Nợ xấu của các hãng bay với ACV lên tới 2.000 tỷ đồng

Hồng Minh | 21:19 06/08/2022

Là công ty cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không, ACV là chủ nợ và có khoản nợ xấu phải thu với tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam lên tới 2.000 tỷ đồng.

Nợ xấu của các hãng bay với ACV lên tới 2.000 tỷ đồng
Sân bay Quốc tế Long Thành - dự án đầu tư khổng lồ của ACV trong năm nay (Ảnh: ACV).

Nợ xấu tăng mạnh

Báo cáo tài chính bán niên 2022 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV cho thấy công ty có các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi với các hãng bay Việt Nam đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 388 tỷ đồng so với đầu năm 2022 - tương đương mức tăng 24%.

Các hãng hàng không đang hoạt động như Pacific Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietnam Airlines hay đã ngừng hoạt động như Air Mekong đều có khoản nợ xấu tại ACV. 

Ngành hàng không Việt Nam và thế giới đã có gần 3 năm khó khăn khi phải dừng nhiều đường bay trong một thời gian dài, đối mặt với các chính sách phòng chống Covid chặt chẽ trên toàn thế giới. 

Vietnam Airlines đã lỗ ròng hơn 5.250 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, nâng khoản lỗ lũy kế lên mức gần 29.000 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2022. Công ty đang tìm cách giải pháp nhằm giải quyết vấn đề vốn chủ sở hữu bị thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng sau các khoản lỗ được kết dư qua các năm. 

Với Vietjet, mặc dù có lãi trong những năm Covid-19 vừa qua, nếu tách riêng mảng kinh doanh vận chuyển hành khách, công ty cũng không tránh được thua lỗ. Nghiệp vụ Bán và Thuê lại tài sản (Sale lease back) đã giúp công ty hạch toán lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, ngay cả trong thời gian thê thảm nhất của ngành hàng không. Trong riêng quý II, mảng sale lease back đã mang lại cho Vietjet gần 2.000 tỷ đồng lãi gộp, giúp công ty lãi ròng tới 180 tỷ đồng. 

Hoạt động kinh doanh khó khăn khiến nợ nần của các hãng bay với ACV càng trở nên khó trả. 

Trừ các khoản vay (từ ngân hàng và các tổ chức tài chính), cuối quý II/2022, Vietnam Airlines nợ đối tác - bao gồm nhà cung cấp, người lao động, cơ quan thuế… số tiền 38.600 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Tương tự, Vietjet nợ đối tác 28.310 tỷ đồng cuối quý II/2022, tăng 46,4% so với đầu năm. 

Trước tình hình nợ xấu tăng mạnh và kết quả kinh doanh chưa khả quan của các “con nợ”, ACV đã trích lập dự phòng 566 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu nói trên. Trong đó, riêng khoản nợ của Air Mekong trị giá gần 26 tỷ đồng đã được ACV dự phòng toàn bộ do đánh giá không thể thu hồi. 

Lợi nhuận vẫn khởi sắc

Mặc dù vướng khoản nợ xấu với các hãng hàng không, ACV vẫn có một kỳ kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận sau thuế riêng quý II đạt gần 2.600 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 338 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Mức lãi một quý của ACV vượt qua mức lãi hai năm dịch vừa qua của công ty. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi công ty cổ phần hóa vào năm 2016. 

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ sân bay, việc khai thác trở lại các sân bay, mở cửa các đường bay quốc tế là tín hiệu tốt để ACV có một kỳ kinh doanh thuận lợi. 

Doanh thu của ACV đa dạng, đến từ nhiều nguồn như phục vụ hành khách, dịch vụ hạ, cất cánh, bảo đảm an ninh hành khách, hành lý, cho thuê mặt hàng, sử dụng hạ tầng nội cảng… Mỗi khoản mục này đều mang lại hàng trăm tỷ đồng doanh thu cho ACV trong riêng quý II. Các khoản thu có thể đến từ các nhà bán lẻ tại sân bay hoặc các hãng bay, được tính trực tiếp trong giá vé máy bay và các hãng bay phải chi trả. Tuy nhiên, với mỗi chuyến bay, mức phí dịch vụ đặc thù hạ, cất cánh đều được tính chung mà không chia trên số lượng hành khách. 

Ngoài hoạt động chính là cung cấp dịch vụ sân bay, ACV cũng là một trong những doanh nghiệp nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến cuối quý II/2022, ACV gửi ngân hàng trên 31.400 tỷ đồng. Chỉ riêng quý II, công ty ghi nhận 383 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng, và 1.474 tỷ đồng lợi nhuận chênh lệch tỷ giá. Nửa đầu năm ngoái, trước tình hình đóng băng của thị trường hàng không, ACV thoát lỗ nhờ khoản lãi tiền gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá. 

ACV cổ phần hóa từ năm 2016, là một trong những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường (trên 8 tỷ USD). Tuy nhiên, cổ phiếu ACV đến nay vẫn chưa niêm yết, đang được giao dịch tại sàn UPCoM. Phần lớn cổ phiếu của ACV (trên 95%) đang được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp niêm yết nắm giữ. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nợ xấu của các hãng bay với ACV lên tới 2.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO