Phải xin trên 30 con dấu để đầu tư một dự án, doanh nghiệp bất động sản cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay không phải là vốn mà là thủ tục pháp lý

Lê Sáng | 12:08 13/11/2023

Vướng mắc của doanh nghiệp hơn 70% là về thủ tục pháp lý, riêng về thủ tục đầu tư, có dự án phải xin trên 30 con dấu, điều này bào mòn sức khoẻ của doanh nghiệp và khiến các đối tác nước ngoài e dè thủ tục đầu tư ở Việt Nam.

Phải xin trên 30 con dấu để đầu tư một dự án, doanh nghiệp bất động sản cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay không phải là vốn mà là thủ tục pháp lý
Toàn cảnh Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra sáng 13/11 tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Giáp

Chia sẻ tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra sáng nay vừa diễn ra sáng nay (13/11), đại diện một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết vướng mắc của doanh nghiệp hơn 70% là về thủ tục pháp lý. Nhiều vướng mắc rất cụ thể chưa được tháo gỡ, đơn cử như về giải phóng mặt bằng thủ tục kéo dài có dự án 15 năm chưa xong giải phóng mặt bằng; về thủ tục đầu tư, có dự án phải xin trên 30 con dấu, điều này bào mòn sức khoẻ của doanh nghiệp và khiến các đối tác nước ngoài e dè thủ tục đầu tư ở Việt Nam. Vì vậy các doanh nghiệp đều đang rất mong mỏi các khía cạnh về pháp lý sẽ được khơi thông trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp đã vừa được LPBank cấp hạn mức cho vay 5000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở. Ông Cường cho biết, đã lên kế hoạch đưa dòng tiền này vào trực tiếp các dự án, triển khai xây dựng và sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực của người ở thực với giá cả phù hợp, vừa túi tiền. Nhiều ngành nghề phụ trợ cũng đang chờ dòng tiền này để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp khó vì pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài, vì vậy mong muốn các ngân hàng đơn giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Chúng tôi tin rằng khi dòng vốn đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh sẽ góp phần khôi phục lại và thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra sự phát triển kinh tế- xã hội ổn định”, ông Cường bày tỏ kỳ vọng.

Ngoài các khó khăn, vướng mắc cụ thể nói trên, theo các doanh nghiệp bất động sản, hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như: Hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà…

Phản hồi kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, về phía ngành Ngân hàng, thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời, theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Phải xin trên 30 con dấu để đầu tư một dự án, doanh nghiệp bất động sản cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay không phải là vốn mà là thủ tục pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO