"Ông cụ ăn xin" với tài khoản ngập tiền
Năm 2015, cảnh sát tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc phát hiện một tài khoản có số dư hơn 30 triệu NDT ( hơn 102 tỷ đồng) cùng các giao dịch tiền khủng mỗi ngày. Nhận thấy sự bất thường, cảnh sát đã đến ngân hàng để điều tra và phát hiện chủ sở hữu của tài khoản trên sống ở một ngôi làng miền núi hẻo lánh thuộc huyện nhỏ Thiên Thai, Thái Châu, Chiết Giang. Theo đó, thu nhập hàng năm của cả làng không bằng số tiền giao dịch trong một ngày của người này.
Sau khi điều tra chi tiết về hộ khẩu của chủ tài khoản, cảnh sát ngỡ ngàng khi biết được "người giàu có" này là một ông cụ đã 80 tuổi, sống trong ngôi nhà dột nát và không có thu nhập, phải xin ăn để sống qua ngày. Hàng xóm xung quanh đều nói ông già này rất giỏi khoe khoang, luôn tự cho rằng mình giàu có nhưng thực chất phải sống dựa vào sự bố thí của người dân trong làng.
Theo Sohu, ông lão đặc biệt này tên là Hà Cùng. Dù cuộc sống vốn không đủ ăn, đủ mặc nhưng ông cụ này thường khoe mình giàu có, Thậm chí, ông cụ này còn tự tin khẳng định mình kiếm được lợi nhuận ổn định hàng chục triệu NDT mỗi năm. Khi bị mọi người trêu chọc, ông Hà tiết lộ rằng bản thân có địa vị đặc biệt và khuyên mọi người đừng coi thường mình kẻo hối hận. Dân làng cho rằng ông cụ không được bình thường nên cũng chẳng mấy để tâm.
Nếu cảnh sát không phát hiện ra tài khoản bất thường của ông Hà, họ có thể đã tin những điều dân làng nói. Cho rằng tài khoản ngân hàng của ông cụ có thể đã bị “hack”, cảnh sát bèn tìm gặp và hỏi chuyện ông Hà nhưng lại bị câu trả lời của ông cụ làm cho ngạc nhiên một lần nữa.
Theo đó, khi cảnh sát đặt câu hỏi về tài khoản “giàu” bất thường của mình, ông Hà gật đầu và nói rằng tài khoản của ông không hề bị đánh cắp mà bản thân ông vẫn sử dụng nó suốt thời gian qua. Nói xong, ông cụ 80 tuổi gầy gò, hốc hác đi tới, nhỏ giọng hỏi cảnh sát: "Các anh là người có công với đất nước, tôi cũng là người có công với đất nước. Chúng ta đều giống nhau nên tôi cũng không ngại chia sẻ cho các anh biết”.
Ảnh minh họa: Internet
Theo lời kể, ông Hà cho biết bản thân làm việc cho một tổ chức bí mật liên quan đến việc đi tìm kho báu cho đất nước, chỉ cần tìm được kho báu là có thể nhận được phần thưởng hậu hĩnh.
Trong nhiều năm, ông đã quyên góp và tích lũy được hơn 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền đó đều được gửi về trụ sở của tổ chức này để sử dụng cho việc đi tìm bảo vật quốc gia. Hiện ông cụ đang là “quản lý cấp cao” cho tổ chức này, phụ trách các giao dịch chuyển tiền về trụ sở của tổ chức.
“Càng tìm được nhiều kho báu, đất nước càng thịnh vượng. Việc tôi làm là vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, vì quê hương", ông Hà phấn khởi nói với ánh mắt sáng rực.
Ngay sau đó, ông cụ này lấy ra một chồng phiếu chuyển tiền dày cộp từ góc nhà. Tổng số tiền lên tới hàng chục triệu NDT khiến cảnh sát vô cùng sững sờ. Tìm hiểu kỹ hơn, họ cũng phát hiện ra rằng thông tin về những lệnh chuyển tiền này đều thuộc về cùng một người. Sau khi bị cảnh sát tra hỏi nhiều lần, ông Hà cũng tiết lộ người này có liên quan đến “Hiệp hội hoa mai”. Cha của ông khi còn sống cũng là thành viên của tổ chức này.
Vén màn sự thật
Sau khi nghe xong những điều ông Hà kể, cảnh sát tin rằng ông cụ đã bị tổ chức này tẩy não và cố gắng chứng minh cho rằng ông đã bị lừa. Tuy nhiên ông Hà nhất quyết không tin điều đó và đưa ra những giấy tờ có dấu đỏ để chứng minh Hiệp hội hoa mai là hợp pháp.
Theo điều tra của cảnh sát, Hiệp hội hoa mai có nguồn gốc từ Thượng Hải. Vào những năm 1970, đây là một nhóm lừa đảo tiền bạc nổi tiếng chứ không phải tổ chức săn tìm kho báu như ông Hà nói. Những năm đầu, hiệp hội này dùng một số chiêu trò lừa gạt người dân quyên góp tiền bạc, vật chất. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, Hiệp hội hoa mai cũng không ngừng phát triển, thậm chí còn ngụy trang dưới vỏ bọc hợp pháp.
Tuy nhiên, bản chất của hiệp hội này vẫn như cũ, thậm chí, thủ đoạn lừa dối ngày càng tinh vi hơn. Chẳng hạn như dự án truy tìm kho báu mà ông Hà đề cập đến thực chất là gây quỹ bất hợp pháp. Dẫu vậy, dù cảnh sát có cố gắng thuyết phục đến đâu, ông cụ này lại càng trở nên cứng đầu hơn, nói rằng cảnh sát đang ngăn cản ông kiếm tiền nên kiên quyết từ chối hợp tác điều tra.
Ảnh minh họa: Internet
Cuối cùng, cảnh sát không còn cách nào khác đành phải lần theo những thông tin từ các giấy tờ chuyển tiền của ông Hà để tìm ra nhóm tội phạm. Sau đó, họ đến Quảng Tây để điều tra và dựa trên nhiều manh mối khác nhau mà ông Hà từng cung cấp và tìm ra trụ sở của tổ chức lừa đảo này. Tại đó, cảnh sát đã bắt giữ 7 nghi phạm trong một lần đột kích và tiêu diệt băng nhóm tội phạm trong một lần truy quét.
Là nhân vật quan trọng trong số đó, ông Hà tuy bị lừa làm việc cho chúng nhưng cũng không thoát khỏi trách nhiệm vì dính líu quá sâu, thậm chí còn là thành viên quan trọng trong đường dây này. Tuy nhiên, dưới sự khoan hồng của pháp luật, ông cụ vì quá già nên không bị bỏ tù mà chỉ bị tuyên án phải bồi thường thiệt hại cho những người bị hại.
Ông cụ khốn khổ này suốt đời tằn tiện, tưởng rằng mình đang tìm kiếm báu vật cho đất nước, đóng góp cho đất nước, không ngờ cuối cùng lại rơi vào vũng lầy lừa đảo. Đây cũng chính là bài học cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người thiếu hiểu biết hay những người già sống một mình. Họ là nhóm dễ bị tổn thương và thường trở thành mục tiêu của tội phạm. Cảnh sát cũng khuyên mọi người nên đề cao cảnh giác hơn và nên liên hệ cơ quan chứng năng để được giúp đỡ nếu có bất kỳ điều gì không chắc chắn. Đặc biệt, không nên tự ý chuyển tiền sang tài khoản lạ hay nghe lời người lạ để tránh những mất mát đáng tiếc.
(Tổng hợp: Sohu, 163.com)