Nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc xóa sổ tín dụng đen, đồng thời giúp người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận kênh tín dụng tiêu dùng chính thức. Ngày 30/11 đã diễn ra hội thảo ‘‘Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?”, sự kiện do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, tại TP.HCM.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Cục Truyền thông công an nhân dân (Bộ Công an), Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp); Ngân hàng Nhà nước; các luật sư, chuyên gia kinh tế...
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: “Trong bối cảnh công nghệ phát triển. Tình trạng cho vay, đòi nợ trái với pháp luật. Với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt app cho vay rất phát triển, và phương thức cho vay cũng đơn giản rất nhiều. Bên cạnh đó là hàng loạt các bẫy giăng ra với người vay.
Tình trạng rất đáng báo động là nhu cầu của người dân về cho vay, vay tiêu dùng vẫn rất lớn nhưng lại dẫn đến tình trạng dòng tiền đang bị “ngắt khúc” và chuyển về một số kênh cho vay phi chính thức – tín dụng đen.
Để giải quyết căn cơ vấn nạn tín dụng đen, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám Đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, cần khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay.
Về phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”, trong khi ở phía các tổ chức tín dụng, cần phải làm tốt hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay. Một khi ngành Ngân hàng làm tốt thì đương nhiên người vay sẽ chọn lựa vay ở các tổ chức tín dụng chính thống, được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Nhằm bảo vệ người dân, TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để bảo vệ quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Đồng thời, cần xây dựng khung khổ pháp lý để nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ì trả nợ.
Cùng với những giải pháp căn cơ từ bên cho vay và cơ quan quản lý nhà nước, ông Leos Gregor - Giám đốc quản trị thẩm định tín dụng và phòng chống gian lận Home Credit cũng cho rằng, cần phổ cập kiến thức tài chính cho người đi vay.
“Việc phổ cập kiến thức tài chính cho khách hàng đóng vai trò rất quan trọng, bao gồm giải thích cụ thể cho khách hàng cần trả bao nhiêu, ở đâu, khi nào nhằm hỗ trợ họ một cách kịp thời”, ông Leos Gregor nói.
Khẳng định các chế tài với tội cho vay nặng lãi còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe, Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM khuyến cáo người dân nên nghiên cứu kỹ quy định và không nên đồng ý cung cấp các thông tin cá nhân để vay vốn tại các tổ chức cho vay nặng lãi, vì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề sau này, thậm chí, vô tình tiếp tay cho tín dụng đen.
Thiếu tướng Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an cho rằng, cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành để xóa sổ tệ nạn tín dụng đen. Trong đó, truyền thông là phương pháp hiệu quả và lâu dài nhất, bền vững nhất. Không chỉ truyền thông về chính sách mà còn cần truyền thông về hậu quả của hoạt động tín dụng đen đối với người dân, xã hội, cũng như nhiều hệ lụy khác, đặc biệt nên truyền thông sâu đến những người yếu thế - đối tượng dễ bị dính vào hoạt động tín dụng đen.
“Chẳng hạn chính sách cho những người mãn hạn tù vay tài chính để làm ăn. Hay chính sách hỗ trợ cho công nhân trong các trường hợp rủi ro, bệnh tật, trường hợp khẩn cấp… để họ không phải vay tín dụng đen”, Thiếu tướng Trần Thanh Phong gợi ý.
Về phía các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an cho rằng, các chính sách tín dụng và gói sản phẩm cũng cần linh hoạt hơn và quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng yếu thế. Việc hỗ trợ cho các đối tượng này sẽ góp phần lớn thu hẹp “đất” của hoạt động tín dụng đen.