Năm 2002, Yahoo đã từ chối mua lại Google với giá 3 tỷ USD vì chê đắt, để rồi sau này phải hối hận và sụp đổ. Giờ đây Google, công cụ tìm kiếm số 1 thế giới cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.
Theo tờ Fortune, Alphabet (Google) từng là một tập đoàn công nghệ tuyệt vời cho đến khi sự ngủ quên trên chiến thắng ru ngủ ban giám đốc, khiến họ tuyển dụng mù quáng, biến đế chế này thành một tổ chức quan liêu, kém hiệu quả và chỉ giật mình nhận ra khi Microsoft quá thành công với ChatGPT.
Đồng quan điểm, tờ Forbes cũng cho biết Google có thể trở thành Yahoo thứ 2 khi không chịu đổi mới công nghệ, sản phẩm, qua đó đánh mất vị thế dẫn đầu thị trường.
Vào năm 2004, Google đã vượt qua Yahoo về tổng mức vốn hóa thị trường chỉ sau 2 tháng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là một cú tát với Yahoo khi chỉ 2 năm trước đó, công ty này đã từ chối mua lại Google với giá 3 tỷ USD vì chê đắt.
Quan liêu
Những lời chỉ trích trên được vô số cựu nhân viên Google đã từng đóng góp nhiều năm cho công ty đồng tình, một trong số đó là Praveen Seshadri, cựu kỹ sư phần mềm của hãng này.
Theo Seshadri, anh gia nhập Google kể từ khi công ty mua lại startup AppSheet do mình đồng sáng lập vào năm 2020 theo như thỏa thuận, nhưng rồi bị đuổi việc không thương tiếc trong động thái cắt giảm 12.000 lao động của Alphabet đầu năm 2023.
Trong bài đăng dài của mình trên Medium, vị kỹ sư phần mềm, đồng thời là nhà khởi nghiệp này chỉ trích Google đang mất dần phương hướng với bộ máy hành chính quan liêu, cồng kềnh, không nhận ra người dùng mới là thứ quan trọng nhất. Mặc dù công cụ tìm kiếm số 1 thế giới này vẫn giữ được giá trị cơ bản là tôn trọng người dùng nhưng sai lầm thì đã diễn ra ở mọi bộ phận trong công ty.
“Thật dễ hiểu khi mọi thứ tại Google đã đi chệch hướng trong nhiều năm bởi vì cỗ máy in tiền quảng cáo trực tuyến vẫn giúp công ty có lợi nhuận khủng, qua đó che giấu đi mọi rắc rối khác”, anh Seshadri than thở.
Theo nhà khởi nghiệp này, các nhân viên Google đi làm hàng ngày không phải để phục vụ người dùng, đối tượng khách hàng cuối cùng của hãng nữa mà là bộ máy bên trong của hãng, những quy định, các cấp quản lý, những dự án riêng của công ty cho đến những kỹ thuật mà Google có nhưng chưa chắc người dùng đã cần.
“Cho dù bạn có làm việc chăm chỉ hay thông minh trong một môi trường như vậy thì nó cũng chẳng đem lại giá trị cơ bản gì nữa, vì họ không còn phục vụ người dùng nữa rồi”, anh Seshadri ngậm ngùi.
Trước đây khi Google còn tập trung sáng tạo những giá trị mới thì văn hóa làm việc rất khác. Tuy nhiên anh Seshadri cho biết mọi chuyện đã thay đổi khi Google trở nên quá lớn và bắt đầu chỉ tập trung soi mói những lỗi lầm, lo sợ bị vượt mặt thay vì sáng tạo.
“Mọi dòng code bạn viết, bất cứ sản phẩm nào ra mắt cũng sẽ bị đi qua từng tầng kiểm duyệt, quy trình, cấp phép... để đảm bảo không làm mất danh tiếng của công ty chứ không phải vì sự hứng thú mà nó sẽ đem lại cho người dùng”, anh Seshadri chia sẻ.
“Bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào với sếp cũng sẽ khiến bạn dễ dàng đánh mất sự nghiệp, vậy là mọi người chỉ biết nói ‘Có’ với cấp trên, rồi họ cũng làm điều tương tự với cấp trên nữa”, anh Seshadri tiết lộ thêm.
Bài viết dài của Seshadri trên Medium được tung ra đúng thời điểm nhạy cảm khi ChatGPT khiến Google bối rối, còn CEO Susan Wojcicki của Youtube vừa mới tuyên bố từ chức. Năm 1998, Wojcicki đã cho 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin thuê lại gara nhà mình để khởi nghiệp, sau đó chính bản thân bà cũng tham gia vào đế chế chế này.
Tuần trước, cổ phiếu của Alphabet đã giảm mạnh sau khi hãng “cố đấm ăn xôi” cho ra mắt chatbot Bard để cạnh tranh với ChatGPT của nhà Microsoft, để rồi cuộc thử nghiệm cho thấy chatbot này mắc nhiều lỗi.
Trên thực tế, Google đã đầu tư vào mảng trí thông minh nhân tạo từ rất sớm và khởi nguồn cũng là do nỗi sợ bị vượt mặt chứ chẳng phải vì mục tiêu phát triển cái mới vì người tiêu dùng.
Năm 2014, Amazon đã ra mắt trợ lý giọng nói Alexa khiến Google lo sốt vó, buộc công ty phải ra mắt trợ lý Assistant năm 2016 để đối đầu và tuyên bố sẽ tập trung phát triển trí thông minh nhân tạo (AI).
Thế nhưng đã 8 năm trôi qua và Google vẫn chậm chân trong mảng này khi để Microsoft vượt lên trước với thành công của ChatGPT.
Theo Forbes, Google đã từng ra mắt dịch vụ AI Duplex giả giọng nói người dùng nhưng chần chừ phát triển tiếp vì lo sợ những vấn đề về bản quyền, lỗi kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hãng. Thế rồi cơ cấu quan liêu, sợ rủi ro của một tổ chức quá cồng kềnh khiến hàng loạt nhân tài AI rời đi đã làm Google giờ đây ở vào vị thế khó xử.
Bất chấp những thách thức đó, anh Seshadri cho biết tập đoàn này vẫn chưa chịu nhận ra sai lầm của mình khi ban lãnh đạo vẫn coi Google là số 1, trong khi nhân viên thì chỉ dám âm thầm lắc đầu về sự kém hiệu quả của doanh nghiệp này.
Nỗi lo của Page
“Cái quái quỷ gì đang diễn ra tại đó vậy? Google đang chảy máu chất xám với tốc độ đáng kinh ngạc”, giám đốc Martin Casado của Andreessen Horowitz phải thốt lên trên Twitter.
Vào năm 2011 khi Larry Page còn làm CEO Google, ông đã lo sợ rằng đế chế mình gây dựng lên sẽ lâm vào tình cảnh quá lớn để rồi hoạt động mất hiệu quả và lại giống như Yahoo.
“Thật trớ trêu, những gì Larry Page từng sợ hãi thì nay lại đang diễn ra đúng như vậy”, cựu nhân viên 12 năm của Google, cô Claire Stapleton ngậm ngùi.
Một cựu kỹ sư làm việc được 7 năm tại Google xin được giấu tên nói với hãng tin CNBC rằng công ty giờ đây ngập tràn trong sự cạnh tranh về lợi nhuận và hiệu quả, sa thải những nhóm làm việc kém hoặc trái ý sếp. Những lý tưởng về việc tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, sáng tạo nên những sản phẩm tuyệt vời cho người dùng khi Google mời về làm việc nay đã chẳng còn ai tin nữa.
Đồng quan điểm, cô Stapleton cho biết các lãnh đạo Google trước đây khá thân thiện và gần gũi với nhân viên thì giờ đây, sự phân chia giữa cấp trên với cấp dưới là cực kỳ rõ ràng. Cô Stapleton đã từng muốn phản ánh sự thay đổi này với phòng nhân sự, nhưng kết cục là họ phái một nhân viên mới tốt nghiệp ra trường để nói chuyện với lời khuyên “hãy mời sếp của cô đi nhậu”.
Một trường hợp khác là cô Chelsey Glasson, trưởng nhóm nghiên cứu một dự án tại Google đã làm việc được 5 năm trước khi nghỉ việc.
Cô Glasson cho biết những vấn đề về phân biệc giới tính và kỳ thị phụ nữ mang thai đã được cô đưa lên phòng hành chính nhân sự, nhưng họ chỉ đáp ngắn gọn là “sẽ tìm hiểu”.
Phải đến khi cô thuê luật sư thì họ mới nghiêm túc vào cuộc, nhưng vẫn chẳng bao giờ phỏng vấn trực tiếp với Glasson để hiểu tình hình thực tế như nào.
“Tôi khá lo về những nhân viên mới vào làm ở Google nếu họ vẫn tin vào lý tưởng thay đổi thế giới mà công ty nói lúc mời về làm việc”, cựu kỹ sư Fong Jones từng làm việc 11 năm cho Google ngán ngẩm.
*Nguồn: Fortune, Forbes, CNBC