Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh Châu Âu tài trợ và được đồng thực hiện bởi các tổ chức Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Oxfam tại Việt Nam trên địa bàn 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum trong giai đoạn từ 2020- 2023.
Ngày 11/12, các tổ chức đồng triển khai dự án phố hợp với Trường đại học lâm nghiệp tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kinh nghiệm triển khai Giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số từ quỹ đất do các Nông trường, Lâm trường quốc doanh bàn giao về địa phương”.
Theo đó, hội thảo đã chỉ ra những kinh nghiệm rút ra trong 3 năm triển khai dự án trên địa bàn 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum.
Thứ nhất, sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp là hết sức quan trọng, trong đó UBND tỉnh, UBND huyện là đầu mối chỉ đạo cho tất cả các hoạt động của dự án được thuận lợi. Trong bối cảnh đất lâm nghiệp và rừng hiện do UBND các xã đang tạm quản lý chưa được tỉnh hoặc các huyện lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất sẽ rất khó khăn khi triển khai dự án. Khi Nhà nước chưa chính thức ban hành chính sách cụ thể về quản lý, sử dụng đối với diện tích đất/ rừng mà UBND các xã đang tạm quản lý thì sự linh hoạt điều hành của UBND các tỉnh đối với diện tích này để thực hiện các dự án trước mắt là hết sức quan trọng.
Thứ hai, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành chức năng ở tỉnh, huyện, xã trong việc cung cấp tài liệu, bản đồ các loại liên quan đến giao đất; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hỗ trợ cộng đồng trong giao đất giao rừng (GĐGR) thực sự cần thiết. Thực tế triển khai GĐGR ở 2 tỉnh dự án, các bộ phận/ đơn vị này hỗ trợ rất nhiều cho dự án..
Thứ ba, sự tham gia của người dân trong các cộng đồng thôn/ bản sẽ quyết định cho sự thành công trong mọi hoạt động liên quan đến GĐGR như phối hợp khảo sát thực địa, điều tra đất đai/ tài nguyên rừng, tập huấn kỹ thuật nâng cao năng lực, bàn bạc, thảo luận trong các buổi họp dânvề thực trạng quản lý rừng ở địa phương,đóng góp ý kiến cho phương án giao rừng...
Thứ tư, các cuộc họp thôn là công cụ quan trọng trong suốt tiến trình GĐGR. Khi tổ chức họp thôn cần chuẩn bị nội dung cụ thể. Các thông tin truyền tải cho người dân phải đảm bảo một cách đầy đủ, minh bạch, rõ ràng. Người thực hiện chương trình phải lắng nghe các ý kiến của tất cả các thành viên trong thôn đóng góp, không áp đặt, không hứa suông, không phân biệt đối xử, nhất là ý kiến của những người yếu thế về sự công bằng cần được tôn trọng. Các vấn đề quan trọng cần phải được người dân trong thôn biểu quyết để đảm bảo sự đồng thuận.
Thứ năm, công việc sơ thám hiện trường là hoạt động ưu tiên trước khi tiến hành đo đạc, xác định ranh giới đễ nắm rõ thực trạng quản lý đất đai, tài nguyên, hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nương rẫy...của các hộ liền kề rừng cộng đồng. Khi tổ chức đi sơ thám cần thông báo trước cho các hộ dân để cùng phối hợp xác nhận ranh giới của các chủ sử dụng đất hợp pháp và không hợp pháp. Qua đó cùng thống nhất/ xác nhận phạm vi, ranh giới sử dụng đất giữa các bên và cùng ký biên bản tại thực địa .
Thứ sáu, quá trình đi sơ thám cần ghi chép những điểm bất thường, sự khác biệt giữa bản đồ kế hoạch giao rừng và thực địa. Sau khi sơ thám cần có cuộc họp thôn hoặc thông báo qua loa truyền thanh về kết quả sơ thám, đề xuất chính quyền địa phương xử lý các tồn tại và lên kế hoạch triển khai các công việc ngoại nghiệp tiếp theo. Lưu ý cần có biên bản xác nhận và chữ ký của các bên để làm bằng chứng xử lý các vụ việc có thể xảy ra trong và sau khi GĐGR cho cộng đồng.
Thứ bảy, nhất thiết phải tổ chức hướng dẫn kỹ thuật (thông qua các buổi tập huấn) cho các thành viên tham gia GĐGR, đây là lực lượng quan trọng hỗ trợ cho các hoạt động đo đạc, điều tra rừng, phân giới cắm mốc. Họ sẽ hỗ trợ đắc lực cho Tổ công tác và đơn vị tư vấn trong các hoạt động hiện trường và tính toán nội nghiệp. Qua đó cũng góp phần nâng cao năng lực và nhận biết về rừng, khả năng phân tích, tính toán... cho các thành viên tham gia, đặc biệt là các thành viên từ cộng đồng, những người mà sau giao rừng có thể được người dân trong thôn bầu vào Ban quản lý rừng cộng đồng.
Thứ tám, cần kết hợp giữa triển khai giao rừng với việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng, lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đảm bảo được sự tham gia và đồng thuận của nam, nữ tại cộng đồng, hướng dẫn dân bản lập kế hoạch bảo vệ rừng . Đây là công việc hết sức cần thiết khi mà địa phương chưa có điều kiện để thực hiện. Việc lập kế hoạch quản lý rừng sẽ làm tăng tính chủ động của cộng đồng để quản lý rừng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực thông qua các hoạt động được đưa vào kế hoạch như làm giàu rừng bằng các loài cây có giá trị, phát triển các loài lâm đặc sản dưới tán rừng để tạo nguồn thu cho cộng đồng (trồng bổ sung các loài cây bản địa quí hiếm như Trắc, Hương, Cẩm, Sao đen, Xoan mộc, Nhội, Sa nhân tím...).
Thứ chín, việc rà soát đất lâm nghiệp và rừng được thực hiện bởi các công ty lâm nghiệp chưa sát thực tế, chưa khớp với dữ liệu đất đai của ngành TNMT, chưa đảm bảo tính khách quan. Còn khá nhiều tồn tại như chồng lấn chủ sử dụng, hiện trạng rừng thay đổi, nương rẫy đan xen với rừng...Do đó, việc rà soát cần được thực hiện theo cơ chế liên ngành và có sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương ở khu vực lân cận/giáp ranh. Điều này nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan về kết quả trong quá trình rà soát, hạn chế tối đa sự sai khác về hiện trạng sử dụng đất giữa bản đồ và thực địa.
Thứ mười, mặc dù quy trình hướng dẫn GĐGR được phân ra các bước công việc cụ thể, tuy nhiên người thực hiện cần linh hoạt có thể phối hợp cùng lúc các hoạt động để thúc đẩy tiến độ, tiết kiệm chi phí và rút ngắn được thời gian tác nghiệp. Chẳng hạn khi đi sơ thám xác định ranh giới rừng , khi chốt các vị trí về ranh giới RCĐ thì người dân có thể phát ranh giới phục vụ đo đạc, làm các biển báo, cắm mốc phụ, ký xác nhận giữa các chủ rừng liền kề...
Cuối cùng, kinh nghiệm thứ 11 được dự án rút ra là việc khi xây dựng phương án GĐGR, nhất thiết phải rà soát, đối chiếu với kế hoạch sử dụng đất của địa phương, định hướng phát triển kinh tế xã hội để tránh giao rừng trên diện tích đã được quy hoạch (hoặc định hướng/ tầm nhìn) về phát triển KT-XH của địa phương, tránh lãng phí về thời gian, nhân lực, kinh phí và đảm bảo hiệu quả của chương trình GĐGR.