Nơi nào ở TP.HCM có hệ số K để bồi thường cao nhất năm 2023?

Thu Thuỷ | 10:24 14/03/2023

Giá đất bồi thường tại TP.HCM năm 2023 tùy theo vị trí, loại đất mà người dân có thể nhận được cao tối đa 38 lần so với giá nhà nước, như vậy hệ số K để bồi thường tăng so với năm trước.

Nơi nào ở TP.HCM có hệ số K để bồi thường cao nhất năm 2023?
TP.HCM ban hành giá đất để bồi thường năm 2023, cao nhất 38 lần giá quy định.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn năm 2023, có hiệu lực từ ngày 18/3.

Theo đó, hệ số này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân, không phải là hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng từ giá đất cụ thể để tính bồi thường của loại đất thu hồi tại thời điểm thu hồi đất.

Hệ số K tính theo từng loại đất, chia thành 2 nhóm nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Đối với đất ở tuỳ quận huyện có hệ số điều chỉnh gấp 3-25 lần so với giá nhà nước. Khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 25 lần, là huyện Hóc Môn (10-25 lần) và TP.Thủ Đức (6-25 lần). Khung hệ số này tăng 10 đơn vị so với năm 2022 (tối đa 15 lần).

Xếp sau là huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20 lần.

Đối với đất nông nghiệp có hệ số K khá cao, từ 5 - 38 lần, các quận nội thành cao hơn khu vực ngoại thành, tăng so với hệ số tối đa năm ngoái là 35 lần. Nơi có hệ số cao nhất là huyện Bình Chánh với khung hệ số 15-38 lần giá nhà nước. Các địa phương có hệ số tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp. Các địa phương còn lại có hệ số tối đa dưới 30 lần.

Đối với đất phi nông nghiệp bao gồm: đất thương mại, dịch vụ được tính bằng 80% giá đất ở liền kề; các loại đất khác như cơ quan, công trình sự nghiệp, nghĩa trang, y tế, giáo dục, tôn giáo bằng 60%.

Được biết, hệ số điều chỉnh giá đất được TP đưa ra hàng năm, nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm 2022, hệ số năm nay cao hơn, và được ban hành sớm hơn 5 tháng.

Nhiều năm qua, TP.HCM luôn gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, kết quả giải ngân thường không đạt mục tiêu đề ra, riêng năm 2022 đặc biệt thấp. Nhiều dự án trọng điểm đình trệ do vướng mặt bằng.

TP.HCM đặt mục tiêu đầu tư mới nhiều dự án trọng điểm trong thời gian tới, đặc biệt là Vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài,… Vì vậy, TP đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, nhằm có đất sạch thực hiện dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nơi nào ở TP.HCM có hệ số K để bồi thường cao nhất năm 2023?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO