Thị trường chứng khoán những phiên cuối năm tiếp tục diễn biến ảm đạm cả về dòng tiền và chỉ số. Tâm lý thận trọng trước mùa kết sổ cuối năm khiến nhà đầu tư chưa có nhiều động lực giao dịch.
Tâm lý thận trọng khiến chỉ số giằng co trong biên độ hẹp và đẩy thanh khoản tiếp tục rơi về mức thấp nhất hơn một tháng, chỉ đạt hơn 9.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn, giảm 25% so với phiên hôm qua.
Xu hướng giằng co kéo dài suốt phiên sáng, đến phiên chiều nhờ lực cầu mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, kéo mạnh chỉ số VN-Index tăng 1 mạch lên hơn 1.021 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó các cổ phiếu vốn hóa lớn lại quay đầu giảm điểm mạnh, khiến chỉ số VN-Index mất hơn 6 điểm.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,37 điểm, mất mốc 1.010 điểm xuống 1.009,29 điểm. Trái ngược với chỉ số sàn chính, phía HNX-Index sau thời gian giao dịch hoàn toàn dưới tham chiếu, gần kết phiên vượt lên khỏi tham chiếu tăng nhẹ 0,50 điểm, dừng ở mức 206,54 điểm.
Riêng sàn UPCOM-Index có một phiên giao dịch khá khởi sắc, khi sàn này duy trì được sắc xanh cho toàn phiên, kết phiên tăng 0,45 điểm, lên mức 70,89 điểm.
Điểm sáng trong cơ cấu dòng tiền tiếp tục ghi nhận sự trợ giúp của khối nhà đầu tư nước ngoài với phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp trở lại, tuy nhiên giá trị đã suy giảm với chỉ hơn 140 tỷ đồng.
Tổng thể trên 3 sàn, tương quan cổ phiếu tăng-giảm giá khá cân bằng. Về các nhóm ngành lớn vẫn chủ yếu giữ vị thế tiêu cực hoặc ổn định, gồm nhóm ngân hàng, bất động sản, théo, dầu khí, chứng khoán,…Nhưng, thể hiện sự tích cực hiện rõ nhất ở nhóm thực phẩm với các tên tuổi như: VNM, MML, MCM, MCH. IDP, VSN,…
Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng diễn biến liên tục trái chiều, đỉnh điểm kéo thị trường hồi phục mạnh mẽ, đến cuối phiên quay đầu kéo chỉ số thị trường giảm sâu. Tác động tiêu cực nhất lên thị trường là cổ phiếu BID lao dốc 4,5% còn 40.000 đồng/CP. Bên cạnh là VPB giảm 1,9%, EIB giảm 3,2% hay STB giảm 2,4% giá trị.
Ngược lại, cổ phiếu VCB đóng vai trò chủ lực tăng mạnh nhất 0,9% đạt 80.700 đồng/CP. Ngoài cổ phiếu nhóm ngâ hàng, các cổ phiếu riêng lẻ khác cũng có mức tăng ổn như MSN tăng 1,1% đạt 94.000 đồng/CP, PNJ bật tăng 4,2% hay KBC tăng đến 4,6% lên 23.900 đồng/CP,…
Đáng chú ý nhất, cổ phiếu NVL (Novaland) có tổng giá trị cao nhất thị trường với tổng khối lượng gần 21,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 325 tỷ đồng, sau thông tin doanh nghiệp đang bầu lại nhân sự với sự trở lại của cựu Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn.
Một cổ phiếu khác cũng gây chú ý là IBC (Apax Holdings) của Shark Thủy được giải cứu sau 23 phiên nằm sàn. Mã chứng khoán này kết phiên tại giá cao nhất 2.580 đồng/CP với gần 12 triệu cổ phiếu được sang tay, hiện mã này còn hơn 6 triệu đơn vị đặt mua giá trần chưa khớp.
Mặt khác, các nhóm nhỏ hơn lại giữ tính tích cực rõ như nhóm cảng biển-kho bãi, xây dựng và các ngành nhỏ khác như xi măng, dịch vụ giải trí, thiết bị điện,…