Những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Hà Linh | 15:40 12/09/2024

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu vốn trung, dài hạn rất lớn của nền kinh tế.

Những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thiếunguồn lực để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, thiên tai bão lũ,... Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu vốn trung, dài hạn rất lớn củanền kinh tế.

8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng TPDN phát hành đạt xấp xỉ 215 nghìn tỷ đồng, bằng 30% so với cả năm 2020 và 30% so với năm 2021. Dư nợ TPDN khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 10% GDP năm 2023, quá thấp so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Chứng khoán đang được xây dựng có một số quy định có thể ảnh hưởng trái chiều đến thị trường TPDN. Đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân – thành phần chiếm tỷ trọng lớn và không thể thiếu trên thị trường, một số điều kiện có thể tạo ra rào cản tham gia.

Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định nhà đầu tư phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất, có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Điều kiện nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư nhưng ở một góc độ nào đó lại có phần khắt khe và có thể thu hẹp đối tượng tham gia trên thị trường.

Điều kiện này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư chính đáng của các cá nhân khi TPDN là một kênh đầu tư uy tín, an toàn và hiệu quả để nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục. Việc hạn chế loại tài sản được đầu tư vô hình chung đi ngược với xu thế thị trường, nhu cầu nhà đầu tư cũng như quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, dự thảo còn yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.

Theo quy định này, để có thể phát hành TPDN ra công chúng, các doanh nghiệp phải thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu xong mới nộp được hồ sơ xin cấp phép. Thời gian thực hiện việc này thường phải mất vài tháng, dẫn đến phát sinh chi phí, nhân lực cũng như kéo dài việc huy động vốn để phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, quy định được bảo lãnh của ngân hàng cũng không phù hợp khi các ngân hàng thương mại không được phép bảo lãnh cho TPDN có mục đích mua cổ phần, vốn góp, cơ cấu nợ, hoặc bị hạn chế bởi room tín dụng trong năm. Thực tế, TPDN cũng là một hình thức huy động vốn. Việc phải có biện pháp bảo đảm khi chào bán công chúng TPDN không phải vốn cấp 2 là không phù hợp, đi ngược với thông lệ.

Nhìn chung, thị trường TPDN có quy mô tương đối nhỏ và đang có phần trầm lắng, cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Việc vừa nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp đồng thời đòi hỏi các điều kiện khắt khe hơn từ phía tổ chức phát hành có thể khiến thị trường TPDN thêm phần ảm đạm. Điều này có thể sẽ cản trở dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế, giảm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp cũng như thu hẹp kênh đầu tư chính đáng của nhà đầu tư cá nhân.

Do đó, các văn bản quy phạm pháp luật nên được xem xét kỹ lưỡng tác động về mọi mặt trước khi thông qua và có hiệu lực. Với định hướng phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững góp phần khơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình tại từng thời kỳ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO