Nhìn lại hành trình 18 năm từ "sang chảnh" bậc nhất đến thảm cảnh phá sản của Parkson - TTTM quốc tế đầu tiên vào Việt Nam

Trọng Nghĩa | 13:33 28/04/2023

Việc Parkson Việt Nam - biểu tượng trung tâm thương mại (TTTM) sang chảnh bậc nhất một thời nộp đơn phá sản lên Toà án nhân dân TP. HCM vào ngày 28/4/2023, theo đánh giá của giới quan sát, là một "cái chết đã được dự báo trước".

Nhìn lại hành trình 18 năm từ "sang chảnh" bậc nhất đến thảm cảnh phá sản của Parkson - TTTM quốc tế đầu tiên vào Việt Nam

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) - Công ty đầu tư của Tập đoàn Lion (Malaysia), Parkson tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những siêu thị bán lẻ hàng hiệu quốc tế đầu tiên tại đây.

Trong 8 năm tiếp theo, Parkson đã phát triển thành một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm, làm đẹp của giới nhà giàu tại hai đô thị lớn là TP HCM và Hà Nội thời điểm đó chưa có nhiều trung tâm thương mại cao cấp.

Đến năm 2012, Parkson có 8 trung tâm thương mại (TTTM) bao gồm 5 TTTM sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark và 3 TTTM thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T.  Ngoài ra, Parkson còn có một TTTM tại Hải Phòng.

Năm 2013, Parkson công bố sẽ tiếp nhận 2 trung tâm thương mại nữa tại TP HCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (quận 2) và Parkson Leman (nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). 

Parkson Hùng Vương

Đến thời điểm này, CEO Parkson Việt Nam, Tham Tuck Choy khi trả lời phỏng vấn truyền thông vẫn nhận định tự tin rằng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai và vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư.

Chỉ một năm sau, mọi thứ đã thay đổi. 2014 là năm đầu tiên kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, Parkson không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Từ đầu năm 2015 trở đi, khó khăn bắt đầu xuất hiện, các TTTM không thể tiếp tục gồng lỗ, lần lượt đóng cửa.

Năm 2015, Công ty TNHH Parkson Việt Nam quyết định dừng hoạt động trung tâm thương mại tại Keangnam (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội) do thua lỗ.

Cụ thể, một bản thông báo chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng có dấu và ký tên Tổng giám đốc Parkson Hà Nội Tiang Chee Sung cho biết TTTM này bị cho ngừng hoạt động là bởi kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra, hoạt động kinh doanh chịu khoản lỗ lớn. 

Tháng 5 năm 2016, đến lượt trung tâm thương mại Parkson Paragon (TP HCM) chính thức đóng cửa để di dời sau 5 năm hoạt động. Tháng 12 cùng năm này, thêm một TTTM dừng hoạt động là Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động.

Ngày 29/01/2018, TTTM Parkson Flemington tại 184 Lê Đại Hành, phường 15, Quận 11, TP.HCM chính thức ngưng hoạt động kinh doanh sau 8 năm hoạt động.

Với 4 TTTM đóng cửa từ 2015 đến 2018, Parkson đã cho thấy dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ khi mà ngày càng có nhiều đối thủ "ngoại" xâm nhập và những đối thủ "nội" trong nước mạnh lên.

Parkson Paragon (quận 7, TP HCM) đóng cửa vào năm 2016

Nhiều nhà quan sát nhận định, thời điểm Parkson mới ra đời, họ chỉ cạnh tranh với Diamond mà khi đó Diamond còn rất nhỏ và Parkson được xem là duy nhất. Nhưng 10 năm sau, nhiều TTTM lớn, hiện đại, quy mô ra đời khiến Parkson dần trở nên lạc hậu.

Về không gian mua sắm, cách thiết kế của các TTTM ra đời sau hiện đại, tinh tế hơn so với Parkson, hàng hóa cũng phong phú hơn so với Parkson. 

Bản thân Parkson không có sự thay đổi từ phong cách đến phương pháp kinh doanh. Họ giữ nguyên mô hình kinh doanh nhắm vào giới thu nhập cao, ít có các hoạt động hướng tới giới thu nhập trung bình hoặc khách hàng tiềm năng ở những đối tượng khác.

Những đối thủ vào sau như Crescent Mall, Lotte, Aeon... đều đánh vào nhu cầu sử dụng dịch vụ nhiều hơn của nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Từ việc tích hợp khu vui chơi, rạp chiếu film và ăn uống trong khu mua sắm khiến sức mua được cải thiện và mở rộng được nhóm khách hàng hơn so với chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng như Parkson.

Việc chậm đổi mới đã khiến khách hàng dần quay lưng với Parkson, doanh thu tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thua lỗ kéo dài trong những năm qua. 

Tính đến hết quý I/2018 niên độ 2017-2018, kết quả kinh doanh của Parkson không mấy khả quan. Với việc lỗ trước thuế 24 tỷ đồng trong quý I/2018, Parkson chính thức đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.

Lũy kế 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018 (niên độ tài chính bắt đầu từ tháng 7 hàng năm), Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và lỗ tới 48 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Vào chiều thứ 7 cuối tuần nhưng Parkson quận 1 cũng không nhiều khách lui tới (Ảnh chụp 2016 - nguồn: Tri thức trẻ)

Vốn đã kinh doanh khó khăn, tác động của dịch bệnh Covid trong 2 năm 2020-2021 giống như cú đấm knock out, hạ gục Parkson Việt Nam.

Theo văn bản của Hội đồng quản trị Công ty TNHH Parkson Retail Asia (Singapore), việc thiếu sự hỗ trợ từ chủ mặt bằng của Parkson Việt Nam (như không giảm tiền thuê hoặc giảm tiền thuê không đáng kể) trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, trong khi các cửa hàng của Parkson Việt Nam bị hạn chế hoạt động đã tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của công ty.

Do đó, Tập đoàn đã đánh giá và xác định rằng việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là không khả thi về mặt thương mại và hội đồng quản trị của Parkson Việt Nam nhận định, việc nộp đơn phá sản là phương án tối ưu nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhìn lại hành trình 18 năm từ "sang chảnh" bậc nhất đến thảm cảnh phá sản của Parkson - TTTM quốc tế đầu tiên vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO