Trong bài phát biểu khai mạc "Ngày chế tạo quốc gia" của Mỹ vào ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến cụm từ "Sản xuất tại Mỹ" (Made in America), đồng thời tuyên bố sẽ thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư liên quan vào ngành sản xuất của Mỹ.
Nhưng các nhà điều hành doanh nghiệp và nhà kinh tế Mỹ chỉ ra rằng, đồng đô la mạnh hơn đang đè nặng lên ngành sản xuất của Mỹ và các sản phẩm của nước này đang mất đi khả năng cạnh tranh.
Theo trang tin Phượng Hoàng của Trung Quốc, đồng đô la Mỹ đã tăng giá mạnh so với euro, yên Nhật, bảng Anh và các loại tiền tệ khác trong năm nay, với Chỉ số đô la Mỹ (DXY) tăng từ mức 96 lên 114, tăng gần 18%. Điều này giúp Mỹ có thể nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài với giá rẻ hơn, nhưng đồng thời, đồng đô la mạnh khiến các sản phẩm của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường nước ngoài, làm suy yếu xuất khẩu của Mỹ.
Đồng đô la tăng chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất và một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đã đổi tiền của họ lấy đô la và mua trái phiếu kho bạc Mỹ có lợi suất cao hơn. Ngoài ra, các sự kiện như xung đột Nga - Ukraine cũng làm tăng sức hấp dẫn của đồng đô la Mỹ.
Đối với các doanh nghiệp chế tạo Mỹ đang vận hành các nhà máy ở nước ngoài, do biến động tỷ giá hối đoái gây ra bởi đồng đô la Mỹ mạnh hơn, doanh số bán hàng bằng ngoại tệ tính theo đô la Mỹ đã giảm, việc đồng đô la mạnh lên đã làm giảm chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp.
Các nhà phân tích cho biết, khi các doanh nghiệp chế tạo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vào cuối tháng này, tỷ giá hối đoái bất lợi có thể làm giảm doanh thu của họ.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng ở bên ngoài nước Mỹ không ổn định và chi phí vận chuyển cao đã buộc một số doanh nghiệp Mỹ phải tìm các giải pháp thay thế trong nước và chính phủ Mỹ cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ sự trở lại của ngành sản xuất.
Nhưng một số người lo lắng rằng, nếu lợi nhuận của doanh nghiệp chịu áp lực bởi đồng đô la mạnh hơn, các doanh nghiệp chế tạo Mỹ sẽ ít sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động sản xuất trong nước. Đồng thời, các công ty nước ngoài sẽ thấy dễ dàng hơn khi bán sản phẩm cho người mua ở Mỹ.
Các nhà kinh tế kỳ vọng, ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác cũng sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới giống như FED. Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và các nước khác, làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đối với đô la Mỹ và khiến đồng đô la giảm giá vào giữa năm 2023.
Joel Prakken - đồng giám đốc S&P Global Market Intelligence - cho biết: "Sự phục hồi kinh tế của Mỹ sau COVID-19 rất mạnh mẽ và đã thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa." Nhưng ông Prakken cho rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ không kéo dài vì nhu cầu mua đô la Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài đã suy giảm.