*(bao gồm: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long)
Nếu như vùng Trung du miền núi phía Bắc quy mô kinh tế còn nhỏ; hoạt động hợp tác, kết nối với các địa phương ngoài vùng còn hạn chế với nhiều khó khăn về mặt địa lý, thì Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế lại phát triển chậm, thể chưa thịnh vượng, người dân nơi đây phần lớn chỉ mới "đủ ăn" mà chưa khá giả...
Tuy nhiên, ở mỗi vùng đều có các địa phương là ‘điểm sáng’ về tăng trưởng và sản xuất công nghiệp, đang từng bước vươn lên, nắm giữ thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về quy mô kinh tế của cả nước. Tại vùng Trung du miền núi phía Bắc là Thái Nguyên, Bắc Giang, và ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Long An.
Theo Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính Phủ, Thái Nguyên cùng Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai được tập trung phát triển trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm tạo hành lang kinh tế gắn với Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng.
Hiện nay, Thái Nguyên có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Hơn nữa, Thái Nguyên có quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ khá lớn; dân số tăng trưởng nhanh; hạ tầng giao thông thuận lợi.
Do đó, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ du lịch - thương mại tổng hợp, trung tâm giáo dục, y tế chất lượng cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tận dụng vị trí địa lý quan trọng của mình, Thái Nguyên đã hình thành các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và trung tâm kinh tế đô thị tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế. Trong những năm gần đây, Thái Nguyên luôn có tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm đầu cả nước.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt mức cao 8,59%, quy mô kinh tế đạt 150,19 nghìn tỷ đồng,; GRDP bình quân đạt 107 triệu đồng (tương đương 4.575 USD)/người/năm). Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 32 tỷ USD, xuất siêu lớn nhất cả nước, đạt hơn 12 tỷ USD. Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Thái Nguyên đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 9 nghìn tỷ đồng.
Trong thu hút vốn đầu tư, Thái Nguyên hiện là nơi hội tụ của nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Sunny, Trinar Solar, Gang thép Thái Nguyên Núi Pháo Masan…
Luỹ kế đến nay, tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Thái Nguyên đạt 10,53 tỷ USD với 201 dự án, đứng thứ nhất trong khu vực vực Trung du miền núi phía Bắc và thứ 11/63 tỉnh, thành. Theo đó, quy mô trung bình mỗi một dự án FDI đầu tư vào Thái Nguyên đạt khoảng 53,04 triệu USD.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại Thái Nguyên, theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, Thái Nguyên là địa phương duy nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc nằm trong nhóm các địa phương có doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận trên 50 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp tại Thái Nguyên có mức lãi đạt 52,2 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên dẫn đầu cả nước về mức tăng doanh thu bình quân của doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, doanh nghiệp tại Thái Nguyên có mức tăng doanh thu khoảng 312,4%. Hơn nữa, Thái Nguyên còn thuộc nhóm địa phương có hiệu suất sinh lợi trên tài sản của doanh nghiệp năm 2020 cao nhất cả nước, đạt 9,9%.
Nhiều năm nay, Thái Nguyên luôn tập trung phát triển ngành công nghiệp chủ lực điện tử, thiết bị điện, sắt thép, dệt may, chế biến khoáng sản, tận dụng điểm mạnh về sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Nhờ vậy, đời sống của người lao động tại Thái Nguyên đã được cải thiện đáng kể qua các năm.
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp năm 2020 tại Thái Nguyên đạt khoảng 9,308 triệu đồng/tháng, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành. Theo đó, Thái Nguyên là tỉnh duy nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc nằm trong nhóm 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất cả nước.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế, xã hội, cực tăng trưởng có tác động lớn đối với cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Thái Nguyên phấn đấu đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng.
Giống như Thái Nguyên, Bắc Giang cũng là một trong những cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Bắc Giang gần Thủ đô Hà Nội, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trong những năm gần đây, Bắc Giang nổi lên như một điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn đầu tư vào Bắc Giang tập trung tại huyện Việt Yên với các khu công nghiệp: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu…
Huyện Việt Yên hiện là khu vực phát triển năng động nhất tỉnh Bắc Giang nhờ sự phát triển của các khu công nghiệp. Tính đến nay, các khu công nghiệp tại Việt Yên có khoảng 1.832 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động.
Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong điểm sáng tăng trưởng. Trong nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đã có sự thay đổi rõ rệt.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đạt 19,8%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành; quy mô kinh tế đạt 155,88 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân ước đạt 3.400 USD. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 22,5 tỷ USD.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài FDI, Bắc Giang đứng thứ 2 trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 13/63 tỉnh, thành. Hiện nay, Bắc Giang đã được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư như Foxconn, Laxshare…
Lũy kế tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Bắc Giang đến nay đạt khoảng 10,3 tỷ USD với 604 dự án, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành. Theo đó, quy mô trung bình mỗi một dự án FDI đầu tư vào Bắc Giang đạt khoảng 17,05 triệu USD.
Theo định hướng phát triển kinh tế, Bắc Giang tập trung vào ngành điện tử và dệt may. Cùng với đó, Bắc Giang có thế mạnh trong phát triển công nghiệp lắp ráp điện tử. Qua đó, xuất khẩu của tỉnh tăng nhanh, tạo đà cho tăng trưởng. Bắc Giang tập trung thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp đã giúp thu nhập của người lao động thay đổi rõ ràng theo thời gian.
Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp năm 2020 tại Bắc Giang đạt khoảng 8,6 triệu đồng/tháng, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành. Theo đó, Bắc Giang có thu nhập bình quân lao động xếp thứ 2 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sau Thái Nguyên.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD.
Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP. HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, có biên giới, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Long An đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua.
Do vị trí giáp ranh với TP. HCM, Long An là đầu nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ, thừa hưởng nhiều tiềm năng tăng trưởng lớn. Hiện nay, kinh tế tỉnh Long An dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở nhiều tiêu chí như: Quy mô nền kinh tế; thu hút đầu tư; phát triển công nghiệp; thu ngân sách; kim ngạch xuất nhập khẩu…
Năm 2022, Long An có nhiều chỉ tiêu vê kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, nổi bật như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khá cao ở mức 8,46%, quy mô kinh tế của tỉnh đạt khoảng 156,35 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước. GRDP bình quân đạt khoảng 90,2 triệu đồng (3.800 USD). Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 7 tỷ USD.
Trong thu hút vốn đầu tư, Long An là điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn như Coca Cola, Sapporo, Chingluh… Đến nay, lũy kế tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Long An đạt khoảng 13,1 tỷ USD với 1.308 dự án, đứng thứ nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 9/63 tỉnh, thành. Về quy mô trung bình mỗi một dự án FDI, một dự án đầu tư vào Long An đạt khoảng 10,01 triệu USD.
Trong nhiều năm qua, Long An tập trung phát triển ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí và năng lượng. Trên thực tế, Long An có nhiều thế mạnh phát triển công nghiệp đa lĩnh vực. Hơn nữa, Long An luôn tập trung phát triển song song xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước.
Đặc biệt, Long An nằm trong nhóm 5 địa phương có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất cả nước. Tận dụng lợi thế về phát triển khu công nghiệp, Long An đã tập trung thu hút FDI tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp năm 2020 tại Long An đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, xếp thứ nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 15/63 tỉnh, thành.
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Long An mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Long An định hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ba địa phương trên đều là những tỉnh có tiềm lực kinh tế tốt và mỗi tỉnh sẽ có một điểm mạnh riêng. Nếu như Thái Nguyên mạnh sản xuất công nghệ cao thì Bắc Giang lại có điểm mạnh trong lắp ráp điện tử, còn Long An phát triển mạnh công nghiệp đa lĩnh vực. Trong tương lai, 3 tỉnh sẽ phát triển vượt bậc và hứa hẹn có đóng góp lớn vào phát triển của vùng và cả nước.