Những chiếc bẫy nguy hiểm với doanh nghiệp Việt trong phát triển bền vững: Đối phó ngắn hạn và marketing "tẩy xanh" bản thân!

Quỳnh Như | 16:48 12/04/2023

Trách nhiệm với xã hội – môi trường của doanh nghiệp nên là một chiến lược phục vụ cho xây dựng thương hiệu và lợi thế cạnh tranh, chứ không phải công cụ marketing để ‘tẩy xanh’ bản thân.

Những chiếc bẫy nguy hiểm với doanh nghiệp Việt trong phát triển bền vững: Đối phó ngắn hạn và marketing "tẩy xanh" bản thân!
Ông Phạm Phú Ngọc Trai và Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Thành viên HĐQT PNJ - Phó chủ tịch Hawee

Phát triển bền vững là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây, tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp tại Việt Nam đều hiểu thấu đáo về nó. Trong tập 4 chương trình “Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk” thuộc chuỗi sự kiện Giải thưởng Thương hiệu vàng, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch GIBC, chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã chỉ ra rất nhiều ‘cái bẫy’ nguy hiểm mà các doanh nghiệp Việt có thể mắc phải nếu chỉ hiểu hời hợt về phát triển bền vững.

Phát triển bền vững sắp là điều bắt buộc phải làm

Người ta thường bảo, phát triển bền vững phải dựa vào 3 trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường. Đầu tiên, là phải kinh doanh hiệu quả - có lời rồi mới nói đến câu chuyện không gây hại đến môi trường – phát triển xã hội. Vì một doanh nghiệp càng làm càng lỗ thì sẽ chết sớm, không còn ‘liên quan’ đến từ bền vững nữa.

Vậy nên, với các startup, ưu tiên đầu tiên vẫn là sống sót, chứ không phải vấn đề môi trường hay xã hội. Không phải các startup không cần làm mà sẽ làm sau, khi đã có nền tảng kinh doanh vững vàng, có nguồn lực”, ông Phạm Phú Ngọc Trai mở đầu câu chuyện.

Trách nhiệm với xã hội – môi trường tức là kinh doanh hiệu quả, không gây hại đến môi trường và phát triển xã hội. Với xu hướng phát triển của xã hội, đây không còn là điều cần làm như trước đây mà sẽ là bắt buộc làm, theo luật định.

Rác thải từ bao bì nhựa là vấn đề nhức nhối khi Việt Nam đứng top 4, top 5 của thế giới. Để chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Phạm Phú Ngọc Trai cùng 9 doanh nghiệp trong ngày giải khát – sữa (những ngành tạo ra nhiều rác thải nhựa nhất) đã thành lập PRO Việt Nam vào 2019. Hiện PRO Việt Nam đang có khoảng 20 thành viên.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)

Khoảng 3 - 4 năm trước, giải pháp chủ yếu mà các doanh nghiệp đưa ra là đóng phí môi trường chung chung, nhưng nay đã có những quy định cụ thể. Ví dụ: trách nhiệm của các nhà sản xuất ở hiện tại và tương lai sẽ là ‘một năm sản xuất ra bao nhiêu chai nhựa thì sẽ phải thu về bấy nhiêu, nếu không tự thu gom được thì phải trả tiền để người khác thu gom và xử lý để chúng không gây hại đến môi trường nữa”.

Phát triển bền vững còn giúp tăng uy tín thương hiệu và tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm/dịch vụ trên thị trường. Hiện tại, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi rất nhiều. Giờ người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm vì nó ‘ngon bổ rẻ’, mà còn vì tin vào thương hiệu của nhà sản xuất. Không hiếm người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền cho mức giá cao so với trung bình thị trường để ‘mua’ hàng vì thích thương hiệu nào đó!”, Chủ tịch PRO Việt Nam chia sẻ.

Ông Trai kể lại một câu chuyện hơi vĩ mô để chứng minh phát triển bền vững hay ‘kinh tế xanh’ đang tác động tới kinh doanh mạnh mẽ như thế nào.

Cuối năm 2022, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt đã sụt giảm từ 50% đến 60%; nhiều đơn hàng mà ta bị mất đã lọt vào tay các doanh nghiệp Bangladesh. Theo đó, Bangladesh đã soán ngôi Việt Nam để trở thành nước xuất khẩu may mặc đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.

Vì sao Việt Nam lại bị tụt hậu như thế? Vì Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt như Bangladesh. Không phải ngành may mặc Việt không có công ty có ‘chứng nhận xanh’, mà vì số lượng của chúng ta không nhiều bằng nước bạn, khi 9/10 doanh nghiệp trong ngành may mặc Bangladesh có ‘chứng nhận xanh’. Họ có ‘chuỗi cung ứng xanh’ còn chúng ta thì chưa.

Một trong những đại diện tiêu biểu của Việt Nam trong mảng ‘thời trang xanh’ chính là FASLINK. Nhưng rất tiếc doanh nghiệp này chỉ là thiểu số trong chuỗi cung ứng ở ngành dệt may Việt.

Tham quan FASLINK, đại diện tiêu biểu của Việt Nam trong mảng ‘thời trang xanh’

FASLINK là một đơn vị Việt Nam sản xuất được chiếc sơ mi từ bã cà phê. Họ đã mất 7 năm để tạo ra thành tựu này. Sau khi có vải làm từ bã cà phê và các thành phần khác, FASLINK mất thêm khoảng 1 năm để tìm bề mặt phù hợp với sơ mi, mất tới 3 lần chỉnh sửa để đạt chỉ số nhằm có thể thương mại hóa được.

Hiện tại dòng sản phẩm sử dụng vải từ bã cà phê chiếm 50% sản lượng của FASLINK, vì nó mang đến những tính năng nổi trội như khử mùi, thấm hút tốt, nhanh khô và không nhanh. Vải từ vỏ hàu cũng chống nắng và mau khô, nhưng có thêm ưu thế khác chỉ nó mới có, như chống tĩnh điện.

Tôi vẫn không dám nói là chúng tôi có thể cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp toàn cầu, chỉ mong ước sẽ trở thành đối trọng với họ, nên luôn cố gắng đi sâu đi sát tất cả các mắc xích - công đoạn trong ngành công nghiệp này”, bà Phú Xuân - Giám đốc công ty FASLINK bày tỏ.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, một ví dụ nữa cho việc lấy chữ ‘xanh’ làm lợi thế cạnh tranh là hãng Taxi Xanh SM của Vingroup. Theo đó, việc sử dụng năng lượng xanh sẽ là yếu tố khác biệt trong định hướng phát triển kinh doanh của Vingroup khi so sánh với Grab hay GoJek; chưa kể đến chuyện giá cả hoặc đãi ngộ của tài xế.

Phát triển bền vững là chiến lược, chứ không phải công cụ

Vậy phát triển bền vững là công cụ hay chiến lược kinh doanh dài hạn? Thật ra, nếu tách nhỏ mục tiêu – chương trình – hành động, thì phát triển bền vững cũng giống như bất cứ công cụ nào trong marketing.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xem phát triển bền vững chỉ là công cụ marketing và chuyện đóng góp cho môi trường – xã hội không gắn tới mục tiêu kinh tế; dễ gây ra nhiều nhầm lẫn dù anh không cố tình dẫn dắt sai. Vậy DN nên xem CSR là chiến lược quan trọng giúp kinh doanh hiệu quả trong dài hạn, thay vì công cụ đối phó với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Phát triển bền vững có chủ đích nằm trong trụ cột về phát triển kinh tế - xã hội, thoạt nghe nó có vẻ giáo điều nhưng lại là điều cụ thể hết sức cần thiết cho công việc kinh doanh. Nhưng để CSR có thể giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thì phải biết quản trị tốt (ESG).

Câu chuyện về phát triển thương hiệu bền vững dần được “gỡ nút thắt” cùng 2 thế hệ doanh nhân.

"Tôi nhấn mạnh lại lần nữa: phát triển bền vững tức là kinh doanh có hiệu quả và không ảnh hưởng xấu đến môi trường và nếu có thì phải trả phí cho những tác động xấu nếu có trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp cho rằng: nếu họ thực hiện đúng trách nhiệm xã hội - như ‘trả phí môi trường’ hoặc dùng nguyên liệu từ tái chế/có thể tái chế, sẽ tăng chi phí sản xuất và phải tăng giá sản phẩm không tốt cho câu chuyện bán hàng; tức là đang nguỵ biện cho việc ‘họ không muốn đầu tư cho tương lai vì những gì mà họ đã làm mất trong hôm nay’.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta xem phát triển bền vững là công cụ dễ dẫn tới bị quy kết là đang ‘tẩy xanh’. Ở Việt Nam, không hiếm công ty làm nhiều chương trình trồng cây – tặng quà cho người yếu thế trong xã hội này nọ, nhưng lại nợ tiền của đối tác, nợ tiền bảo hiểm của nhân viên, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng… Đây chính là ví dụ tiêu biểu của ‘tẩy xanh’”, ông Phạm Phú Ngọc Trai phân tích.

"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những chiếc bẫy nguy hiểm với doanh nghiệp Việt trong phát triển bền vững: Đối phó ngắn hạn và marketing "tẩy xanh" bản thân!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO