Nhờ sở hữu phân chim, một quốc gia giàu đến mức người dân hoang phí đồng tiền nhưng một ngày bỗng phá sản, sống nhờ viện trợ

Đinh Anh | 09:27 03/11/2022

Ở thời kỳ hoàng kim, một người dân ở đây có đến 4 chiếc ô tô. GDP bình quân đầu người xếp thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2019, mức GDP của quốc gia này thấp đến mức không đủ để mua 2 hậu vệ mới của Manchester City.

Nhờ sở hữu phân chim, một quốc gia giàu đến mức người dân hoang phí đồng tiền nhưng một ngày bỗng phá sản, sống nhờ viện trợ

Nauru (tên chính thức Cộng hoà Nauru) là hòn đảo được bao quanh bởi rặng san hô nằm ở Micronesia (tiểu cùng của châu Đại Dương), phía đông nam Thái Bình Dương, cách 25 dặm về phía nam của đường xích đạo. 

Có diện tích chỉ rộng khoảng 21km2, Nauru là quốc đảo nhỏ nhất thế giới, cũng là quốc gia nhỏ thứ 3 thế giới sau Vatican và Monaco. Hòn đảo này phân chia thành 14 quận và có khoảng 10.925 người sinh sống tính đến năm 2021. 

Quốc đảo Nauru

 Giàu nhất nhì thế giới nhở sở hữu phân chim 

Dẫu có diện tích khiêm tốn song đây từng là quốc gia giàu nhất thế giới nhờ sở hữu một nguồn tài nguyên độc đáo: Phân chim. 

Phân chim tích tụ từ nhiều thế kỷ trên hòn đảo này và tạo ra những quặng phosphate có thể được sử dụng để sản xuất phân bón mang lại lợi nhuận cao. Trong những năm 1970-1980, khai thác phosphate là nguồn thu nhập chính của quốc đảo này. Với giá phosphate cao, nhà kinh tế học Helen Hughes ước tính rằng GDP bình quân đầu người của Nauru vào năm 1075 là 50.000 USD, chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út. 

Mức thu nhập khổng lồ cho phép chính phủ không thu thuế và cung cấp các dịch vụ thiết yếu miễn phí gồm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc răng miệng, vận chuyển xe bus và giáo dục. Nếu một người Nauru cần chữa trị mà dịch vụ y tế trên đảo không đáp ứng, chính phủ sẽ trả tiền để đưa họ đến Australia. Ngoài ra ai đủ tiêu chuẩn theo quy định có thể đến Australia học đại học miễn phí, nhà ở do chính phủ sắp xếp có mức giá dưới 5 USD/tháng. 

Vào thời kỳ hoàng kim, mỗi người dân trên đảo từng có 4 chiếc ô tô. Nhiều cư dân đã nghỉ việc và chi tiêu mạnh tay, bao gồm cả các chuyến đi nghỉ mát và mua sắm đắt tiền, nhập khẩu siêu xe. Một người dân địa phương còn cho rằng: "Không nhiều người quan tâm đến việc đầu tư của mình có sinh lời hay không, những tờ tiền USD thậm chí còn được dùng làm giấy vệ sinh và cuộc sống mỗi ngày sống như những bữa tiệc". 

Trong ảnh, những đứa trẻ địa phương đang chơi ở một bãi biển gần công trình khai thác phốt phát bị bỏ hoang.

Kiếm được số tiền lớn từ hoạt động xuất khẩu phosphate nhưng không biết cách chi tiêu hợp lý, tài nguyên cũng dần cạn kiệt, Nauru bị bỏ lại với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề và không còn một nguồn thu nhập nào khác. 

Ngành thuỷ sản và nông nghiệp bị bỏ bê với hệ sinh thái bị tàn phá nặng nề trong khi mọi người vẫn còn đang quen với cuộc sống chỉ việc ăn chơi tiêu xài phung phí. Một nơi từng được mệnh danh là "Đảo dễ chịu" với thảm thực vật trù phú nay đã không còn. 

Thay vì tìm cách phát triển kinh tế, Nauru phẫn nộ khởi kiện đòi các công ty nước ngoài phải bồi thường cho việc gây ô nhiễm tại quốc gia này. Nauru thành công khi Australia đồng ý trả 2,6 triệu USD/năm trong vòng 20 năm, trong khi New Zealand và Anh trả một lần 12 triệu USD. Dẫy vậy con số này là không đủ với một quốc gia chẳng còn gì ngoài một hòn đảo ô nhiễm. 

Như một hệ quả tất yếu, Nauru bị phá sản khi không thanh toán nổi những khoản vay quốc tế. Năm 2016, tác giả Jonathan Liew từng viết trên Telegraph: “Đến cuối thế kỷ, Nauru đã gần như phá sản. Toàn bộ trung tâm hòn đảo đã bị tàn phá bởi việc khai thác dải (hình thức khai thác bằng máy đào theo tuyến). Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 90%". 

Năm 2019, Nauru là quốc gia có GDP thấp nhất nhì thế giới với mức 118 triệu USD. Số tiền này thậm chí không mua được hai hậu vệ mới của Manchester City. 

Quốc gia béo phì nhất thế giới 

Chìm trong sự giàu có, người dân địa phương từ bỏ lối sống truyền thống. Hệ quả là một cuộc khủng hoảng sức khỏe ập đến mạnh mẽ. 

 Là quốc gia nghèo đói, giờ đây Nauru lại được biết đến với sự thiếu thốn về sức khỏe. Theo World Factbook của CIA, năm 2016, 61% cư dân tại Nauru bị béo phì. Tình trạng xảy ra chủ yếu do chế độ ăn uống chủ yếu gồm mì gói, gạo trắng, soda và thực phẩm nhập khẩu chứa nhiều calo. Họ cũng tiêu thụ rất ít trái cây và rau quả. 

Thay vì trồng trọt và đánh bắt để kiếm thức ăn, việc mua thực phẩm đông lạnh và đóng hộp nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn nhiều. Theo Gazette Review, danh sách các quốc gia có tỷ lệ béo phì cao thay đổi qua từng năm nhưng Nauru vẫn luôn chiếm vị trí cao.

Nauru cũng là quốc gia có tỷ lệ bệnh tiểu đường nằm trong top đầu trên thế giới và trước đó còn được cho là có tỷ lệ bệnh cao nhất. Một phần nguyên nhân gây ra căn bệnh này xuất phát từ vấn đề béo phì. Chỉ cần đi bộ quanh hòn đảo cũng có thể thấy mọi người thừa cân và có sức khỏe kém như thế nào.

Tổng hợp 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhờ sở hữu phân chim, một quốc gia giàu đến mức người dân hoang phí đồng tiền nhưng một ngày bỗng phá sản, sống nhờ viện trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO