Chiều ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 25/5. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Theo NHNN, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều NHTW điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất. Trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) được đảm bảo. Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất.
Trong một báo cáo mới phát hành, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng việc hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn chi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chênh lệch hoán đổi (swap) giữa VND và USD hiện vẫn đang ở mức âm, tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Như vậy, rủi ro dòng vốn ngoại nóng chảy ra khỏi nền kinh tế khi lãi suất USD cao hơn cũng sẽ giảm đi so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất của chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023”, ACBS nhận định.
Đánh giá về quyết định mới nhất của NHNN, ông Trần Ngọc Báu- CEO Wi Group cho rằng, đây là động thái phù hợp trong bối cảnh sức khỏe kinh tế trong nước vẫn đang thể hiện dấu hiệu suy yếu rõ nét và cần sự hỗ trợ nhanh chóng. Đồng thời, quyết định giảm lãi suất là điều không bất ngờ vì thị trường đã truyền nhau thông tin này cả tuần nay.
Về tần suất giảm lãi suất, ông Báu đánh giá là không quá gấp gáp, bởi thống kê dữ liệu lịch sử cho thấy tần suất giữa những lần giảm lãi suất vào thời kỳ đầu chu kỳ giảm thường sẽ 1-2 lần/ tháng. Tuy nhiên, lần giảm lãi suất này cách lần trước gần 2 tháng, điều này thể hiện NHNN vẫn đang cẩn trọng khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất chính sách cũng đang tiệm cận vùng lãi suất thấp nhất trong lịch sử nên không gian giảm lãi suất không còn nhiều.
Theo ông Báu, với mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 3,5-5,5% như hiện nay, có thể nói dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Bởi nếu xét về mặt số học thì NHNN vẫn có thể đưa lãi suất chính sách về 0,5-1% để hỗ trợ nền kinh tế nếu tình hình quá căng thẳng.
Tuy nhiên xét về mặt hiệu quả tổng thể thì câu chuyện lại khác, để cân đối giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định lạm phát và kiểm soát tốt tỷ giá thì dư địa thực tế của Việt Nam lúc này lại không còn nhiều.
Với bối cảnh cung tiền yếu như hiện nay, ông Báu cho rằng, việc cố gắng chạy theo giảm lãi suất nhanh chóng so với xu hướng toàn cầu trong khi tỷ giá hiện tại vẫn còn nhiều ẩn số có thể phát sinh những rủi ro đảo ngược dòng vốn và gây ra những hệ lụy kép với kinh tế Việt Nam. Bởi nếu lúc này tỷ giá căng thẳng và NHNN phải quay trở lại bán USD ra nền kinh tế thì lượng cung tiền còn bị bóp nghẹt hơn nữa và lúc ấy việc mở rộng cung tiền sẽ càng trở lên thách thức.
"Nếu nói lãi suất là "giá" của tiền thì có thể hình dung cung tiền giống như "thanh khoản" vậy. Việc quá tập trung vào “giảm giá” trong khi “thanh khoản đóng băng” thì có thể hiệu quả mang lại không cao, gây lãng phí nguồn lực", vị chuyên gia này đánh giá.