Những vướng mắc thường thấy tại các dự án đầu tư công nhỏ và vừa

Lê Sáng | 21:59 29/08/2022

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Chi nhánh miền Trung, các gói thầu nhỏ và vừa sử dụng vốn ngân sách lại đang có những vương mắc không hề nhỏ.

Những vướng mắc thường thấy tại các dự án đầu tư công nhỏ và vừa
Công tác đầu tư, thanh quyết toán các công trình sử dụng vốn ngân sách quy mô nhỏ và vừa tại các địa phương lại đang có những vướng mắc lớn.

Thủ tục đầu tư kéo dài

Theo ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Chi nhánh miền Trung (VACC Miền Trung), hiện nay thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước quy mô nhỏ và vừa còn kéo dài.

Cụ thể, từ khi có chủ trương đầu tư đến bước lựa chọn nhà thầu thi công còn kéo dài, thường từ 6 tháng đến hơn 1 năm. Điều này khiến cho dự án từ khi lập dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) đến khi tổ chức lập Thiết kế - Dự toán (xác định giá gói thầu) đến tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công thì giá nguyên vật liệu tại thời điểm thi công so với khi lập dự án đã tăng cao.

Mặt khác, theo quy định (Nghị định 63/2014/NĐ-CP) thì đối với gói thầu xây lắp có giá trị 01 tỷ trở lên phải tổ chức đấu thầu hay các gói thầu từ 20 tỷ trở lên phải đấu thầu 01 giai đoạn 02 túi hồ sơ, với hạn mức các gói thầu tại thời điểm này không còn phù hợp nên đề xuất điều chỉnh lại cho phù hợp với quy mô, tính chất (gói thầu 01 tỷ mà đấu thầu thì tốn chi phí làm hồ sơ rất nhiều).

Ngoài ra, việc đầu tư dự án còn có tình trạng cuối năm ghi vốn, đầu năm mới triển khai đầu thầu thiết kế, lựa chọn nhà thầu, đến khi triển khai thi công thường vào mùa mưa bão dẫn đến công trình triển khai không đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đây là một trong những bất cập hay gặp đối với các gói thầu nhỏ.

Từ những tồn tại như trên, ông Trần Phước Tuấn cho rằng nên xem xét rút ngắn 30% thời gian trong giai đoạn chuẩn bị công tác đầu tư đối với các dự án có giá trị vừa và nhỏ ( nhóm C, nhóm B có giá trị dưới 100 tỷ, nhất là các khâu thẩm định thiết kế cơ sở, dự án đầu tư, các báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt PCCC…), hoặc có thể tăng mức dự phòng phí của dự án (tối thiểu 15-20%) để tránh khi triển khai thi công phải nhiều lần điều chỉnh Tổng mức đầu tư.

Đối với quy định về giá gói thầu xây dựng cần có điều chỉnh lại hạn mức cho phù hợp. Chẳng hạn như có thể tổ chức đấu thầu rộng rãi với gói thầu từ 05 tỷ trở lên (dưới 5 tỷ áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế), đối với phương thức đấu thầu 01 giai đoạn 02 túi hồ sơ nên tăng giá trị gói thầu Xây lắp từ trên 20 tỷ lên trên 30 tỷ, ông Tuấn đề xuất.

Hạn mức tạm ứng và thủ tục thanh quyết toán chưa phù hợp

Theo Chủ tịch VACC Miền Trung, bên cạnh tồn tại về quy trình thủ tục đầu tư kéo dài, các doanh nghiệp nhà thầu thi công các công trình quy mô nhỏ và vừa sử dụng vốn ngân sách còn gặp phải không ít vướng mắc liên quan đến hạn mức tạm ứng và thủ tục thanh quyết toán.

Theo đó, ông Trần Phước Tuấn cho rằng trong khi chủ trương của Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công để tạo đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên các hợp đồng xây dựng hiện nay, Chủ đầu tư thường áp dụng tỷ lệ tạm ứng ở mức tối thiểu (tại điều 18 NĐ 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, thường tạm ứng không quá 15% giá trị hợp đồng.

Trong khi đó, quy định hiện cho phép tạm ứng tối đa lên đến 50% giá trị hợp đồng). Theo ông Tuấn, với mức tạm ứng tối thiểu này thì không đủ kinh phí để huy động vật tư, thiết bị thi công, trong khi thủ tục thanh toán, nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công, quyết toán vẫn như các dự án lớn dẫn đến công tác quyết toán kéo dài.

Bên cạnh đó, đối với một số công trình trọng điểm, Chủ đầu tư đã xin được cơ chế giải quyết tạm ứng cho Nhà thầu lớn hơn mức tạm ứng tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên các Ngân hàng hiện nay chỉ giải ngân theo mức tạm ứng tối thiểu, số tiền tạm ứng còn lại Ngân hàng tạm giữ và chỉ giải ngân theo tỷ lệ khối lượng hoàn thành so với hợp đồng.

Theo Chủ tịch VACC Miền Trung, tình trạng trên đang khiến các nhà thầu phải chịu thiệt thòi rất lớn, vì tiền không nhận được để mua dự trữ vật tư, thiết bị, huy động nhân công, mặc khác đối với hợp đồng điều chỉnh giá thì những khối lượng đã thi công tương ứng với giá trị tạm ứng vượt mức tạm ứng tối thiểu thì nhà thầu không được bù giá (Điểm d, mục 5, điều 18 NĐ 37/2015/NĐ-CP).

Từ những vướng mắc trên, ông Trần Phước Tuấn đề xuất nên cắt giảm bớt thủ tục nghiệm thu, bàn giao đối với các công trình vừa và nhỏ, nên tập trung đầu mối cho Chủ đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra thủ tục nghiệm thu, bàn giao (không cần thông qua cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra lại), đồng thời tăng tỷ lệ tạm ứng tối thiểu lên 30% đối với công trình có giá trị dưới 50 tỷ, tăng tỷ thanh toán (ít nhất 95% giá trị hợp đồng), chỉ giữ lại 5% giá trị quyết toán.

Định mức xây dựng “dưới đất”

Ngoài những khó khăn thủ tục đầu tư và thanh quyết toán, theo vị Chủ tịch VACC Miền Trung, một vấn đề đáng “quan ngại” là việc chưa bao giờ uy tín của các Nhà thầu Xây dựng xuống thấp như hiện nay.

Các đơn vị bán vật tư, vật liệu rất ngại bán cho các nhà thầu làm vốn ngân sách, nhiều đơn vị mới năm trước còn làm ăn khá, đến thời điểm này đã làm ăn thua lỗ, nợ nần, phá sản, nhiều công trình thi công dỡ dang, bỏ dỡ nửa chừng mà thực sự nguyên nhân không phải lỗi hoàn toàn ở các doanh nghiệp, ông Trần Phước Tuấn chia sẻ.

Theo đó, ông Tuấn cho biết, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã có nhiều lần điều chỉnh, hiện nay đang áp dụng theo Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về Ban hành định mức xây dựng.

Tuy nhiên, nhiều định mức, đơn giá ban hành vẫn chưa sát với thực tế, còn lạc hậu, đặc biệt là các đơn giá có áp dụng thuế môi trường thì giá bán thực tế rất cao so với giá công bố tại địa phương hoặc là có chênh lệch rất cao giữa giá có thuế với giá chưa thuế.

Chẳng hạn như tại như địa bàn Đà Nẵng, Sở Xây dựng công bố giá mua đất đồi san lấp tại mỏ đất là: 31.600 đ/m3 (giá sau thuế từ năm 2019 đến nay), trong khi thực tế giá bán tại mỏ đất san lấp K85 dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đ/m3, chênh lệch gần 100% so với giá công bố, giá bán đất đắp nền đường K95, K98 còn đắt hơn (gần 100.000 đ/m3) hay đơn giá ván khuôn dầm sàn áp dụng tính dự toán từ (110.000 đến 130.000) đồng/m2, thực tế hiện nay từ (180.000đ-200.000) đồng/m2, chênh lệch hơn 60%.

Đặc biệt, đối với đơn giá nhân công xây dựng, các địa phương xây dựng giá nhân công trên cơ sở Thông tư 13/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng để tính lương nhân công theo cấp bậc thợ còn quá thấp so với tiền công thực tế mà nhà thầu chi trả cho công nhân.

Cụ thể, đối với thợ bậc 3,5/7 nhóm II (thợ xây, trát, ốp lát bình thường), giá áp dụng tính dự toán là: 237.000 đ/công, trong khi thực tế phải trả từ 450.000đ đến 500.000 đồng/công, chênh lệch từ 100%-110% như vậy với tỷ trọng giá nhân công chiếm từ (20-30)% tổng dự toán thì việc bù lỗ của Nhà thầu là rất lớn.

Từ việc áp mức tính định mức xây dựng còn “dưới đất” trong khi mức giá thực tế đã “trên trời”, Chủ tịch VACC Miền Trung kiến nghị các cấp các ngành cần có định mức sát đúng với thị trường hiện tại để đảm bảo hoạt động , lợi nhuận của các nhà thầu và công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình, dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những vướng mắc thường thấy tại các dự án đầu tư công nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO