Dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá nhanh trong quý I và đầu quý II, song các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn được nhiều ngân hàng niêm yết ở mức kịch trần cho phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trước đó, từ ngày 3/4, NHNN đã giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong sáng ngày 22/4 cho thấy, có 22 ngân hàng hàng áp dụng mức lãi suất 5,5% cho kỳ hạn từ 1 - 5 tháng. Trong đó có cả các ngân hàng tư nhân lớn như VPBank, Techcombank, Sacombank, SHB.
Các ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động từ 4,5 – 5,45%. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank (chiếm khoảng một nửa thị phần tiền gửi) áp dụng mức lãi suất 4,9 - 5,4%/năm.
Phần lớn các ngân hàng được khảo sát cũng đang niêm yết kịch mức cho phép là 0,5% cho các kỳ hạn dưới 1 tháng.
Không chỉ các kỳ hạn dưới 6 tháng, kỳ hạn 6 tháng cũng đang được các ngân hàng niêm yết mức lãi suất ở mức cao so với các kỳ hạn khác.
Hiện, lãi suất cao nhất mà các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng là 8,8%/năm. Mức lãi suất này hiện đang được HDBank niêm yết cho các khoản tiền gửi trực tuyến. Đứng sau HDBank, Nam Á Bank đang huy động lãi suất 8,6% cho kỳ hạn này. Ngoài 2 cái tên nói trên, vẫn còn 10 ngân hàng khác huy động lãi suất 8 – 8,5% cho kỳ hạn 6 tháng; trong đó, có cả ngân hàng tư nhân lớn như VPBank (8,2%).
Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng tại một số ngân hàng tư nhân hiện lên tới khoảng 3%/năm dù chỉ cách nhau 1 tháng. Điều này cũng đã hướng các khách hàng gửi nhiều tiền hơn ở kỳ hạn 6 tháng, để có lãi suất cao hơn đáng kể so với các kỳ hạn ngắn.
Trong bối cảnh lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên liên tục giảm thời gian gần đây, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện nay không quá cách biệt so với các kỳ hạn dài như 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Thậm chí tại một số ngân hàng ghi nhận tình trạng lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao hơn kỳ hạn 12 - 36 tháng.
Đơn cử, HDBank đang áp dụng mức lãi suất 8,8% cho kỳ hạn 6 tháng. Trong khi đó, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng là 6,9%. VPBank huy động kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 8,2%, cao hơn mức 7,3% của kỳ hạn 36 tháng.
Bao Viet Bank cũng đang niêm yết lãi suất huy động 6 tháng ở mức 8,3%, còn kỳ hạn 36 tháng chỉ được hưởng 8%.
Tương tự, SCB huy động kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 8,25%, cao hơn 0,4 điểm % so với kỳ hạn 36 tháng. NCB áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,9 % trong khi kỳ hạn 36 tháng chỉ là 7,7%.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng niêm yết mức lãi suất huy động 6 tháng ngang bằng kỳ hạn 36 tháng như Techcombank, Saigonbank, Nam A Bank...
Theo giới phân tích, hiện tượng một số ngân hàng huy động lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài thể hiện các nhà băng này đang bị vênh cấu trúc kỳ hạn huy động và tín dụng, trong đó các kỳ hạn ngắn bị thiếu hụt thanh khoản và các kỳ hạn dài thì dư thừa. Điều này thường gặp tại các NHTM vừa và nhỏ.
Về phía người gửi tiền, kỳ hạn 6 tháng đang có tính ưu việt hơn hẳn so với các kỳ hạn khác khi có lãi suất cao gấp rưỡi kỳ hạn 5 tháng; và tương đương các kỳ hạn 12 – 36 tháng trong khi có tính linh họat cao hơn vì số tiền gửi sẽ đáo hạn sớm.