Địa phương đắt đỏ nhất Việt Nam
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế-xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Trở lại gần chục năm trước, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) giai đoạn 2012-2014 của Hà Nội đã cao nhất cả nước. Đến năm 2016, Hà Nội vẫn là địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước, trong khi thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3 và chỉ số giá bằng 99,67% so với Hà Nội.
Đến đầu năm 2023, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí “quán quân” với mốc điểm 100% về mức giá đắt đỏ nhất cả nước khi SCOLI năm 2022 vẫn cao nhất Việt Nam. Đứng thứ ba là thành phố Hồ Chí Minh với chỉ số SCOLI bằng 96,2%, đắt đỏ thứ nhì là Quảng Ninh.
Báo cáo này cho biết, thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bên cạnh nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hoá, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội.
Địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất Việt Nam
Báo cáo Điều tra lao động việc làm vừa được Tổng cục Thống kê công bố chỉ ra rằng, tính trung bình cả giai đoạn 2017-2021, thu nhập từ việc làm bình quân của lao động làm công ăn lương ở mức khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.
Xét theo vùng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ là khu vực có thu nhập của lao động làm công ăn lương cao nhất năm 2021 với 7,26 triệu đồng/tháng.
Xét theo địa phương thì Hà Nội là nơi lao động làm công ăn lương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước trong năm 2021 với 8,24 triệu đồng/tháng. Lao động nam tại đây có thu nhập bình quân 8,76 triệu đồng/tháng, cao hơn so với mức 7,64 triệu đồng/tháng của lao động nữ. Lao động ở khu vực thành thị ở Hà Nội mỗi tháng kiếm được khoảng 10,4 triệu đồng, trong khi lao động ở nông thôn chỉ có thu nhập khoảng 6,6 triệu đồng/tháng.
Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai, với mức thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương đạt 7,68 triệu đồng/tháng.
Mặc dù thu nhập bình quân người lao động ở Hà Nội cao hơn TP Hồ Chí Minh, nhưng mức lương được đề nghị cho một số vị trí cụ thể tại một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh lại có thể cao hơn Thủ đô. Ví dụ, tra cứu thủ công trên công cụ tìm việc CareerBuilder ngày 5/4, mức lương bình quân theo tháng cho vị trí kế toán (tìm kiếm bằng cả chức danh tiếng Anh “accountant”) tại Hà Nội khoảng 8,6 triệu đồng. Vị trí này ở TP HCM có thể nhận mức bình quân lên đến 9,3 triệu đồng.
Vị trí chuyên viên tuyển dụng, bình quân nhà tuyển dụng trả cho nhân sự tại Hà Nội là 11,5 triệu đồng, còn tại TP Hồ Chí Minh là 12,5 triệu đồng.
Vị trí nhân viên kỹ thuật cũng tương tự. Người lao động tại Hà Nội nhận bình quân 9,1 triệu đồng/tháng, còn tại TP Hồ Chí Minh có thể nhận trung bình 9,2 triệu đồng.
Điều này có thể do nhu cầu tuyển dụng cũng như yêu cầu đối với các vị trí này ở hai thành phố là khác nhau.