Những diễn biến đáng chú ý tại nhóm ngân hàng yếu kém

Mạnh Đức | 08:43 14/12/2024

Trong thời gian gần đây, thị trường liên tiếp ghi nhận những diễn biến mới tại nhóm ngân hàng yếu kém.

Những diễn biến đáng chú ý tại nhóm ngân hàng yếu kém
Ảnh minh họa

NHNN sắp trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và Dong A Bank

Tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình trước ngày 20 tháng 12 năm 2024 phương án chuyển giao bắt buộc 02 ngân hàng kiểm soát đặt biệt còn lại (Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu - GPBank, Ngân hàng TMCP Đông Á – Dong A Bank).

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), không để chậm trễ hơn nữa.

Trước đó, thông tin tại Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc CB và Oceanbank, Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cho biết sau CB và Oceanbank, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao một ngân hàng nữa trong thời gian tới và một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Dong A Bank đang triển khai lộ trình, còn SCB thì duy trì ổn định.

Chia sẻ chi tiết hơn, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, cho biết hai ngân hàng là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt cho các ngân hàng khác trong tương lai.

"Mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ luỹ kế, đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động, chấm dứt kiểm soát đặc biệt", ông Long nhấn mạnh và khẳng định mọi quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo trước, trong và sau quá trình chuyển giao.

Ngoài Vietcombank (nhận chuyển giao CB) và MB (nhận chuyển giao OceanBank), hiện còn có hai ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Cả hai ngân hàng này đều đã được cổ đông phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém và đang chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận. Do đó, nhiều khả năng việc chuyển giao GPBank và Dong A Bank sẽ sớm được thực hiện.

OceanBank đổi tên thành MBV, đồng thời có Chủ tịch và Tổng giám đốc mới

Cùng với những diễn biến tích cực tại GPBank và Dong A Bank thì OceanBank cũng vừa ghi nhận những chuyển động mới sau khi trở thành ngân hàng trực thuộc hệ thống của MB.

Mới đây, MB cho biết, từ ngày 18/12/2024, OceanBank sẽ đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Việt Nam hiện đại, gọi tắt là MBV, hướng đến trở thành một ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững.

Đồng thời, ngày 10/12/2024 vừa qua, MB chính thức bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc cùng các nhân sự cấp cao HĐTV và Ban Kiểm soát OceanBank.

Theo đó, ông Vũ Thành Trung – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MB sẽ đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV tại MBV và ông Lê Xuân Vũ – Thành viên Ban điều hành MB chính thức được bổ nhiệm là Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc MBV.

Bên cạnh đó, MB cũng bổ nhiệm các Thành viên Hội đồng thành viên MBV, bao gồm ông Hà Trọng Khiêm – Phó Tổng Giám đốc MB, ông Trần Hải Hà – Giám đốc Khối CIB MB, ông Lưu Hoài Sơn – Giám đốc Ban Kế hoạch và Marketing MB và ông Ngô Anh Tuấn – là thành viên tham gia HĐTV OceanBank nhiệm kỳ trước.

Ban Kiểm soát MBV cũng được kiện toàn gồm 5 thành viên. Trong đó, bà Hoàng Thị Thu Nguyệt giữ chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát. Bà Nguyệt đã gắn bó với MB Group 21 năm, với nhiều năm kinh nghiệm tại mảng đầu tư, và là Phó giám đốc khối Đầu tư MB từ năm 2017.

Các thành viên khác của Ban Kiểm soát MBV gồm có bà Hoàng Thị Mỹ Linh, bà Nguyễn Thị Hải Yến, bà Nguyễn Thị Lan và bà Lê Hải Yến.


(0) Bình luận
Những diễn biến đáng chú ý tại nhóm ngân hàng yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO