại căn hộ, mới đây, Tập đoàn BĐS An Gia công bố sẽ áp dụng chính sách cam kết cho thuê lại từ 12-18 tháng đối với căn hộ 3 phòng ngủ, villa, shophouse tại khu phức hợp Westgate (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Trước đó, Hưng Lộc Phát Group cũng công bố chính sách đặc biệt là cam kết thuê lại căn hộ dịch vụ thuộc dự án The Peak Garden. Cụ thể, chủ đầu tư này cam kết cho thuê lại từ 100 triệu đồng cho 12 tháng đầu tiên sau khi bàn giao sản phẩm đối với sản phẩm có diện tích tim tường dưới 70 m2. Với các sản phẩm trên 70m2, cam kết thuê lại với mức phí gấp rưỡi, tức từ 150 triệu đồng.

Ngoài chính sách cam kết thuê lại, một số chủ đầu tư như Vạn Phúc, Masterise Homes, Novaland… cũng đang chạy các chính sách bán hàng vào dịp cuối năm. Trong đó, chính sách tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ giãn tiến độ thanh toán, hoặc cam kết cho thuê lại…

Theo các chuyên gia, các chủ đầu tư tiếp tục đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính cho khách hàng như áp dụng lịch thanh toán giãn, hỗ trợ lãi suất hay ân hạn nợ gốc, cam kết thuê lại… có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi mà room tín dụng mở, tâm lý chung là người mua sẽ cố gắng tận dụng thời điểm này để mua BĐS.

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Bất động sản nghỉ dưỡng lâm vào thế khó, chung cư Hà Nội tiếp tục tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO