Microsoft đang cung cấp một lựa chọn mới cho những nhân viên bị coi là có hiệu suất thấp: Nhận trợ cấp thôi việc hoặc có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng theo kế hoạch cải thiện hiệu suất.
Theo một email nội bộ, kế hoạch cải thiện hiệu suất nhất quán trên toàn cầu. Những nhân viên bị ảnh hưởng có thể tham gia PIP (Kế hoạch Nâng Cao Năng Suất Performance Improvement Plan) hoặc nghỉ việc và chấp nhận “Thỏa thuận chia tay tự nguyện (GVSA)”.
“Quy trình cải thiện hiệu suất được áp dụng quanh năm nhằm giải quyết minh bạch các vấn đề về hiệu suất, đồng thời cung cấp cho nhân viên quyền lựa chọn”, email từ Amy Coleman, giám đốc nhân sự mới của Microsoft cho biết .
Một tài liệu nội bộ khác của Microsoft mà Business Insider xem được cho biết khoản thanh toán thôi việc sẽ tương đương 16 tuần lương. Nhân viên bị ảnh hưởng có năm ngày để đưa ra sự lựa chọn của mình.
Cách tiếp cận của Microsoft tương tự như chương trình Pivot của Amazon , cung cấp tùy chọn PIP hoặc khoản thanh toán nếu nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, theo Chris Williams, cựu Phó Giám đốc Nhân sự Microsoft, nhân sự nên cân nhắc nghỉ việc thay vì chọn PIP bởi cái bóng của kế hoạch này sẽ rất lớn, đủ để ảnh hưởng đến năng suất của bạn.
“PIP không thực sự là một kế hoạch giúp bạn phục hồi và cải thiện hiệu suất công việc. Tốt nhất là bạn nên rời đi và bắt đầu hành trình của mình tại một công ty khác”, ông Williams nói.
Câu chuyện của Grigory Yakushev, cựu nhân viên Google, là một ví dụ điển hình. Anh chàng đã bị đuổi việc sau 5 năm giữ vai trò kỹ sư phần mềm.
“Trong tháng Ba, tôi đã phải thực hiện Kế hoạch Nâng Cao Năng Suất (PIP - Performance Improvement Plan). Nó là một văn bản yêu cầu tôi phải hoàn thành số lượng công việc nhất định trong vòng 2 tháng. Sau một tuần, tôi không làm được. Quản lý cho rằng tôi lười biếng, không làm việc mà vẫn nhận lương của công ty”, Grigory Yakushev kể.
Chia sẻ với Business Insider, Yakushev cho biết mối quan hệ giữa mình và các quản lý cấp cao bắt đầu tệ đi. Họ tuyển thêm nhân viên dự bị, sau đó bắt anh ngồi gần lãnh đạo để tiện theo dõi.
“Những việc này khiến tôi cảm thấy thật ngộp thở”, Yakushev nhớ lại.
Ít lâu sau, Yakushev bị sa thải với lý do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ mất việc mà không được hỗ trợ thất nghiệp trong 3 tháng.
.jpg)
Thay đổi mới nhất diễn ra khi Microsoft và ngành công nghệ nói chung siết chặt hiệu suất. Đầu năm nay, Microsoft đã sa thải 2.000 nhân viên làm việc kém hiệu quả mà không hề có chế độ trợ cấp thôi việc.
Theo nguồn tin nội bộ, lãnh đạo sẽ cân nhắc hủy hợp đồng với những ai nhận điểm số từ 80 trở xuống trong những bài đánh giá nhân sự 2 năm liên tiếp. Microsoft đánh giá nhân viên theo thang điểm từ 0-200. Mức trung bình là từ 100, còn 0, 60, 80 là mức thấp.
“Chúng tôi luôn nỗ lực giúp mọi người học hỏi và phát triển. Khi mọi người không làm việc, chúng tôi sẽ thực hiện hành động thích hợp”, phát ngôn viên của Microsoft nói.
Theo Business Insider, Microsoft có lập trường cứng rắn hơn các đối thủ khi nói đến các nhân sự làm việc kém hiệu quả. Các nhà lãnh đạo ở một số bộ phận đang cân nhắc việc cắt giảm thêm dựa trên hiệu suất ngay từ tháng 5. Công ty đang thảo luận về việc giảm số lượng quản lý cấp trung và nhân viên không phải lập trình viên để tăng tỷ lệ lập trình viên so với quản lý sản phẩm.
Được biết, ngay từ tháng 1/2023, Microsoft đã sa thải 10.000 lao động. Đầu năm 2024, tập đoàn này tiếp tục sa thải 1.900 nhân sự bộ phận game sau khi thâu tóm Activision Blizzard. Tiếp đến tháng 6/2024, Microsoft thông báo thêm một đợt cắt giảm nhân sự và liên quan đến ít nhất 2.500 nhân viên. Một người trong nội bộ Microsoft tiết lộ rằng nhân viên trong bộ phận bảo mật đã bắt đầu nhận được thông báo sa thải vào 14/1.
Ngoài sa thải, Microsoft cũng đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn trong bộ phận tư vấn tại Mỹ như tạm dừng tuyển dụng, hạn chế các chuyến đi nội bộ không cần thiết và cắt giảm 35% ngân sách marketing và chi phí nhân sự không mang lại doanh thu.
Theo TechCrunch, làn sóng tái cấu trúc trong ngành công nghệ tại Mỹ vẫn tiếp diễn sang năm 2025. Nền tảng theo dõi sa thải độc lập Layoffs.fyi cho biết hơn 150.000 người đã mất việc làm tại 549 công ty trong năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 22.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải.
Business Insider nhận định năm 2025 sẽ là một năm khó khăn nữa của thị trường lao động khi xu thế cắt giảm việc làm tiếp tục sau 2 năm sa thải hàng loạt. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế quốc tế (WEF) cho thấy 41% số công ty trên toàn cầu sẽ cắt giảm nhân sự trong 5 năm tới nhờ sự trỗi dậy của công nghệ trí thông minh nhân tạo. Hàng loạt công ty như Google, Dropbox trước đó cũng đã tuyên bố cắt giảm việc làm vì có AI thay thế.
Theo: Business Insider, CNBC