Từ ngày 1/1/2025, cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Câu chuyện này đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 với chủ đề “Từ lập kế hoạch đến hành động” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.
Ông Đặng Hữu Bình - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết tại sự kiện, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình phân loại chất thải từ lâu, trong đó có chương trình phân loại rác do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng đã hỗ trợ thành phố trong các chương trình này. Tuy nhiên, việc phân loại chất thải thực phẩm vẫn chưa được thực hiện do còn một số khó khăn.
Ông Bình cũng cho hay nhìn từ thực tiễn những “người bới rác” (chỉ những người chuyên đi nhặt ve chai, đồng nát) vô hình chung đã trở thành người phân loại rác đầu nguồn đối với TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Urenco, nhóm người này vẫn hoạt động theo hình thức lẻ tẻ, không đồng nhất.
“Những người nhặt ve chai, đồng nát sẽ đi nhặt nhạnh những loại rác đã bị vứt đi nhưng vẫn có giá trị, bán lấy tiền. Tuy nhiên, thực tế điều này có thể gây mất mỹ quan đô thị. Tôi có thể lấy ví dụ như vì một cái lon, cái chai họ có thể xé tung một bịch rác và nhặt thứ họ cần, còn số rác còn lại bay tứ tung lại trở thành trách nhiệm của lao công quét rác. Bên cạnh đó, những vựa ve chai nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ rất lớn”, ông Đặng Hữu Bình nêu quan điểm.
Trước thực tế này, Phó Tổng giám đốc Urenco cho biết doanh nghiệp cũng đã phối hợp cùng với một số đơn vị khác để nhóm những người này lại để hướng dẫn thu gom, tái chế rác thải. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, chương trình này đã không thể tiếp tục thực hiện. Vì thế, ông Bình cho biết thời điểm hiện nay là thời điểm thích hợp: “Nhóm người nhặt ve chai, đồng nát đã đem lại giá trị nhất định cho xã hội, cho chất thải và cho tài nguyên. Nhưng những người này hay vẫn còn được gọi là lao động phi chính thức, điều này tôi không đồng ý. Dù thực tế, trong luật Lao động nhóm người nhặt ve chai, đồng nát không có cấp bậc và không có hỗ trợ gì của Nhà nước. Vì thế muốn để nhóm lao động này trở thành chính thức, cần có cơ chế chính sách như bảo hiểm xã hội, y tế…”.
Cũng chia sẻ trong buổi tọa đàm trong Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024, bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Unilever Việt Nam cho biết câu chuyện phân loại rác đã được nói đi nói lại và nói nhiều chục năm nay. Tuy nhiên, nhìn thực tế, vẫn còn nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp chưa thể gỡ bỏ.
Bà Nhi cho biết Unilever Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình từ Hà Nội cho đến TP.HCM như Green Day (ngày hội sống xanh diễn ra vào thứ 7 hằng tuần ở 4 quận Hà Nội), ngày hội đổi quà ở quận 7 (TP.HCM)... để tuyên truyền về việc thu gom rác thải tái chế.
“Không phải ai cũng có nhu cầu đổi rác thải tái chế thành quà và không phải ai cũng có nhu cầu phân loại rác. Đó là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận. Câu chuyện nếu phân loại rác rồi đem rác thải tái chế đi đổi quà chỉ được một thời gian. Vì, đặt ngược câu hỏi lại, nếu không có quà thì người dân liệu có phân loại rác? Và khi phân loại rác rồi, các loại rác đó sẽ đi về đâu hay lại về chung một điểm tập kết, đổ chung vào một xe rác? Đó là câu hỏi lớn mà không chỉ doanh nghiệp mà Chính phủ cũng đang vào cuộc”, bà Nhi chia sẻ về trăn trở của không chỉ Unilever Việt Nam mà còn nhiều doanh nghiệp đang làm trong lĩnh vực tái chế, xanh, bền vững khác.