Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các tổ chức tín dụng. Như vậy, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương với các tổ chức tín dụng còn khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Lý giải về tình trạng tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nguyên nhân đến từ việc nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.
Ở các ngành nông, lâm, thủy sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành đạt khoảng 914,5 nghìn tỷ đồng (tăng 2,71%, chiếm 7,17%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng (tăng 6,27%, chiếm 35,8%), ngành dịch vụ đạt trên 8,5 triệu tỷ đồng (tăng 7,71%, chiếm 67,03%).
Với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 2022; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 322 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,53%, tăng 11,61% so với cuối năm 2022…
Với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 92,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,16% so với cuối năm 2022, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế.
Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán là trên 81 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,64% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gần 93% so với cuối năm 2022. Tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo NHNN, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm 2022, chiếm 21,2% dư nợ nền kinh tế.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Phó Thủ tướng nhấn mạnh "tín dụng phải là một dòng chảy liên tục", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và yêu cầu NHNN báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình, làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng.
Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14%. Mặc dù đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm nhằm bơm vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, tăng trưởng tín dụng không đạt được như mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa tìm thêm các giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn hệ thống.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công,… cùng với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu, tạo đà cho sự phát triển tốt hơn trong năm 2024.