Nỗi khổ của người giàu: Liệu kiếm 1,8 tỷ đồng/năm đã mua được hạnh phúc hay chưa?

Nhất Lưu | 14:05 13/05/2023

Tiền có mua được hạnh phúc hay không? Mức giá nào có thể mua được nó?

Nỗi khổ của người giàu: Liệu kiếm 1,8 tỷ đồng/năm đã mua được hạnh phúc hay chưa?

Tiền có mua được hạnh phúc không? - Đây là câu hỏi mà nhiều nhà triết học, kinh tế học và khoa học xã hội phải “vật lộn” trong nhiều thập kỷ để tìm ra câu trả lời. 

Đối với hầu hết người Mỹ, đa phần câu trả lời sẽ là có. Và thậm chí, nhận định này được đưa ra bởi hai nhà nghiên cứu nổi tiếng Daniel Kahneman và Matthew Killingsworth.

Daniel Kahneman, một nhà kinh tế học và tâm lý học từng đoạt giải Nobel đã đưa ra nhận định trong nghiên cứu vào năm 2010 rằng: “Sức khỏe tinh thần sẽ tăng lên khi có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, khi thu nhập hộ gia đình theo năm đạt mức 75.000 USD (gần 1,8 tỷ đồng), kiếm thêm nhiều tiền cũng sẽ không khiến bạn hạnh phúc hơn”.

Vào năm 2021 (11 năm sau), Matthew Killingsworth - một nhà nghiên cứu về hạnh phúc đã đưa ra quan điểm phản bác lại Kahneman. Ông cho rằng con số 75.000 USD không phải giới hạn của sự hạnh phúc. Và cảm giác này hoàn toàn có thể tiếp tục tăng lên khi thu nhập năm của con người vượt quá 200.000 USD (gần 4,7 tỷ đồng).  

Mới đây nhất, cặp đôi chuyên gia đã cùng nhau nghiên cứu một dự án được gọi là “sự hợp tác đối nghịch” - họ đưa nhiều lý luận để bảo vệ quan điểm của mình cũng như phán bác người còn lại. Họ nói thêm rằng nghiên cứu mới nhất này đã được điều chỉnh theo lạm phát. 

Trong nghiên cứu, Kahneman và Killingsworth đã khảo sát 33.391 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 65 sống ở Mỹ, đang làm việc và có thu nhập hộ gia đình ít nhất là 10.000 USD một năm (khoảng 234 triệu đồng/năm). Các chuyên gia cho biết họ thiếu nhiều dữ liệu của những người kiếm được hơn 500.000 USD/năm (hơn 11 tỷ đồng/năm). 

Để đo lường mức độ hạnh phúc, những người tham gia được yêu cầu báo cáo cảm xúc của mình vào những khoảng thời gian ngẫu nhiên trong ngày thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh do Killingsworth phát triển có tên là “Track Your Happiness”. Ví dụ, câu hỏi sẽ có nội dung là “Bây giờ bạn cảm thấy thế nào?” và người tham gia sẽ trả lời trên thang điểm từ “rất tệ” đến “rất tốt”. 

Nghiên cứu này đã đưa ra hai kết luận lớn. Thứ nhất, những người có thu nhập càng cao thì càng nói rằng bản thân đang hạnh phúc nhiều hơn. Vì vậy, về mặt trung bình, tiền có thể mua được hạnh phúc - dưới góc độ khoa học. 

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có một “thiểu số”, khoảng 20% số người tham gia nói rằng họ sẽ chỉ cảm thấy giảm bớt được buồn phiền khi thu nhập năm tăng lên một ngưỡng nhất định - khoảng 100.000 USD/năm (2,3 tỷ đồng). Những người này có xu hướng trải qua nhiều vấn đề “tiêu cực” trong cuộc sống. 

Trong một tuyên bố, Killingsworth nhận định rằng: “Nói một cách đơn giản nhất, đối với hầu hết mọi người, càng nhiều tiền thì càng hạnh phúc. Ngoại lệ là những người quá giàu có nhưng không có cảm giác này bởi nguồn gốc của nỗi buồn có lẽ không bắt nguồn từ thứ mà tiền bạc có thể khắc phục”. 

Ngoài ra, trong tuyên bố của mình, Killingsowrth đã nói rõ rằng tiền không phải là tất cả mà nó chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định hạnh phúc mà thôi. “Tiền bạc không phải bí quyết mang lại hạnh phúc, nhưng nó có thể giúp ích một chút”, ông nói. 

Ngoài ra mức độ hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa kết luận được rằng tiền có còn mang lại hạnh phúc đối với những người kiếm được trên 500.000 USD nữa hay không?. 

Tham khảo The Washington Post

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nỗi khổ của người giàu: Liệu kiếm 1,8 tỷ đồng/năm đã mua được hạnh phúc hay chưa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO