Theo 163, vào năm 2021, tại dự án xây dựng Jinhe Tianfu thuộc khu phát triển kinh tế Miên Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc, trong quá trình đào móng, công nhân máy xúc phát hiện điều bất thường dưới lòng đất. Lập tức, anh liên hệ với người phụ trách để báo cáo tình hình.
Sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo, đội công nhân hơn 50 người mất 3 ngày để đào và đưa vật thể này lên lòng đất. Sau khi đo đạc, nhóm xác định đây là khúc gỗ có đường kính khoảng 1,5m, dài gần 40m.
Nghi ngờ đây là gỗ quý, người phụ trách lập tức liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ. Ngay khi đội chuyên gia có mặt, đồng thời cảnh sát cũng tiến hành phong tỏa khu vực này.
Sau khoảng 1 ngày nghiên cứu và tiến hành thẩm định, đội chuyên gia xác định khối gỗ mà đội công nhân đào được là gỗ mun. Nó có tuổi thọ lên đến 3.000 năm tuổi. Đây là loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Nếu căn cứ vào giá thị trường ở thời điểm đó, giá của khối gỗ mun này vượt mốc 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng).
Theo 163, tại Trung Quốc, khúc gỗ mun đầu tiên được phát hiện là tại lưu vực các con sông ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Sau đó, người ta dần tìm thấy loại gỗ quý này ở Quảng Tây, Quảng Đông và nhiều khu vực khác.
Theo các chuyên gia, gỗ mun là thuật ngữ chung để chỉ loại gỗ đặc biệt được cacbon hóa sau một thời gian dài bị chìm, vùi lấp dưới lòng đất do các nguyên nhân tự nhiên. Do thiếu ánh sáng mặt trời, oxy trong lòng đất, dưới điều kiện axit và vi sinh vật, những khúc gỗ này trở thành “xác ướp” thực vật, chuyển thành màu nâu, xám, đen, xanh đen.
Trên thị trường, giá của gỗ mun tương đối cao. Trong đó, gỗ mun từ cây nanmu có giá trị nhất, khoảng 80.000-150.000 NDT/m3 (279-524 triệu đồng/m3). Đây chỉ là mức giá trung bình. Tuổi gỗ càng cao thì giá trị càng lớn.
Với mức giá cao đến khó tin, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao một khúc gỗ đen như than lại giá trị đến thế? Thực tế, cái gì càng hiếm thì càng quý. Gỗ mun cũng như vậy. Đây có thể xem như một loại tài nguyên hiếm không thể tái tạo được, báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Thời gian hình thành của chúng kéo dài đến hàng nghìn năm trong môi trường khắc nghiệt dưới lòng đất. Việc tìm được cây gỗ này không phải đào là thấy, mà phụ thuộc vào vận may.
Bên cạnh đó, loại gỗ này có giá trị là nhờ mặt cắt và vân cắt rất mịn. Nếu được đánh bóng đúng cách, bề mặt gỗ mun sáng như gương. Ngoài ra, gỗ mun là vật liệu lý tưởng để làm các tác phẩm nghệ thuật và đồ nội thất bởi có tính chất ổn định và bền, có khả năng chống mục nát. Hơn nữa, trong quan niệm của người Trung Quốc, gỗ mun còn mang ý nghĩa phong thủy.
Sau khi được nghe phân tích về loại gỗ này, các chuyên gia khuyên người phụ trách công trường ở Miên Dương nên bàn giao lại cho chính quyền. Bởi bên cạnh giá trị kinh tế, loại gỗ này cũng có giá trị nghiên cứu cao.
Không chút lăn tăn, lãnh đạo của công trường quyết định bàn giao toàn bộ khúc gỗ này cho chính quyền. Để biểu dương việc làm này, địa phương đã trao tặng phần thưởng và giấy chứng nhận cho sự đóng góp của phía công trường trong việc tìm và phát hiện những báu vật quốc gia.
Tại Trung Quốc, không hiếm trường hợp người dân đào trúng những khúc gỗ khổng lồ có giá trị lớn. Hồi năm 2017, tại công trường ở quận Kim Thủy, Hà Nam, Trung Quốc, khi đang làm việc, các công nhân cũng bất ngờ đào được một cây gỗ có độ dài 20m, đường kính hơn 1 người trưởng thành lại có mùi thơm. Theo như xác định của các chuyên gia, đây là gỗ âm trầm khoảng 1.000 năm tuổi.
Trước đó, khoảng tháng 3/2016, người đàn ông họ Cao ở Chi Giang, Hồ Bắc, Trung Quốc cũng trục vớt được cây gỗ mun có độ dài khoảng khoảng 25m, đường kính lên đến 1,5m.
Sau khi tìm thấy những khúc gỗ quý, tất cả những cá nhân này đều trao lại cho chính quyền để phục vụ cho công tác nghiên cứu.