Năm 2015, Kris Cody (khi đó 18 tuổi) thực hiện một chuyến đi bộ đường dài trên dãy núi Andes trong thời gian tạm nghỉ trước khi học lên đại học. 6 tháng sau, anh trở lại với một chiếc áo len mới và một ý tưởng kinh doanh thú vị.
Thời điểm Cody khám phá dãy Andes là mùa mưa, trời lạnh cóng. Vì vậy, những chiếc áo mà anh mang theo không đủ để giữ ấm cơ thể ở độ cao hàng nghìn mét. Cody đã đến rất nhiều cửa hàng thủ công nhỏ nằm rải rác quanh Cusco (thành phố gần thung lũng Urubamba của dãy Andes) để mua thêm áo len.
Hầu hết những chiếc áo mà chàng thanh niên thử đều không vừa vặn cho đến khi anh tìm thấy một cửa hàng nhỏ nằm bên một cầu thang hẹp. Tại đây, anh thử một chiếc áo len màu xám sọc nâu mỏng, hoa văn hình kim tự tháp. Nó khác biệt hoàn toàn với những sản phẩm anh mặc thử trước đó. Mềm mại, chắc chắn, ấm áp nhưng rất nhẹ là cảm giác của Cody khi mặc nó lên người.
Cody trở lại vào ngày hôm sau và mua thêm 8 chiếc nữa rồi gửi chúng cho các thành viên gia đình ở quê nhà. Chúng được đan bởi Gregoria Yucra Chamb, một thành viên của bộ lạc Quechuan ở Peru. Vật liệu làm nên sản phẩm này là lông của lạc đà alpaca.
Người Peru đã tận dụng lông của loài động vật này từ nhiều thế kỷ trước. Khi bị xén lông, chúng tạo ra các loại sợi khác nhau, trong đó, những phần thô nhất được kéo thành thảm còn phần mềm nhất được làm thành tất và quần áo trẻ em.
Lông của lạc đà alpaca được đánh giá là bền hơn so với len cashmere (en thu được từ bộ lông của dê Cashmere) và các loại len khác. Đồng thời, chất xơ từ lông của chúng cần ít hóa chất hơn để xử lý.
Lạc đà alpaca là loài động vật khá nhẹ nhàng: chỉ gặm phần ngọn của cỏ cây, hiếm khi phá hỏng bất cứ thứ gì trên mặt đất. vì thế, đàn của chúng có thể phát triển mà không ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù lông của lạc đà alpaca được đánh giá là không ấm bằng lông của vịt hay ngỗng nhưng ít nhất, không con lạc đà nào phải hi sinh tính mạng để lấy lông.
Điều đầu tiên thu hút Cody là sự ấm áp và cảm giác mềm mại của chiếc áo len mới, nhưng càng tìm hiểu về loài alpaca, anh càng thấy cơ hội kinh doanh và phát triển bền vững.
Một con alpaca có thể cung cấp đủ len cho bốn chiếc áo len, trong khi cần phải xén lông bốn con dê Cashmere để làm ra một chiếc áo. Bất kể số lượng là bao nhiêu, lông của lạc đà alpaca đều có thể được sử dụng để cách nhiệt, điều đó có nghĩa là ngay cả những mảnh vụn nhỏ cũng không bị lãng phí.
Sau năm đầu tiên theo học ngành miễn dịch học thần kinh tại Đại học Virginia, Cody trở lại Peru. Gregoria Yucra Chamb không nhận ra anh nhưng vẫn trả lời một loạt câu hỏi về việc tìm nguồn cung ứng lông alpaca và xây dựng mối quan hệ với những người bản địa trong vùng.
Sau một thời gian, Cody chuyển đến chỗ của con rể Gregoria và tạo ra nguyên mẫu cho thị trường Mỹ: chiếc áo len chống ám mùi có trọng lượng dưới 280 gram, giá 139 USD.
Sau đó, anh quay lại trường đại học với một dự án kinh doanh riêng. Trong khi những người bạn dành thời gian cuối tuần để tiệc tùng, Cody đã mua một chiếc kệ từ Ikea và trưng bày những chiếc áo len trong phòng ký túc xá của mình.
Khi sản phẩm được biết đến nhiều hơn, anh lập một trang web và bắt đầu nhận các đơn đặt hàng qua email, đóng gói sản phẩm với những lời cảm ơn viết tay được đặt bên trong.
Anh thậm chí còn lẻn vào hậu trường các buổi biểu diễn để thuyết phục một số nghệ sĩ mặc thử sản phẩm của mình. Nhiều bạn cùng lớp đã chế nhạo Cody khi biết chuyện này nhưng năm 2017, anh đã huy động được 350.000 USD trên nền tảng gọi vốn cộng đồng Kickstarter. Không lâu sau, chàng sinh viên trẻ quyết định bỏ đại học để tập trung toàn thời gian vào công ty non trẻ của mình.
7 năm sau, công ty Paka của Cody là doanh nghiệp được chứng nhận với 35 sản phẩm khác nhau, từ áo sơ mi, áo len đến tất. Họ hợp tác với hơn 100 thợ dệt ở Peru và đem đến cho những người này nguồn thu nhập cao gấp 4 lần mức thu nhập đủ sống ở quốc gia này.
Cody cho biết doanh số bán hàng đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ khi công ty ra mắt và sẽ vượt mốc 10 triệu USD trong năm nay. 2% số tiền thu được của công ty được chuyển đến một tổ chức phi chính phủ có tên là Peruvian Hearts cung cấp học bổng cho phụ nữ địa phương.
Tại Mỹ, một số công ty khác cũng hoạt động trong linh vực kinh doanh sản phẩm từ lông của lạc đà alpaca. James Budd ra mắt Alpacas of Montana vào năm 2006 sau một thời gian làm việc trong ngành chỉnh hình. Anh đã tìm thấy một chuyên gia về alpaca ở Kalispell (Montana), đầu tư 100.000 USD vào đàn alpaca đầu tiên và thu lời khi bán alpaca con và lông của chúng 9 tháng sau đó.
Khoảng năm 2008, Budd chuyển từ chăn nuôi sang sản xuất các sản phẩm từ lông lạc đà alpaca, bắt đầu với sản phẩm mũ. Sau đó, anh học cách biến sợi thành quần áo. 16 năm sau, công ty của Budd kinh doanh hơn 60 sản phẩm khác nhau và anh luôn tập trung vào việc giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất, một phần bằng cách tận dụng tất cả số lông thu được.
Theo Budd, lợi thế chính của lông từ alpaca không cần nhiều hóa chất để làm sạch trong quá trình xử lý. Việc này giúp giảm thiểu lượng hóa chất thải ra môi trường.
Budd cho biết sợi từ lông của alpaca chỉ cần một chất tẩy tự nhiên có thể phân hủy sinh học để xử lý và chuẩn bị cho quá trình sản xuất hàng dệt. Ngoài ra, phân của alpaca cũng tạo ra một loại phân bón tuyệt vời, thân thiện với môi trường.
Nguồn: Bloomberg