Nội dung chính:
- Coteccons phủ nhận thông tin thua lỗ năm 2022 của các chuyên viên phân tích.
- Coteccons đồng thời phủ nhận các tin đồn về khoản nợ xấu lên tới 2.600 tỷ đồng và việc bỏ tạm ứng nhằm thắng thầu dự án Lego, khó khăn trong việc thu hồi nợ từ một số khách hàng lớn.
Không phủ nhận sự khó khăn của ngành xây dựng trong năm 2022, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro, đối mặt với thách thức giá nguyên vật liệu tăng… ông Bolat Duisenov cho biết công ty vẫn có lợi nhuận dương trong năm vừa qua. “Chúng tôi không mất tiền” - ông Bolat khẳng định.
Trước đó, ông Võ Hoàng Lâm - Tổng Giám đốc Coteccons cho biết tổng doanh thu năm 2022 của công ty ước đạt 14.500 tỷ đồng - tương đương 97% kế hoạch đề ra. Doanh thu đang được công ty tiếp tục ghi nhận cho những ngày cuối năm. Không chia sẻ cụ thể con số lợi nhuận năm 2022, Tổng Giám đốc Coteccons cho biết “lợi nhuận đạt như dự kiến”.
Năm 2022, kế hoạch của Coteccons đã được ĐHCĐ 2022 thông qua ở mức 15.010 tỷ đồng doanh thu và 20 tỷ đồng lợi nhuận.
Cuối năm 2022 vừa qua, Chứng khoán Mirae Asset công bố báo cáo phân tích, nhận định rằng Coteccons sẽ thua lỗ khoảng 110 tỷ đồng năm 2022.
Coteccons chưa đưa ra con số kế hoạch năm 2023, nhưng cho biết so với mức thực hiện năm 2022, kế hoạch năm 2023 sẽ cao hơn từ 10 - 20%.
Phủ nhận loạt tin đồn
Bên cạnh nhưng phân tích bất lợi, năm 2022 Coteccons cũng đối mặt với nhiều tin đồn thất thiệt.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức ngày 16/1/2023, đại diện Coteccons cũng chính thức phủ nhận tin đồn về khoản nợ xấu 2.600 tỷ đồng của công ty.
Báo cáo tài chính của Coteccons quý 3 năm 2022 cho thấy công ty có 1.146 tỷ đồng nợ xấu vào cuối quý 3/2022, trong đó số tiền đã trích lập dự phòng là 961 tỷ đồng.
Về thông tin bỏ tạm ứng để thắng thầu dự án “tỷ đô” nhà máy Lego, đại diện công ty cũng cho biết “đó là thông tin không đúng”. Theo quy định bảo mật, Coteccons hay phía Lego đều không có quyền công khai các chi tiết hợp đồng, tuy nhiên Tổng giám đốc Coteccons khẳng định công ty không bỏ tạm ứng để thắng thầu dự án.
Tạm ứng là khoản tiền mà chủ đầu tư ứng trước cho nhà thầu để thực hiện dự án. Khoản tạm ứng này đảm bảo cho nhà thầu vận hành ổn định, đồng thời giảm thiểu các khoản phải thu, giảm nguy cơ phát sinh nợ xấu trong tương lai.
Nợ xấu (các khoản phải thu đến hạn nhưng chưa được trả) - là một trong những khó khăn chung của các nhà thầu trong năm vừa qua. Thị trường bất động sản khó khăn tác động trực tiếp đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản, khách hàng chính của các nhà thầu xây dựng như Coteccons.
Không chỉ Coteccons, các nhà thầu khác như Hòa Bình, Vinaconex, PC1, Tổng công ty Sông Đà… đều phải đối mặt với việc tăng lên của các khoản nợ đọng.
Ông Bolat cũng phủ nhận các tin đồn về khả năng thanh toán của các chủ đầu tư - khách hàng của Coteccons là Novaland, Sonkim Land, các chủ đầu tư dự án Casino Nam Hội An (VinaCapital, Chow-Tai-Fook - HongKong và The Suncity Group - Macau).
“Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy các khoản thu từ các khách hàng này có rủi ro” - ông Bolat khẳng định.