Nỗi lòng của khách thuê nhà mặt phố TP.HCM: Nặng lưng gánh tiền mặt bằng

Hạ Vy | 20:21 28/06/2023

Việc sang nhượng, trả mặt bằng kinh doanh tại Tp.HCM diễn ra ngày càng nhiều. Đây là thời điểm Tp.HCM vào mùa mưa, việc buôn bán gặp khó khăn khiến nhiều mặt hàng rơi vào cảnh ế ẩm, tiểu thương rầu rĩ lo tiền mặt bằng hàng tháng.

Nỗi lòng của khách thuê nhà mặt phố TP.HCM: Nặng lưng gánh tiền mặt bằng

Thời gian qua, làn sóng trả mặt bằng càn quét khu vực trung tâm lẫn vùng ven Tp.HCM. Rất nhiều mặt bằng được sang nhượng hoặc trả lại. Các mặt bằng trống hiện diện liên tục tại các khu phố, tuyến đường. Môi giới cho thuê cũng liên tục nhận được nguồn hàng cho thuê hoặc sang nhượng lại.

Không khó bắt gặp các mặt bằng kinh doanh cà phê, ăn uống, thời trang…treo biển sang nhượng hoặc trả mặt bằng thời điểm này. Đối với những mặt hàng buôn bán trực tiếp như quán ăn, đồ uống tỉ lệ trả mặt bằng cao hơn các dịch vụ kinh doanh khác. Nhất là ở thời điểm Tp.HCM bước vào mùa mưa, kinh doanh ế ẩm khiến nhiều người nản lòng. Việc chi trả tiền mặt bằng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khiến nhiều khách thuê quyết định đóng cửa.

Một môi giới cho thuê mặt bằng tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, hiện nguồn hàng là mặt bằng cho thuê diện tích lớn, với giá thuê từ 20-60 triệu đồng/tháng gửi lại sang nhượng hoặc cho thuê khá nhiều. Có một số mặt bằng vị trí rất đẹp, giá thuê tốt nhưng vì kinh doanh ế ẩm, người thuê không thể gồng trong lâu dài nên quyết định trả lại hoặc sang nhượng. Tuy nhiên, theo môi giới này việc sang nhượng quán hàng thời điểm này cũng không hề dễ do kinh tế khó khăn.

4rrrr.jpg
Làn sóng trả mặt bằng đang càn quét trung tâm và khu ven Tp.HCM. Ảnh: Hạ Vy 

Kinh doanh thời trang gần 2 năm nay, chị M, ngụ quận Bình Thạnh, Tp.HCM quyết định đóng cửa, trả mặt bằng. Ban đầu chị nhờ môi giới sang nhượng toàn bộ cửa hàng nhưng không có người mua. Thời gian kéo dài khiến chị gánh thêm chi phí mặt bằng. Theo đó, chị M quyết định thanh lý toàn bộ đồ với giá rất rẻ và rao thuê mặt bằng trống (nhằm lấy lại tiền cọc). Hiện mặt bằng của chị mới có người vào thuê. Theo chị M, thời gian qua, kinh tế khó khăn ảnh hưởng rất nhiều đến việc mua hàng của người dân. Việc kinh doanh của chị chậm hơn hẳn so với thời điểm trước. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng (hơn 30 triệu đồng/tháng) vẫn phải trả đều đặn. Vì thế, sau khi tính toán các chi phí, chị M cho rằng khó có thể gồng gánh trong dài hạn nên dừng việc kinh doanh.

Tại đường Kha Vạn Cân, Tp.Thủ Đức, một mặt bằng quán cà phê diện tích hơn 200m2 mới đây cũng treo biển sang nhượng. Đây là mặt bằng mặt tiền rất đẹp, kinh doanh được hơn 1 năm. Được biết do lượng khách ngày càng sụt giảm, không ổn định, trong khi các chi phí chi trả cho nhân viên, mặt bằng… không thay đổi khiến chủ quán không thấy khả thi. Theo môi giới, dù chủ quán khá tiếc mặt bằng này nhưng vì kinh doanh không hiệu quả và không trường vốn nên trả mặt bằng.

Một khách thuê đang kinh doanh đồ ăn tại quận Phú Nhuận cho biết, ngay cả kinh doanh đồ ăn uống hàng ngày cũng chậm hơn hẳn so với trước đây. Nếu trước đây ngày bán được khoảng gần 200 suất thì hiện tại chỉ gần một nửa số này. Có những ngày mưa gió thì ế ẩm, bán được rất ít.

Ghi nhận cho thấy, một số người buôn bán đồ uống vì không chịu được chi phí mặt bằng nên đã trả và thuê một khu nhỏ, tiếp giáp vỉa hè để bán. Cùng với gánh xe nhỏ, họ kinh doanh đồ ăn hoặc đồ uống qua ngày. Thậm chí, một số quán cafe trước đó mở rộng mặt bằng lớn thì hiện cũng thu nhỏ lại bằng những chiếc xe bán lưu động. Điều này cho thấy, kinh tế khó khăn, chi tiêu hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, buôn bán các mặt hàng. Từ đó, ảnh hưởng rõ nét đến thị trường mặt bằng cho thuê. 

Có thể thấy, nặng lưng gánh tiền mặt bằng, kinh doanh ế ẩm trong thời điểm kinh tế khó khăn là lý do làn sóng trả mặt bằng gia tăng. Nhiều người vì thiếu hụt nguồn vốn nên khó gồng trong dài hạn. Số khác thì dù có vốn nhưng tính toán các chi phí lợi nhuận liên tục sụt giảm cũng đã dừng việc kinh doanh.


(0) Bình luận
Nỗi lòng của khách thuê nhà mặt phố TP.HCM: Nặng lưng gánh tiền mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO