PGS. Trần Văn Ơn: Nhập 80% dược liệu thì cũng không cần hoảng hốt, nếu phát triển đúng, riêng cây quế có thể mang về cho Việt Nam cả tỷ đô la mỗi năm

Ngọc Minh | 08:50 19/06/2023

Xuất khẩu quế tại Việt Nam hiện tại chỉ rơi vào hơn 200 triệu đô la. Nhưng nếu phát triển đúng, con số này có thể lên đến tỷ đô.

PGS. Trần Văn Ơn: Nhập 80% dược liệu thì cũng không cần hoảng hốt, nếu phát triển đúng, riêng cây quế có thể mang về cho Việt Nam cả tỷ đô la mỗi năm

Nguồn lực quốc gia của Việt Nam chỉ nên tập trung phát triển khoảng 10 loại “quốc dược”. Ở cấp độ thấp hơn là “tỉnh dược” và “cộng đồng dược” thì phải có cách làm khác. PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng bộ môn Thực vật - Trường Đại học Dược Hà Nội và Cố vấn Chương trình OCOP Việt Nam đã trao đổi với chúng tôi góc nhìn của ông với việc phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam.

“Có những dược liệu, chúng ta khó cạnh tranh với Trung Quốc”

Ngọc Minh: Trong một cuộc hội thảo về phát triển dược liệu gần đây tôi nghe ông phân tích: “Dược liệu Việt Nam không thua kém gì Trung Quốc”. Điều này làm tôi khá thắc mắc, vì chúng ta vẫn đang đi nhập dược liệu?

PGS.TS Trần Văn Ơn: Nói dược liệu của Việt Nam không thu kém gì Trung Quốc chưa thực sự chính xác. Danh y Tuệ Tĩnh cũng từng nói: “Nam dược trị nam nhân”. Đất nào cây đấy, ở phương Bắc có cây bản địa phương Bắc, phương Nam có cây bản địa phương Nam.

Cái tôi nói dược liệu của Việt Nam không thua kém Trung Quốc ở đây là về góc độ chất lượng. Thực tế có những dược liệu của Việt Nam mà Trung Quốc và thế giới phải công nhận tốt.

Ví như, khi nhắc tới quế, người Trung Quốc cũng phải công nhận quế xứ Thanh (Thanh Hoá, Việt Nam) tốt hơn cả. Hay như gấc Việt Nam được thế giới thừa nhận bằng cách đặt tên là “Gac fruit”.

Ngược lại tại phương Bắc (Trung Quốc) có những loại cây mà ở phương Nam (Việt Nam) không thể tốt bằng, trồng không thể lên hoặc có lên sản lượng thấp như: nhân sâm, câu kỷ tử...

Vì lẽ đó những dược liệu không phải thế mạnh của Việt Nam thì hãy nhường sân phát triển cho Trung Quốc. Không nên cố trồng vì giá thành sẽ cao, sản lượng thấp, dược liệu không đảm bảo…

Ngọc Minh: Nếu chúng ta nhường sân phát triển dược liệu cho Trung Quốc con số nhập dược liệu sẽ không dừng lại ở con số 70%-80% như hiện nay?

PGS Trần Văn Ơn: Y học cổ truyền của Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Hoa. Do vậy, việc nhập tới 80% dược liệu là điều dĩ nhiên, chúng ta không phải quá hoảng hốt.

sk_tvo_q1.jpg

Tôi giả dụ nếu chúng ta không nhập khẩu tự đi trồng thì sẽ khó cạnh tranh với Trung Quốc. Do nền nông nghiệp dược liệu của họ đã có từ rất lâu, họ am hiểu kỹ thuật canh tác, chọn giống rất tốt.

Tại Trung Quốc có những loại cây dược liệu đã trồng hàng trăm năm nay nên năng suất rất cao, từ đó giá thành rẻ.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, bản thân chúng ta cũng chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tình trạng buôn lậu dược liệu, gian lận thương mại vẫn luôn tồn tại khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam chịu sự cạnh tranh không sòng phẳng.

Một điểm khó nữa trong bài toán phát triển dược liệu tại Việt Nam đó chính là chất lượng. Các tiêu chuẩn còn chưa rõ ràng. Ví dụ, cùng là củ tam thất có loại 2-3 triệu/kg, có loại chỉ 200.000-300.00đ/kg nhưng không ai khẳng định được chất lượng, hoạt chất.

Hiện nay, Việt Nam đang đánh giá chất lượng của nhiều loại dược liệu dựa trên cảm quan: to, đẹp, năm trồng. Trong khi tại Trung Quốc dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu, với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, từ đó có những chỉ tiêu định lượng về dược liệu rõ ràng.

Ngọc Minh: Nói như vậy, thì dược liệu Việt Nam sẽ chịu phụ thuộc mãi vào nước bạn không thể phát triển được sao? Trong khi chúng ta có rừng vàng, biển bạc cây dược liệu cũng nhiều vô kể.

PGS Trần Văn Ơn: Không phải nhường sân phát triển dược liệu cho Trung Quốc là chúng ta sẽ thua và chịu phụ thuộc. Như tôi đã nói, trong tương lai chúng ta vẫn phải nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần có hợp tác đàng hoàng với các doanh nghiệp Trung Quốc để người dân có dược liệu chất lượng dùng. Cách làm này giúp cả hai bên cùng có lợi, tránh được nạn buôn bán dược liệu lậu.

Tôi phải khẳng định tiềm năng cây thảo dược tại Việt Nam là rất lớn. Nhưng chúng ta cần phải tìm ra bản sắc riêng để có hướng đầu tư phát triển. Còn nếu như vẫn giữ quan điểm trồng cây thuốc của phương Bắc để cạnh tranh thì chúng ta sẽ tự đào hố cho chính mình.

“Chỉ nên tập trung nguồn lực quốc gia để phát triển khoảng 10 cây quốc dược”

Ngọc Minh: Như ông nói, cây cỏ tại Việt Nam cực kỳ đa dạng tới hàng nghìn thảo dược. Khi chọn một cây thảo dược để đẩy mạnh phát triển tạo ra bản sắc riêng thì cũng cần có tiêu chí chứ?

PGS.TS Trần Văn Ơn: Đương nhiên là phải có rồi. Tôi chia nhóm phát triển cây thảo dược làm 3 tầng: Quốc dược, tỉnh dược, cộng đồng dược.

Riêng với nhóm quốc dược (tập trung toàn bộ nguồn lực quốc gia) là những cây bản địa tại Việt Nam, dân quen thuộc và điều quan trọng là đã được thế giới thừa nhận.

Đừng phát triển những loại cây mà thế giới chưa thừa nhận, như vậy chúng ta sẽ mất thêm nguồn lực để chứng minh. Ở một số khu vực trên thế giới, để được chấp nhận nhập khẩu, người ta yêu cầu phải có minh chứng ít nhất 30 năm sử dụng!.

sk_tvo_q2.jpg

Một ví dụ là cây quế: Hiện chúng ta, đã có lợi thế với cây quế là cây ai cũng biết và được thế giới công nhận. Xuất khẩu quế tại Việt Nam hiện tại chỉ rơi vào hơn 200 triệu đô la. Nhưng nếu đẩy mạnh phát triển quế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, như lấy dược liệu, tinh dầu, gỗ; gia tăng giá trị, như xây dựng tiêu chuẩn, tinh chế; áp dụng kinh tế tuần hoàn, như bã làm phân bón thì giá trị có thể lên tới tỷ đô la.

Quế là cây thuốc được xếp tứ đại danh dược (sâm, nhung, quế, phụ). Nhưng hiện nay, cây quế đang bị bỏ lửng, không có định hướng phát triển một cách tổng thể và bài bản mà để người dân và một số tỉnh trồng tự phát không có tiêu chuẩn dẫn tới hàm lượng kim loại nặng trong vỏ cao, làm cho quế không thể xuất khẩu vào thị trường có giá trị cao.

Sau quế, theo tôi, sâm Việt Nam là cây rất đáng để đầu tư. Hiện, sâm Việt Nam có tiềm lực phát triển lớn tập trung tại 3 tỉnh: Lai Châu, Quảng Nam, Kom Tum. Nhưng hiện nay, việc phát triển sâm Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, khiến cho giá cao.

Tiếp đến là gấc, tràm, những loại cây được thế giới công nhận. Nếu chúng ta tập trung tất cả nguồn lực quốc gia phát triển khoảng 10 cây thảo dược (chọn giống, tổ chức trồng, tiêu chuẩn, chế biến, xuất khẩu), thì nền kinh tế dược liệu sẽ rất đáng kể.

Ngọc Minh: Nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung phát triển 10 loại cây thảo dược thì có quá ít không?

PGS.TS. Trần Văn Ơn: Để phát triển 10 cây dược liệu, cần đầu tư không hề nhỏ, vì khi phát triển đồng bộ sẽ phải huy động nguồn lực của cả quốc gia. Nếu đặt ra mục tiêu 100 cây thuốc một cách chung chung thì tôi nghĩ sẽ không thể làm được.

Tại Thái Lan hiện họ chỉ tập trung phát triển 12 cây cấp quốc gia và đã có những thành công. Chúng ta phát triển được 10 cây quốc dược cũng đủ mệt rồi chứ không hề ít. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ phát triển 10 cây, vì nếu chúng ta cộng các cây của cả 3 cấp (quốc dược, tỉnh dược, cộng đồng dược) thì nó phải là hàng trăm. Nhưng chúng ta cần chia như vậy là để có tập trung nguồn lực một cách hợp lý.

Ngọc Minh: Ngoài quốc dược, với các nhóm còn lại, chúng ta có thể phát triển như thế nào để mang lại giá trị kinh tế không, thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Ơn: Như tôi đã nói ở trên, chiến lược phát triển dược liệu của Việt Nam nên chia làm 3 cấp độ: Quốc dược, tỉnh dược và cộng đồng dược. Nếu như Quốc dược là những loại cây chủ chốt mà nhà nước tập trung nguồn lực quốc gia để phát triển, thì tỉnh dược là cây thuốc đặc trưng cho một tỉnh. Cây thảo dược này có thể trên thế giới chưa quen thuộc. Hướng phát triển phục vụ nhu cầu tại chỗ (trong nước), phát triển xuất khẩu khi có thể.

Ví như cây chùa dù có nhiều ở Lào Cai, Lai Châu, dùng trưng cất tinh dầu để ngâm, tắm, chống côn trùng đốt. Với cây chùa dù, có thể phát triển thành các chế phẩm cao xoa, lọ dạng lăn bán cho khách du lịch chống muỗi, dĩn đốt.

Ngoài tỉnh dược, chúng ta sẽ còn một nhóm phát triển nữa là cộng đồng dược. Đó là những bài thuốc, cây thuốc bản địa của từng địa phương, dân tộc. Riêng nhóm này đã được phát triển trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã có hàng ngàn sản phẩm được tạo ra từ thảo dược. Đây là nền tảng rất tốt để chúng ta tiếp tục nâng cấp và phát triển.

Quan niệm “thảo dược chỉ để làm ra thuốc” là tự đẩy mình vào thế khó

Ngọc Minh: Từ trước đến nay tôi bị đóng ghim quan niệm là thảo dược là phải dùng để làm ra thuốc.

PGS.TS. Trần Văn Ơn: Ai cũng phải thừa nhận dược liệu Việt Nam như một cô gái đẹp nhưng 70 năm nay vẫn chưa thể phát triển được theo mong muốn. Chứng tỏ chúng ta đang phát triển sai hướng và chưa toàn diện, trong đó có quan điểm phát triển dược liệu là chỉ có làm ra thuốc. Với suy nghĩ này, chúng ta tự đẩy mình vào thế khó, vì phát triển thuốc cực kỳ khó. Thêm vào đó, nhiều người cũng chỉ đồng nhất phát triển dược liệu và trồng cây thuốc, nghĩa là mới chỉ ở khâu đầu tiên.

Giờ chúng ta cần phải thay đổi tư duy phát triển từ dược liệu tới lợi ích kinh tế. Nên chọn hướng dễ hơn bằng cách tạo ra các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ (ăn, uống); sản phẩm chăm sóc gia đình (thuốc đuổi muỗi, ruồi)… Ở phân tầng này thị trường khổng lồ, dễ làm và khả năng thành công cao.

Tiếp tới tầng thứ hai là các sản phẩm dành cho chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ điều trị như: thực phẩm chức năng, làm đẹp. Ở phân tầng này thị trường sẽ giảm đi một chút so với tầng một, nhưng vẫn rất lớn. Cách làm sẽ khó khăn hơn do có những tiêu chuẩn bó buộc.

Tầng thứ ba mới đến thuốc dược liệu phục vụ điều trị. Đây là thị trường nhỏ vì chỉ phục vụ cho trị bệnh.

sk_tvo_q3.jpg

Ngọc Minh: Như ông nói, tôi đang hiểu chúng ta nên coi dược liệu là một cây kinh tế phát triển như các nông sản khác?

PGS.TS. Trần Văn Ơn: Đúng vậy, cần phải coi thảo dược là cây kinh tế: khai thác lợi thế, gia tăng giá trị, định hướng thị trường, liên kết theo chuỗi.

Do nguồn lực phát triển của Việt Nam có hạn nên phải phân lớp thảo dược để phát triển (quốc dược, tỉnh dược, cộng đồng dược).

Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá sản phẩm, không dừng lại ở mục tiêu dược liệu chỉ làm thuốc, trong khi đó, việc tạo ra các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ lại bỏ ngỏ.

Nên phát triển dược liệu kết hợp với du lịch. Khai thác đa dạng cảnh quan, văn hoá, cây thuốc, tri thức con người Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc sắc. Thông qua du lịch sẽ giúp quảng bá sản phẩm.

Ngọc Minh: Khi phát triển dược liệu kết hợp với du lịch, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

PGS.TS. Trần Văn Ơn: Dựa vào nguồn lực địa phương có sẵn và cũng phân tầng như phát triển các sản phẩm.

Ở tầng 1: Chúng ta sẽ chế biến dược liệu thành các món ăn đồ uống ngon, lạ, tốt cho sức khoẻ. Hướng xa hơn là tạo ra các cửa hàng ẩm thực thảo dược tại Việt Nam.

Ở tầng 2: Du lịch trải nghiệm hỗ trợ điều trị nâng cao sức khoẻ như tắm lá thuốc, trải nghiệm chăm sóc, thu hái dược liệu , cất tinh dầu, chế biến dược liệu. Xu hướng trải nghiệm đang là một xu hướng mới rất được kỳ vọng.

Ở tầng thứ 3: Du lịch điều trị bằng y học cổ truyền. Người bệnh sẽ được lên một liệu trình bài bản điều trị bằng dược liệu. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện cần phải có bác sĩ, giấy phép hành nghề…

Ta nên bắt đầu triển khai ở các địa bàn có sẵn hoạt động du lịch và nên có liên kết với nhau thành các “trục” để dễ dàng tạo ra các tour du lịch sức khỏe, như “trục” Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng; Tuyên Quang – Hà Giang; Yên Bái – Lào Cai...

Cảm ơn PGS.TS. Trần Văn Ơn, chúc ông sức khoẻ và thành công!


(0) Bình luận
PGS. Trần Văn Ơn: Nhập 80% dược liệu thì cũng không cần hoảng hốt, nếu phát triển đúng, riêng cây quế có thể mang về cho Việt Nam cả tỷ đô la mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO