Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Để xuất khẩu được mô hình ra nước ngoài, Founder nên có thêm các Co-Founder và liên tục nâng cấp bản thân

Quỳnh Như | 16:41 10/01/2023

Thế giới đã không còn quá chú trọng việc xuất khẩu sản phẩm, nguyên liệu thô mà hướng tới xuất khẩu thương hiệu và mô hình kinh doanh. Tại Việt Nam, muốn làm được điều đó, Founder nên tìm thêm các Co-Founder vì làm một mình sẽ rất mệt và rất lâu; đồng thời Nhà sáng lập cũng phải thường xuyên nâng cấp bản thân, vì ‘nếu Founder không scale-up bản thân thì rất khó để scale-up doanh nghiệp”.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Để xuất khẩu được mô hình ra nước ngoài, Founder nên có thêm các Co-Founder và liên tục nâng cấp bản thân
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á

XU HƯỚNG XUẤT KHẨU MÔ HÌNH/THƯƠNG HIỆU TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

Trong Tập 3 chương trình 'Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk' thuộc chuỗi sự kiện Giải thưởng Thương hiệu vàng; chuyên gia Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á đã có rất nhiều chia sẻ gan ruột với PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM về đề tài ‘xuất khẩu mô hình/thương hiệu”.

Trong khi cả thế giới đã chú tâm làm sao không xuất khẩu sản phẩm nữa mà chuyển sang xuất khẩu giá trị và mô hình; thì Việt Nam mình vẫn ít người quan tâm tới câu chuyện này. Đó là nỗi đau của tôi! Khi chúng ta xuất khẩu mô hình/thương hiệu, về mặt giá trị sẽ tăng lên gấp 10, gấp 100 lần. Đây là giá trị cộng thêm từ trí tuệ!

Theo đó, không chỉ người ta mua sản phẩm của mình, mà còn phải trả tiền để sử dụng thương hiệu, tăng giá trị xuất khẩu cho tất cả các doanh nghiệp. Tức là, ngay từ khi khởi sự kinh doanh, chúng ta phải hướng đến xây dựng thương hiệu và mô hình để xuất khẩu, chứ không xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm như trước nữa”, chị Nguyễn Phi Vân cho hay.

Trước giờ, Việt Nam mình toàn xuất thô. Ví dụ trong ngành cà phê, chúng ta chủ yếu xuất cà phê nhân – cà phê xanh và đến cà phê hoà tan là hết. Còn trên thế giới, người ta đã xuất khẩu thương hiệu như Starbucks, Coffee Bean & Tea Leaf, OLDTOWN White Coffee. Mô hình OLDTOWN White Coffee đơn giản thể hiện cách uống cà phê của người bản địa Malaysia, nhưng họ đã xây dựng được mô hình kinh doanh từ đó và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, tạo ra giá trị thặng dư lớn.

Ngoài nông sản, Việt Nam còn thế mạnh về may mặc/giày da và 2 mặt hàng này đều có thể xuất được mô hình. Tất nhiên, người ta mua mô hình/thương hiệu của mình thì phải mua nguyên liệu, bán sản phẩm theo con đường này giá trị tăng lên rất cao.

screenshot_20230110_063003.png
PGS.TS Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB là người dẫn dắt trong tập 3 "Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk"

Với sự vắng mặt của thương hiệu Việt ở các trung tâm thương mại ở Đông Nam Á và trên thế giới, chuyên gia Nguyễn Phi Vân mong các startup và SMEs thay vì tập trung vào sản xuất để tạo ra sản phẩm, thì nên cộng thêm trí tuệ để tạo ra thương hiệu/mô hình, nhằm vươn ra biển lớn. 

XUẤT KHẨU MÔ HÌNH/THƯƠNG HIỆU KHÓ HAY DỄ?

Vậy xuất khẩu mô hình/thương hiệu khó hay dễ? Theo quan điểm của tôi là vừa rất khó vừa rất dễ!

Muốn có một mô hình/thương hiệu có thể xuất khẩu, DN cần xây dựng bài bản và sử dụng khả năng của mình để có thể tạo nên nó từ nguyên vật liệu thô. Ví dụ: từ gà tươi, chúng ta phải chế biến để trở thành sản phẩm tiện dụng sử dụng được ngay; rồi tiếp tục tìm các giải pháp để có thể có 1 bữa ăn từ gà tại nhà; tiến hóa cuối cùng trong chuỗi giá trị là làm sao mình có thể phục vụ người tiêu dùng ngay lập tức từ gà.

Hiểu được điều đó, DN phải lên kế hoạch xây dựng qua từng bước - từ sản xuất tới giải pháp, chứ không dừng lại ở sản xuất thô. Cái này khó, vì cần tư duy – cần thử nghiệm và đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.

Nhưng nó cũng rất dễ, bởi nếu có tư duy đó ngày hôm nay, ngay lập tức chúng ta có thể xây cho mình được mô hình. Như thế, cả một SMEs có tiềm năng hạn chế và nguồn lực nhỏ, vẫn có thể xây được cho mình mô hình và xuất khẩu nó đi ra thế giới”, vị Chủ tịch này phân tích.

Vậy nên, đôi khi, DN vẫn tăng trưởng tốt mà không cần sở hữu bất cứ bất động sản, cửa hàng hay nhà máy nào cả. Có rất nhiều DN tại Singapore – Malaysia như thế: sau khi xây thương hiệu/mô hình xong, thì họ bán tất cả tài sản còn lại và chỉ giữ thương hiệu để xuất khẩu ra thế giới mà thôi. Tất cả mọi người trên thế giới phải đi mua và trả tiền cho họ để sử dụng thương hiệu đó.

screenshot_20230110_063257.png

Không hiếm trường hợp, người mua phải trả 500.000 đến 1 triệu USD để sử dụng thương hiệu của họ trong 1 năm hoặc 5 năm. Rồi sau đó phải mua toàn bộ sản phẩm và nguyên vật liệu từ DN đó để có thể kinh doanh. Tức là, lúc đó, các DN ở 2 nước bạn xuất khẩu được sản phẩm, nguyên vật liệu, thương hiệu và mô hình. Đây là 1 cách xuất khẩu siêu hạng!

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC DN VIỆT

Cụ thể hơn, theo trải nghiệm của chị Nguyễn Phi Vân trong nhiều năm làm Nhà đầu tư ‘thiên thần’ và cố vấn doanh nghiệp, thì các DN Việt thường gặp vài thách thức lớn khi muốn đi theo xu hướng này.

Thử thách đầu tiên là về tư duy. Bởi nếu chúng ta không nhận thức được ‘mình phải xây mô hình/thương hiệu ngay từ đầu thì sản phẩm mình sản xuất ra mới bán giá cao hơn giá gốc gấp 100 lần’, thì rất khó để làm. Thay vì bán cà phê nhân xanh mãi mãi thì mình nên hướng tới việc bán ly cà phê được pha chế ngon nhất có thể và trải nghiệm khách hàng xuất sắc nhất có thể.

Tức khi bắt đầu kinh doanh, mình phải đặt đề bài: phải làm sao để tăng giá trị sản phẩm lên gấp 10 lần thay vì 1 đến 2 lần trong thời gian ngắn. Bất kỳ sản phẩm nào, từ phở/bún/chả cá/con gà/cà phê…đều có thể làm thương hiệu và xây mô hình.

Thách thức tiếp theo, để xuất khẩu được thương hiệu/mô hình, thì mình phải đóng gói bài bản; trong khi các SMEs của Việt Nam thường thiếu kiến thức - kỹ năng. Hầu hết SMEs Việt Nam làm rất tốt chuyện sản xuất, nhưng không biết làm dịch vụ, không biết xây mô hình, không biết thiết kế/đóng gói như thế nào để bán thương hiệu…

screenshot_20230106_013950.png
Vẫn còn rất nhiều thách thức dành cho DN Việt Nam khi xuất khẩu thương hiệu/mô hình kinh doanh.

Khi xây dựng – thiết kế thương hiệu, chúng ta cần lưu ý 3 điều sau:

Thứ nhất là uy tín thương hiệu. Khi người ta muốn cộng tác hoặc nhận quyền thương hiệu của mình, người ta thường tìm kiếm xem công ty/thương hiệu này trước giờ có ‘phốt’ gì không, có trả thuế đầy đủ không, có làm gì gian dối với khách hàng và nhà đầu tư không…?

Uy tín là cực kỳ quan trọng, chúng ta phải suy nghĩ theo hướng “làm thương hiệu là phải bền vững, sống được 100 năm chứ không phải ‘sớm nở, tối tàn’”.

Thứ hai, uy tín và giá trị của Founder – Người sáng lập thương hiệu. Bởi vì, trước khi nhận quyền, nhà đầu tư cũng sẽ đi tìm hiểu về người chủ. Ví dụ trước giờ, bà Nguyễn Phi Vân có làm gì khuất tất, có giữ uy tín khi làm việc hay không?…

Thứ ba, mô hình nên có hiệu quả về tài chính. Chúng ta phải thật sự để tâm về tính hiệu quả: nếu chúng ta xây mô hình như vậy thì sẽ mang lại lợi ích tài chính gì cho Nhà đầu tư?; nếu chúng ta bán thương hiệu cho họ trong từng ấy năm - nếu tính chi phí cộng thêm (như phí nhượng quyền), thì họ có lãi hay không?... Và chúng ta phải chắc chắn: khi mình xuất khẩu thương hiệu/mô hình, thì nhà đầu tư nước ngoài nhận quyền phải sống được lâu dài.

Nếu như mọi người có nhận thức này và SMEs được hỗ trợ bằng cách nào đó – ví dụ ở các nước khác sẽ có Chính phủ hỗ trợ hay công ty hỗ trợ tăng tốc chuyên hỗ trợ các bạn đóng gói mô hình để xuất khẩu, các SMEs Việt sẽ làm rất tốt”, chị Nguyễn Phi Vân bày tỏ.

Thách thức cuối cùng: khi xây dựng thương hiệu/mô hình cần rất nhiều thời gian, sự nỗ lực và tập trung.

screenshot_20230106_012032.png

Như đã nói ở trên, DN Việt Nam thiếu kỹ năng – kiến thức – khả năng đóng gói mô hình; nên để đi xa phải đi cùng nhau. DN không nên chỉ có 1 Nhà sáng lập mà phải là 2 đến 3 Nhà sáng lập, một người 1 chuyên môn khác nhau thì startup mới phát triển nhanh.

Nhà sáng lập phải tìm nhiều Đồng sáng lập, như người có khả năng đóng gói mô hình, người có khả năng bán hàng trên toàn thế giới, người có người chuyên về tài chính để phân tích xem mô hình như thế nào mới có thể phát triển bền vững… Cách tốt nhất, nhanh nhất và dễ nhất để đi nhanh là phải có 1 nhóm Nhà sáng lập, nếu chỉ một người sẽ làm rất lâu.

Ngoài ra, nhà sáng lập và Chủ sở hữu phải liên tục nâng cấp bản thân. Tôi thường hay nói: ‘Nếu Nhà sáng lập không scale-up bản thân thì rất khó để scale-up doanh nghiệp’. DN muốn đi ra thế giới, thì Founder phải có tư duy toàn cầu và phải có khả năng làm việc toàn cầu, có khả năng đứng trước các nhà đầu tư quốc tế nói về câu chuyện kinh doanh của mình một cách hết sức tự tin…”, chị Nguyễn Phi Vân khuyến nghị.

Và trong tất cả, theo chị, cái khó nhất vẫn là tư duy, bởi một khi chúng ta đã ‘nhấn nút on’ thì có cả vạn cách làm khác nhau.

Bên cạnh đó, dù ở trong ngành nào, chúng ta cũng có thể xây dựng mô hình/thương hiệu để xuất khẩu. Tại Việt Nam, nông nghiệp là ngành trọng điểm. Tuy nhiên, trước đây, chúng ta thường chỉ sản xuất nguyên liệu thô, còn bây giờ phải phát triển nó thành sản phẩm hoàn chỉnh và giải pháp; sau đó, biến nó thành mô hình phục vụ trực tiếp người tiêu dùng đầu cuối.

Thật ra, nếu xét kỹ, đây chỉ là một cách để tăng tốc và mở rộng (scale-up) ra thị trường quốc tế. Nếu chúng ta hiểu đúng như thế, thì ai và ngành nghề nào cũng có thể làm, dù là Tập đoàn hay startup, thậm chí một cá nhân đang khởi nghiệp cũng làm được.

Hơn nữa, cách scale-up bằng cách xuất khẩu thương hiệu/mô hình đã được các DN trên khắp thế giới làm 100 năm qua. Tất cả thương hiệu/mô hình lớn được xuất khẩu ra khắp thế giới đều từ SMEs mà ra. Ngay cả những ‘ông lớn’ như Starbucks, McDonald's hay KFC đều từ những ‘ông nhỏ’ mà ra; vì người ta biết cách thiết kế mô hình nên xuất khẩu và nhân rộng mô hình rất nhanh. Xuất khẩu mô hình/thương hiệu là cách để scale-up, tăng tốc và mở rộng thị trường quốc tế dễ dàng nhất có thể - đặc biệt là cho các SMEs.

Hoặc nói cách khác, trong 100 năm qua, nhiều DN nhỏ/siêu nhỏ trên khắp thế giới đã thành công khi chọn phương cách này để scale-up, thì chẳng có lý do gì người Việt không sử dụng nó để đi ra quốc tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Để xuất khẩu được mô hình ra nước ngoài, Founder nên có thêm các Co-Founder và liên tục nâng cấp bản thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO