Khi mới 13 tuổi, ông Trần Quý Cẩn - chủ một tiệm mì nổi tiếng ở Singapore đã bắt đầu công việc kinh doanh món mì xào cùng anh họ của mình. Năm 17 tuổi, ông mở cửa hàng riêng, phục vụ món mì Phúc Kiến và nhiều món ăn kèm khác.
Khung cảnh đứng xào mì của Trần Quý Cẩn trong chiếc áo sơ mi chỉnh tề và chiếc đồng hồ vàng Rolex đã trở thành huyền thoại.
Không phải ngẫu nhiên mà ông chủ tiệm mì này lại có phong cách ăn mặc như vậy. Ông nói rằng vào những năm 1970, mọi người thường coi các công việc văn phòng là “nghề cổ cồn trắng”, và những nghề nghiệp đó được coi trọng hơn các công việc “cổ cồn xanh” như đầu bếp, công nhân. Nhưng ông cho rằng mọi công việc đều đáng quý, đáng tôn trọng. Vì vậy, ông quyết định mặc áo sơ mi dài tay và đeo chiếc đồng hồ đắt tiền ngay cả khi đứng bán tại một cửa hàng vỉa hè.
Sự xuất hiện độc đáo của ông chủ và hương vị tuyệt vời của món ăn khiến món mì được nhiều thực khách biết tới, việc kinh doanh ngày càng phát triển, và đến nay đã tồn tại được 65 năm.
Yêu cầu khắt khe với việc thừa kế, cho rằng con cả chưa học đủ
Trần Quý Cẩn có ba người con, chỉ có con trai lớn theo đuổi kinh doanh dịch vụ ăn uống, còn con gái và con trai thứ quyết định làm ngành khác và không tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Trần Quý Cẩn (trái) và con trai cả (phải) cùng đứng bếp.
Con trai cả cũng bắt đầu học vào bếp năm 17 tuổi. Anh cho biết: “Thời gian đầu việc đứng bếp không hề dễ dàng. Người đầu bếp phải xào một lượng lớn mì cùng với các nguyên liệu, nấu liên tục trong một khoảng thời gian dài khiến cơ thể đau mỏi, kiệt sức.” Bên cạnh đó, điều khiến anh xấu hổ là việc phải nấu mì ngay trước mặt thực khách, đối diện với đủ các ánh nhìn từ tò mò, soi mói. Anh từng cảm thấy xấu hổ và sợ hãi vì nếu để xảy ra sai sót, lập tức sẽ có người so sánh anh với bố.
Nhưng anh cũng nói rằng bố đã ở cạnh hỗ trợ và động viên rất nhiều, “ông luôn mang đến cho tôi những lời động viên tích cực và sự tự tin, giúp tôi nhanh chóng học hỏi và thích nghi với công việc".
Dù vậy, ông vẫn có những yêu cầu khắt khe đối với thương hiệu do chính mình xây dựng, ông không cho phép bất kỳ sự cẩu thả nào trong mọi việc và ông tin rằng con trai cả của mình chưa học đủ nên muốn tìm một người kế vị phù hợp khác.
Để đảm bảo chất lượng và hương vị của món ăn, ông lão đến chợ vào lúc 5 giờ sáng hàng ngày để mua nguyên liệu tươi, sau đó bắt đầu chuẩn bị đĩa mì tôm chiên đầu tiên vào lúc 11 giờ sáng, phục vụ khách hàng liên tục cho đến khi đóng cửa lúc 12 giờ đêm. Việc này đã trở thành thói quen, một phần cuộc sống của ông. Cho nên dù tuổi đã cao, ông vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh đến khi tìm được người kế nhiệm thực sự xứng đáng.
Không ít người đã liên hệ với mong muốn mua lại công thức từ ông. Ông lão nói rằng mình rất vui khi có thể giúp đỡ công việc kinh doanh của những người khác và không ngại dạy miễn phí.
3 thế hệ trong cùng một căn bếp: Trần Quý Cẩn cùng con và cháu trai của mình.
“Mấy năm trước, tôi bắt đầu có ý định tìm người kế vị. Dù sao thì tôi cũng đang già đi, nếu bí quyết nấu món mì này bị thất truyền thì thật đáng tiếc. Tôi muốn có thêm nhiều người dân địa phương được nếm thử món này ăn đặc biệt này hơn.”, ông Trần chia sẻ.