Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp chính sách khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, ông Powell cho biết “dữ liệu kể từ cuộc họp gần đây nhất cho thấy mức tăng lãi suất sẽ cao hơn dự kiến.”
Sau khi thực hiện mức nâng 75 điểm cơ bản 2 lần liên tiếp, lãi suất chuẩn của Fed dao động trong phạm phi 3,75% - 4%, từ mức gần bằng 0 vào tháng 3. Mặc dù vậy, nền kinh tế Mỹ lại chưa có những chuyển biến mà NHTW cần. Chi phí đi vay tăng cao đã khiến thị trường bất động sản hạ nhiệt, nhưng lạm phát vẫn tiếp tục cao nhất trong 40 năm.
Ông Powell phát biểu: “Chúng tôi nghĩ rằng lộ trình thắt chặt chính sách vẫn ở phía trước. Chúng tôi vẫn có dư địa để nâng lãi suất trước khi đạt đến mức đủ chặt chẽ.” Chủ tịch Fed cũng cảnh báo nhà đầu tư rằng con đường nâng lãi suất vẫn chưa kết thúc.
Ông nói: “Còn sớm để nghĩ đến việc tạm dừng”. Ngoài ra, ông lưu ý rằng thời điểm thích hợp để giảm tốc độ tăng lãi suất là “ngay sau cuộc họp tiếp theo hoặc cuộc họp sau đó.”
Cái khó của ông Powell báo hiệu sự chuyển đổi sang việc giảm tốc độ điều chỉnh chính sách, nhưng lại không nhắc đến việc Fed đã gần hoàn thành lộ trình thắt chặt. Ông đã đưa ra động thái tương tự khi cho biết lãi suất ở mức đỉnh sẽ cao hơn so với dự kiến của các quan chức vào tháng 9, ngay cả khi NHTW giảm tốc độ tăng khi gần đạt đến “đích”.
Phát biểu của ông Powell đã chuyển sự chú ý của thị trường sang đợt điều chỉnh lãi suất tiếp theo - khi mức tăng sẽ đạt đỉnh và liệu lãi suất sẽ ở mức cao như vậy trong bao lâu.
Erik Weisman - nhà kinh tế trưởng và giám đốc danh mục đầu tư tại MFS Investment Management, cho biết: “Đó là điều quan trọng nhất ở cuộc họp này. Tôi không quan tâm thứ gì khác.”
Cụm từ “đủ chặt chẽ” là nằm trong thông báo mới nhất của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Sau cuộc họp, FOMC đã thông báo rằng tốc độ nâng lãi suất trong tương lai “sẽ xem xét đến việc thực hiện nhiều đợt thắt chặt, những ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như sự phát triển kinh tế và tài chính.”
Quyết định của FOMC được giới chức đồng thuận, một số nhà kinh tế cho rằng thông báo trên giống như một sự thoả hiệp với những thành viên có ý kiến ngược lại. Tuy nhiên, ông Powell đã cẩn trọng khi phát biểu rằng điều này không thể hiện “bước lùi” nào trong cuộc chiến chống lạm phát. Ông lưu ý rằng, nếu có thì rủi ro cao sẽ là “thực hiện quá ít hành động”.
Ông cho biết trước báo giới: “Tôi muốn mọi người hiểu cam kết của chúng tôi trong việc hoàn thành lộ trình này và không mắc sai lầm về việc đưa ra hành động chưa đủ, hoặc sai lầm khi rút lại các chính sách được thắt chặt khi quá sớm.”
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt 3,5%, thấp nhất trong 5 thập kỷ, đây là một chỉ báo mà ông Powell theo dõi sát sao. Con số trên bất ngờ tăng vào tháng 9, khi tỷ lệ các vị trí công việc còn trống cho mỗi người chưa có việc làm là 1,9.
Chủ tịch Fed cũng gọi thị trường lao động chưa đạt mức cân bằng và bày tỏ sự thất vọng trước tình hình lạm phát kéo dài, dù giá một số hàng hoá đã bắt đầu giảm tốc.
Lần nâng lãi suất mới nhất của Fed diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ đang đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích từ đảng Dân chủ khi họ lo ngại rằng chi phí đi vay cao hơn sẽ thúc đẩy tỷ lệ thất nghiệp. Ông Powell cho biết rằng mức lạm phát thấp về lâu dài sẽ tốt hơn cho người dân Mỹ, ngay cả khi những tác động ngắn hạn khá căng thẳng.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng con đường dẫn đến mục tiêu “hạ cánh mềm” đang thu hẹp dần, do nhu cầu tăng cao và lạm phát vẫn chưa có chuyển biến tích cực khi lãi suất cao hơn.
Veronique de Rugy - nhà kinh tế học tại Mercatus Center thuộc Đại học George Mason, nhận định: “Ông Powell chịu rất nhiều áp lực về việc dừng hoặc tạm dừng thắt chặt. Tôi không nghĩ sẽ có lựa chọn nào khác ngoài việc tạo ra một cuộc suy thoái. Không có cách nào để thoát ra khỏi tình trạng lạm phát cao này mà không phải chịu những ‘cơn đau tột cùng’.”
Tham khảo Bloomberg