Phá thế độc quyền của đô la Mỹ, Trung Đông “nổ phát súng đầu tiên” giao dịch dầu mỏ bằng Nhân dân tệ

Hữu Hiển | 11:23 12/12/2022

Ngày 9/12, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ nhất, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng từ các nước GCC trong 3 đến 5 năm tới, và tăng cường phát triển dầu khí, hợp tác công nghệ năng lượng sạch và giao dịch thương mại dầu khí bằng Nhân dân tệ.

Phá thế độc quyền của đô la Mỹ, Trung Đông “nổ phát súng đầu tiên” giao dịch dầu mỏ bằng Nhân dân tệ

Là một thành viên quan trọng của hệ thống “đô la dầu mỏ”, tại sao các nước Ả Rập lại tham gia “vòng tròn bạn bè dùng Nhân dân tệ”? Điều này sẽ có tác động sâu sắc gì đến thị trường dầu thô quốc tế?

Hệ thống “đô la dầu mỏ” xuất hiện lỗ hổng

Tại sao giao dịch dầu mỏ bằng Nhân dân tệ có thể thu hút sự chú ý của thị trường? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên phải hiểu rằng, "hệ thống đô la dầu mỏ" đã thống trị thị trường quốc tế trong 50 năm.

Theo Wikipedia, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các quốc gia đã cố gắng phục hồi lại hệ thống bản vị vàng nhưng nó đã sụp đổ hoàn toàn trong cuộc Đại khủng hoảng của những năm 1930.

Trong hoàn cảnh đó, 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia đã gặp nhau tại Bretton Woods, New Hampshire, Mỹ vào năm 1944 để để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods - bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng đô la Mỹ gắn với vàng.

Do tại thời điểm đó, Mỹ chiếm hơn một nửa tiềm năng sản xuất của thế giới và giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới, nên các nhà lãnh đạo quyết định gắn các đồng tiền thế giới với đồng đô la Mỹ, đồng tiền mà tiếp sau đó được họ đồng ý đổi ra vàng ở mức 35 đô la đổi 1 ounce.

Hệ thống Bretton Woods đã kéo dài cho tới đầu những năm 1970. Ngày 15/8/1971 đồng đô la đã tụt giá xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon đã tuyên bố nước này sẽ đơn phương phá giá đồng đô la, đình chỉ khả năng quy đổi của đô la ra vàng.

Tuy nhiên, Mỹ một lần nữa tìm ra giải pháp thay thế cho vàng, đó là dầu mỏ, và cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới để liên kết đồng đô la với thương mại dầu thô, và đô la Mỹ trở thành đồng tiền định giá và thanh toán dầu thô quốc tế. "Ai kiểm soát dầu mỏ sẽ kiểm soát tất cả các quốc gia. Ai kiểm soát tiền tệ sẽ kiểm soát nền kinh tế toàn cầu", câu nói này cũng đã trở thành một câu trích dẫn kinh điển trong kinh tế học.

viewimage.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước Ả Rập tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ nhất. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo trang tin 163 của Trung Quốc, việc các nước Ả Rập chấp nhận tham gia “vòng tròn bạn bè dùng Nhân dân tệ” đã tạo ra một lỗ hổng trong "hệ thống đô la dầu mỏ" gần như không thể bị xuyên thủng. Mặc dù các chi tiết chính thức và lệnh thanh toán bằng Nhân dân tệ vẫn chưa được công bố, nhưng có thể thấy rằng, nhiều quốc gia sẽ chọn thanh toán bằng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại với Trung Quốc trong tương lai, đặc biệt là đối với thương mại hàng hóa, đem lại thử thách đối với sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu.

Thông tin này này đã gây ra những tác động nhất định trên thị trường. Công ty thiết bị hóa dầu Thượng Hải (Shenkai) khi trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư đã nêu rõ: “Thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ có thể làm giảm rủi ro biến động tỷ giá hối đoái và giúp công ty mở rộng thị trường nước ngoài”.

Nhưng cũng có doanh nghiệp cho biết, mối liên quan chặt chẽ giữa dầu mỏ và đô la Mỹ đã tồn tại trong một thời gian dài, và các giao dịch dầu thô quốc tế vẫn coi đô la Mỹ là đồng tiền thanh toán chính.

Một người phụ trách giao dịch thương mại dầu thô quốc tế nói với phóng viên trang tin 163 rằng: "Giao dịch dầu thô chủ yếu do các công ty năng lượng châu Âu và Mỹ kiểm soát. Muốn thanh toán bằng Nhân dân tệ cần thay đổi ‘luật chơi’ và việc này cần có những nỗ lực lâu dài."

pt_4284_1779_o.jpg

Rạn nứt quan hệ với “đồng minh chiến lược”

Kể từ năm 1945, quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út là một trụ cột quan trọng trong chính sách Trung Đông của Mỹ, nhưng trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai "đồng minh chiến lược" đã bị ảnh hưởng bởi vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và đang trong giai đoạn căng thẳng.

Bên cạnh yếu tố chính trị, xung đột kinh tế cũng trở thành vấn đề khiến Ả Rập Xê Út phải cân nhắc. Với những đột phá lớn trong công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ, năm 2019, Mỹ sản xuất được 12,315 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự đoán rằng, sản lượng dầu thô trong năm tới dự kiến ​​sẽ đạt 12,34 triệu thùng/ngày, trong khi hoạt động khai thác dầu đá phiến cũng sẽ tạo ra một lượng lớn khí đốt tự nhiên. Sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên của Mỹ hiện đang cạnh tranh trực tiếp với Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, nên rõ ràng càng cần phải cân nhắc yếu tố thanh toán bằng đồng đô la Mỹ.

Trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đang ấm dần lên trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, Ả Rập Xê Út là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2021, 25% lượng dầu xuất khẩu của Ả Rập Xê Út là vào thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của các nước Ả Rập. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập đạt hơn 330 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với 10 năm trước, và kim ngạch đầu tư trực tiếp song phương đạt 27 tỷ USD, tăng gấp 2,6 lần so với 10 năm trước. Trong ba quý đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập đạt 319,295 tỷ USD, tăng 35,28% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng cả năm 2021.

Theo trang tin 163, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc vẫn rất lớn. Việc thanh toán bằng Nhân dân tệ sẽ giúp mở rộng quy mô giao dịch dầu với Trung Quốc. Ngoài ra, việc Ả Rập Xê Út coi Nhân dân tệ là đồng tiền thanh toán giao dịch dầu mỏ cũng là một trong những biện pháp nhằm tối ưu hóa cơ cấu tài sản dự trữ ngoại hối, thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thương mại bằng đô la Mỹ.

ap_16308432091193_edited.jpg
Thanh toán bằng Nhân dân tệ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm “phi đô la hóa” ở các quốc gia khác nhau. Ảnh: AP

Đẩy nhanh quá trình “phi đô la hóa”

Theo trang tin 163, dùng Nhân dân tệ thanh toán các giao dịch dầu mỏ không phải là một chủ đề mới. Ngay từ năm 2016, khi Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc, hai nước đã bắt đầu các cuộc đàm phán; và các chủ đề liên quan một lần nữa thu hút sự chú ý của thị trường quốc tế vào tháng 3 năm nay.

Tháng 4 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố rằng, một thỏa thuận về việc bán dầu và than của Nga bằng Nhân dân tệ đã được ký kết; Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga đang lên kế hoạch chi tiết. Vào tháng 11, một công ty của Nga đã bắt đầu sử dụng Nhân dân tệ để thanh toán phân bón với Brazil.

Trang tin 163 nhận định, thanh toán bằng Nhân dân tệ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm “phi đô la hóa” ở các quốc gia khác nhau. Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhiều quốc gia nhận ra rằng, hệ thống định giá và thanh toán dầu mỏ dựa trên đồng đô la Mỹ là vô cùng rủi ro và đang cố gắng thoát khỏi sự thống trị của đồng đô la Mỹ.

Nga đã dẫn đầu trong việc tuyên bố thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp, và nổ phát súng đầu tiên để thoát khỏi đồng đô la Mỹ. Kể từ đó, Ấn Độ đã đưa ra cơ chế thanh toán bằng đồng rupee; và Iran cũng tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng đồng đô la Mỹ để thanh toán thương mại với Nga nữa. Kể từ năm 2020, Ả Rập Xê Út cũng liên tục giảm số lượng trái phiếu Mỹ đang nắm giữ và hiện đã giảm hơn 30%.

Năm nay, Israel lần đầu tiên bổ sung đô la Canada, đô la Úc, yên Nhật và Nhân dân tệ vào dự trữ ngoại hối của mình, đồng thời giảm nắm giữ đô la Mỹ và euro để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.

Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Brazil, trong năm qua, tỷ trọng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối của Brazil đã giảm từ 86,03% xuống 80,34%, tỷ trọng euro giảm từ 7,85% xuống 5,04%, và tỷ trọng Nhân dân tệ đã tăng từ 1,21% lên 4,99%, trở thành tài sản ngoại hối lớn thứ ba của Brazil.


(0) Bình luận
Phá thế độc quyền của đô la Mỹ, Trung Đông “nổ phát súng đầu tiên” giao dịch dầu mỏ bằng Nhân dân tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO