Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, các nguồn lực do các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc nắm giữ đã sụt giảm đáng lo ngại trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến và thị trường bất động sản suy thoái trên toàn quốc.
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố tại một cuộc họp vào tháng trước rằng, cần phải giải quyết rủi ro nợ tại các địa phương bằng “một giải pháp toàn diện”.
Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings nhận định, tuyên bố này nêu bật sự tập trung ngày càng tăng của Bắc Kinh vào những khó khăn tài chính mà các địa phương kém phát triển tại Trung Quốc đang phải đối mặt, cũng như ngăn ngừa rủi ro hệ thống.
Kể từ đầu năm nay, nỗi lo ngại về việc vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương đã gia tăng. Các trái phiếu này do các đơn vị tài trợ tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) tại Trung Quốc phát hành, nhằm khắc phục các hạn chế đối với việc vay nợ của chính quyền địa phương và việc này đã gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chính phủ trung ương sẽ tránh cứu trợ các LGFV đang gặp khó khăn, vì điều này có thể tạo ra nguy cơ ‘rủi ro đạo đức’. Chính quyền cấp tỉnh hiện có một số công cụ để trợ giúp các LGFV, bao gồm cả việc hoán đổi nợ. Các giải pháp khác có thể liên quan đến việc giúp chính quyền địa phương cấp dưới thanh lý tài sản của LGFV, chuyển tài sản đang hoạt động vào LGFV, yêu cầu hỗ trợ tài chính từ [chính quyền cấp tỉnh] và tái cơ cấu khoản vay ngân hàng”, Fitch Ratings cho biết.
Theo báo cáo vào ngày 9/8 của hãng định mức tín dụng Moody's, một số tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đã chứng kiến doanh số bán đất giảm hơn một nửa vào năm ngoái.
Các tỉnh thành như Cát Lâm, Thiên Tân, Thanh Hải, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Vân Nam và Cam Túc cũng sụt giảm doanh thu đáng kể.
Ở những địa phương từng ghi nhận tạo ra nhiều thu nhập hơn từ LGFV trong quá khứ như tỉnh Sơn Đông và Phúc Kiến, mức giảm cũng rất lớn - Moody's cho biết.
Dựa trên báo cáo của Moody’s sử dụng số liệu năm 2022, SMCP đã xem xét ba địa phương của Trung Quốc có tỷ lệ nợ trên GRDP cao nhất, so sánh số nợ ở mỗi địa phương với quy mô của nền kinh tế. Cấu phần nợ bao gồm nợ công của chính quyền cấp tỉnh và các LGFV của họ.
1. Thiên Tân (tỷ lệ nợ trên GRDP: 138,3%)
Theo SCMP, thành phố ven biển ở phía bắc Trung Quốc này từng là một trong những trung tâm sản xuất và công nghiệp phát triển nhất của Trung Quốc. Nhưng Thiên Tân đã phải vật lộn với vấn đề tài chính khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút trong những năm qua.
Đây là một trong bốn địa phương không đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP thực tế của họ cao hơn mục tiêu quốc gia 5% trong năm 2023.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC), tăng trưởng GRDP thực tế của Thiên Tân chỉ là 1% vào năm 2022 và đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố này cũng giảm dần từ 21,13 tỷ USD vào năm 2015 xuống chỉ còn 5,39 tỷ USD vào năm 2021.
Năm 2021, chính quyền Thiên Tân đã đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính của các công ty nhà nước mắc nợ sau một loạt vụ vỡ nợ kể từ năm 2018.
Moody’s kỳ vọng rằng, các LGFV ở Thiên Tân sẽ chứng kiến hơn một nửa số trái phiếu của họ đáo hạn trong 12 tháng tới, nhưng doanh thu tài chính từ trái phiếu LGFV đáo hạn trong năm tới là tương đối thấp.
2. Quý Châu (tỷ lệ nợ trên GRDP: 137,2%)
Theo SCMP, Quý Châu - tỉnh miền núi không giáp biển ở miền nam Trung Quốc, nổi tiếng với thương hiệu rượu trắng Mao Đài – đã nợ nần chồng chất sau nhiều năm chi tiêu rất nhiều cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án đều mang lại những lợi ích mà chính quyền địa phương mong đợi, mặc dù giá của chúng rất cao.
Quý Châu hiện đang xây dựng cây cầu Huajiang bắc qua hẻm núi với chi phí ước tính 2 tỷ nhân dân tệ (CNY, khoảng 276,6 triệu USD). Dự kiến hoàn thành vào năm 2025, cây cầu sẽ tạo ra một tuyến đường mới bắc qua sông Beipan - một phần của lưu vực sông Châu Giang.
Tập đoàn xây dựng cầu đường Zunyi – một trong những LGFV của Quý Châu - đã đàm phán một thỏa thuận tái cấu trúc với các ngân hàng chủ nợ của mình để chuyển khoản vay 15,6 tỷ CNY (2,2 tỷ USD) vào năm ngoái, nhằm giảm gánh nặng nợ nần.
Theo SCMP, giới chức Quý Châu vào tháng 4 từng nói rằng, địa phương này không thể quản lý việc trả nợ dựa trên doanh thu của họ, đã gây ra mối lo ngại rộng rãi rằng cuộc khủng hoảng nợ cấp địa phương có thể nghiêm trọng hơn dự đoán trước đây.
3. Cam Túc (tỷ lệ nợ trên GRDP: 123,4%)
GRDP của tỉnh Cam Túc ở phía tây bắc Trung Quốc trong năm 2022 đạt 1,12 nghìn tỷ CNY (154,3 tỷ USD), nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ là 45.000 CNY (6.233 USD) - thấp nhất trong số tất cả các tỉnh của Trung Quốc, theo ước tính của Luo Zhiheng - nhà phân tích kinh tế vĩ mô trưởng của Viện nghiên cứu chứng khoán Yuekai tại Quảng Đông, Trung Quốc.
“Doanh thu tài chính của tỉnh tương đối nhỏ và sự phụ thuộc vào các khoản thanh toán chuyển khoản [của chính phủ] trung ương là tương đối cao; các ngành nghề truyền thống đóng góp tỷ trọng thu thuế tương đối cao, chênh lệch thu chi tài chính trên địa bàn tương đối lớn; gánh nặng nợ của chính quyền cũng tương đối lớn. Áp lực trả nợ đang tăng lên hàng năm”, nhà phân tích Luo cho biết trong một báo cáo nghiên cứu về các vấn đề nợ của Cam Túc vào tháng 6.
Moody's cho rằng, Cam Túc, vốn phải đối mặt với dòng tiền chảy ra ngoài trong khi đã gánh các khoản nợ LGFV lớn so với doanh thu tài chính, sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc thích ứng với thu nhập ít đi đáng kể từ việc bán đất. Hơn nữa, Cam Túc cũng ghi nhận dòng vốn ròng chảy ra từ việc tài trợ cho trái phiếu LGFV, minh họa cho những khó khăn trong việc tái cấp vốn của họ.
10 địa phương tại Trung Quốc có tỷ lệ nợ trên GRDP xấu nhất:
1. Thiên Tân (138,3%)
2. Quý Châu (137,2%)
3. Cam Túc (123,4%)
4. Thanh Hải (105,8%)
5. Trùng Khánh (101,3%)
6. Chiết Giang (101,2%)
7. Vân Nam (101%)
8. Tứ Xuyên (100,3%)
9. Cát Lâm (95,6%)
10. Giang Tây (92,8%)