Phản ứng của Mỹ với OPEC+: Giảm sản lượng dầu ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới

21:05 10/10/2022

Quyết định của OPEC+ đã đi ngược lại mong đợi của chính quyền ông Biden. Phía Mỹ cho rằng việc giảm sản lượng dầu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Phản ứng của Mỹ với OPEC+: Giảm sản lượng dầu ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới

Phản ứng của Mỹ

Theo The Guardian, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng việc các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới cắt giảm sản lượng vào thời điểm chi phí năng lượng tăng cao là "không giúp ích và không khôn ngoan" đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu - giữa bối cảnh áp lực căng thẳng từ lạm phát tăng cao.

Trước cuộc họp do Quỹ Tiền tệ Quốc tế tổ chức tại Washington vào tuần này, bà Janet Yellen cho biết động thái của OPEC+ - gồm 13 thành viên OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu và 10 nước sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga - có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào cảnh suy thoái.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản đối mạnh mẽ quyết định cắt giảm sản lượng hàng ngày 2 triệu thùng của OPEC+ vào tuần trước. Bà Yellen nói rằng việc này sẽ gây tổn hại các nước đang phát triển.

"Quyết định của OPEC+ không giúp ích và không khôn ngoan", bà nói trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. "Hiện chưa thể thấy nó sẽ có tác động gì, nhưng chắc chắn - theo tôi thấy - dường như quyết định này không phù hợp trong hoàn cảnh mà chúng ta phải đối mặt. Chúng tôi rất lo lắng về các quốc gia đang phát triển và những vấn đề mà họ phải đối mặt."

Cảnh báo của bà được đưa ra trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự kiến về sự sụt giảm mạnh đối với tăng trưởng toàn cầu trong tuần này. Với sự tham gia của hơn 190 quốc gia, IMF sẽ tổ chức cuộc họp thường niên trong bối cảnh hợp tác giữa các quốc gia ngày càng rời rạc do cú sốc lạm phát ngày càng nghiêm trọng bởi các xung đột gần đây. 

Các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung vào tác động của việc tăng lãi suất trên toàn thế giới và tác động của chiến tranh.

Bà Yellen nói: "Chúng tôi sẽ trao đổi quan điểm về việc liệu các quốc gia có đang giải quyết những vấn đề này hay không và cố gắng xem xét liệu phản ứng tập thể có tạo ra điều gì hợp lý trong môi trường khó khăn đó hay không". 

Tăng trưởng của thế giới sụt giảm

Theo dự kiến, IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Erik Nielsen, trưởng nhóm cố vấn kinh tế tại ngân hàng UniCredit ở London, cho biết: "Cả quyết định của OPEC+ và phản ứng của Mỹ đều là những lời cảnh tỉnh quan trọng đối với châu Âu".

"Cú sốc nguồn cung đang làm xói mòn thu nhập thực tế với tốc độ đáng sợ. Các chỉ số về niềm tin giảm mạnh, được phản ánh qua các dự báo trong những tuần gần đây".

Bộ trưởng Tài chính Anh, Kwasi Kwarteng, sẽ đến các cuộc họp thường niên của IMF vào cuối tuần này giữa thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế Vương quốc Anh. Việc cắt giảm thuế sâu rộng - mà chủ yếu mang lại lợi ích cho những người giàu - và sự thiếu đánh giá độc lập của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh đã khiến các nhà đầu tư lo sợ, khiến đồng bảng Anh trượt giá và chi phí đi vay của chính phủ tăng vọt.

Trong một nỗ lực để chống lại đợt tăng giá xăng dầu, Tổng thống Biden dự định sẽ sử dụng tới kho dầu dự trữ của Mỹ.

Vào tháng 11 tới, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ cung cấp 10 triệu thùng từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) ra thị trường. SPR - nguồn cung cấp dầu thô khẩn cấp lớn nhất thế giới - được thành lập vào năm 1975 để đề phòng trường hợp khủng hoảng cung cấp dầu nghiêm trọng hoặc kinh tế bị gián đoạn.

Quyết định của ông Biden được đưa ra sau khi OPEC + cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày - gây thêm áp lực lên nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, với mức dự trữ khẩn cấp của Mỹ đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1984, một số chuyên gia lo ngại về những tác động lâu dài. Từ tháng 3 tới nay, Bộ Năng lượng Mỹ đã giải phóng 160 triệu thùng dầu thô, hoặc hơn 1/4 kho dự trữ - khiến kho SPR giảm xuống mức thấp nhất trong 4 thập kỷ qua.

Tính đến ngày 30/9, dự trữ đã giảm xuống chỉ còn 416 triệu thùng.

Hiệp hội Dầu mỏ Độc lập Mỹ (IPAA) phản đối mạnh mẽ việc khai thác các kho dự trữ dầu để kiểm soát giá năng lượng. Mối quan tâm của nhóm là việc cạn kiệt nguồn dự trữ khẩn cấp có thể khiến Mỹ gặp rủi ro nếu nguồn cung dầu toàn cầu hoặc trong nước đạt mức thấp nguy hiểm trước khi có thể được phục hồi trở lại.


(0) Bình luận
Phản ứng của Mỹ với OPEC+: Giảm sản lượng dầu ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO