Vào đầu tuần, đậu tương đã nhảy vọt hơn 75 cents do những thông tin tiêu cực về vụ mùa tại Mỹ trong Báo cáo Cung cầu (WASDE) tháng 09 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Tuy nhiên, nguồn cung nới lỏng hơn tại Argentina là yếu tố đã thu hẹp đà tăng của giá trong những phiên tiếp theo.
Theo báo cáo, năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 2022/23 đã bị cắt giảm xuống còn 50,5 giạ/mẫu, thấp hơn 1,0 giạ/mẫu so với mức dự đoán trung bình của thị trường, và cũng nằm ngoài khoảng dự đoán.
Trong khi đó, diện tích thu hoạch đậu tương niên vụ mới cũng bị cắt giảm về mức 86,6 triệu mẫu, thấp hơn mức 87,2 triệu mẫu dự đoán trung bình.
Sự kết hợp của hai yếu tố này khiến cho sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của Mỹ dự báo chỉ đạt 4.378 triệu giạ, thấp hơn so với khoảng dự đoán.
Mặc dù việc số liệu năng suất đậu tương Mỹ bị cắt giảm gần như là điều chắc chắn, tuy nhiên, mức độ giảm mạnh hơn cả khoảng dự đoán là yếu tố đáng chú ý và là nguyên nhân chính lý giải cho đà tăng của đậu tương.
Nhờ ảnh hưởng từ diễn biến đậu tương, cả khô đậu và dầu đậu cũng đều tăng trở lại trong tuần trước.
Ép dầu đậu tương trong tháng 08 đã giảm 2,8% so với tháng trước xuống còn 165,5 triệu giạ, thấp hơn dự đoán trung bình của giới phân tích do một số nhà máy tiến hành bảo trì.
Tồn kho dầu đậu tương đã giảm 7,1% so với tháng 7 xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng, điều này đã góp phần thúc đẩy lực mua đối với dầu đậu trong tuần vừa rồi.
Ở hướng ngược lại, giá ngô đóng cửa với mức suy yếu nhẹ nhưng lại cho thấy những thay đổi quan trọng trong cơ cấu cung – cầu.
Giá bật tăng mạnh trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng từ báo cáo WASDE tháng 9 nhưng đã liên tiếp suy yếu trở lại đến hết tuần do sức ép về nhu cầu sụt giảm tại Mỹ.
Lúa mì Chicago cũng ghi nhận mức giảm hơn 1% trong tuần vừa rồi: diễn biến chính của mặt hàng này lại khá rung lắc do giá biến động mạnh nhưng vẫn ở trong khoảng đi ngang.
Lúa mì đang chịu tác động từ những yếu tố trái chiều trong tuần vừa rồi.
Hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đang lung lay tiếp tục là yếu tố hỗ trợ và khiến cho lúa mì trở thành mặt hàng duy nhất tăng giá trong phiên công bố báo cáo Cung – cầu vào thứ 2.
Ngược lại, Hãng tin Strategie Grains đã nâng dự báo sản lượng lúa mì mềm vụ đông của EU lên mức 124 triệu tấn, cao hơn so với mức 123 triệu tấn ước tính tháng trước. Điều này lại phản ánh nguồn cung nới lỏng hơn và tạo sức ép trở lại đối với giá.
Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo hôm nay (19/9) duy trì ổn định so với hôm qua, động thái áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường gạo Việt Nam sôi động hơn.
Giá lúa gạo hôm nay 19/9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động so với cuối tuần trước.
Hiện lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 5.400 – 5.600 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; OM 18 5.700 – 5.900 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang sau nhiều phiên điều chỉnh tăng của tuần trước: giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.300 – 8.350 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 8.950 – 9.050 đồng/kg.
Tương tự, giá mặt hàng phụ phẩm duy trì ổn định: giá tấm ở mức 8.400 – 8.500 đồng/kg, giá cám khô 8.000 – 8.200 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tăng mạnh.
Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 400 USD/tấn, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.