Nhiều giải pháp được đưa ra có thực sự gỡ khó cho thị trường?

Bảo Anh | 17:23 14/03/2023

Theo chuyên gia, về dài hạn vẫn cần có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để giúp tháo gỡ những khó khăn và thách thức của thị trường và nền kinh tế.

Nhiều giải pháp được đưa ra có thực sự gỡ khó cho thị trường?

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, chuyên gia đánh giá, những giải pháp gần đây như nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hay việc hạ nhiệt lãi suất cũng như thúc đẩy đầu tư công…đều những giải pháp quan trọng giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu.

BTV Mùi Khánh Ly: Nhiều giải pháp được đưa ra giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, gần đây nhất là sự ra đời của nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bà đánh giá như thế nào về nghị định này?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT

Theo ước tính của tôi trong năm 2023 sẽ có khoảng hơn 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và 63% trong đó sẽ được đáo hạn trong thời điểm là quý 2 và quý 3 sắp tới. Có nghĩa là giai đoạn 6 tháng tới là một giai đoạn khá thử thách. Vì vậy là việc mà Nghị định 08 được ban hành ở thời điểm này khá là cấp thiết và quan trọng để tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ một số vướng mắc còn hiện hữu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức phát hành có cơ sở thỏa thuận điều chỉnh một số điều khoản liên quan đến trái phiếu.

Và thứ hai là cho phép các tổ chức phát hành có thể thanh toán, thực hiện các nghĩa vụ thanh toán bằng các tài sản hợp pháp khác. Trước đây một số doanh nghiệp đã tự thực hiện việc đàm phán với trái chủ, tuy nhiên do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể khiến việc đàm phán diễn ra khá khó khăn và tỷ lệ thành công thấp. Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay, rõ ràng Nghị định 08 đưa ra một số giải pháp khả thi, giúp cho doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn.

Về ngắn hạn Nghị định 08 sẽ hỗ trợ cho việc bình ổn tâm lý của thị trường và đây là những tín hiệu tích cực bước đầu. Tuy nhiên, về lâu dài thị trường cần chờ đợi nhiều giải pháp đồng bộ hơn từ phía cơ quan quản lý cũng như từ chính bản thân doanh nghiệp. Liệu khả năng thanh toán của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào vẫn còn là dấu hỏi. Vì hiện nay, theo cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), danh sách các doanh nghiệp đang chậm các nghĩa vụ thanh toán ngày càng nhiều lên. Con số hiện nay rơi vào mức là khoảng gần 50 doanh nghiệp và chúng tôi ước tính 50 doanh nghiệp này có dư nợ trái phiếu gần 120 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống. Và có gần là 38 nghìn tỷ đồng của nhóm các doanh nghiệp này sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm 15% tổng số giá trị đáo hạn của cả thị trường trong năm 2023.

Các giải pháp như thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội, thúc đẩy đầu tư công…cũng đang được triển khai để hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo bà, những biện pháp này sẽ hỗ trợ như thế nào cho thị trường?

Đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất hiện nay. Trong ngắn hạn, đầu tư công sẽ giúp cho nguồn vốn được lưu thông vào nền kinh tế và đầu tư công cũng là cứu cánh cho một số phân khúc thuộc chuỗi giá trị của bất động sản, chẳng hạn như nhóm nguyên vật liệu xây dựng hay nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Về dài hạn, đầu tư công sẽ tạo ra giá trị thật cho các tài sản bất động sản hiện nay và mặt khác việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện hơn cho các thành phố cấp hai. Từ đó có thể hạ nhiệt được một vài điểm nóng ở thị trường bất động sản ở một số thành phố lớn. Tuy nhiên, có thể nói việc thúc đẩy đầu tư công không phải có thể hiện thực hóa được ngay, mà đầu tư công vẫn là một giải pháp mang tính dài hạn hơn. Còn về việc xây dựng nhà ở xã hội, rõ ràng là cơ cấu sản phẩm bất động sản hiện nay của chúng ta đang chưa hợp lý, khi mà tỷ trọng nhà ở phân khúc trung cấp, cao cấp và đất nền đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Trong hai năm gần đây thì nguồn cung nhà ở xã hội chỉ chiếm khoảng dưới 10%. Mặc dù đây là một phân khúc có tính thanh khoản cao cũng như là có nhu cầu thực nhưng rõ ràng cơ cấu của chúng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy, việc tập trung phát triển nhà ở xã hội cũng là một giải pháp hợp lý. Nhưng hiện nay, khá nhiều dự án nhà xã hội vẫn còn đang gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý, mặc dù đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa thể đưa ra thị trường.

Một mối quan tâm nữa của thị trường đó là lãi suất. Hiện, cơ quan quản lý cũng đã đưa ra giải pháp giúp mặt bằng lãi suất trong nước có phần hạ nhiệt, nhưng liệu các doanh nghiệp đã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay chưa?

Động thái hàng loạt các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất trong thời gian gần đây là một trong những dấu hiệu khá tích cực và nó phản ánh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hạ nhiệt lãi suất và hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những yếu tố như áp lực tỷ giá hay thanh khoản cũng có dấu hiệu giảm bớt, sẽ hỗ trợ cho việc giảm lãi suất trong dài hạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2023 vẫn còn khá nhiều rủi ro khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến tiếp tục nâng lãi suất lên mức là 5,25 cho đến 5,5%. Tôi nghĩ, phải bước sang nửa sau của năm 2023, bức tranh kinh tế sẽ trở nên sáng sủa hơn. Tôi lạc quan hơn về câu chuyện lãi suất nửa sau của năm 2023 do FED dự kiến sẽ ngưng việc tăng lãi suất và dự trữ ngoại hối của chúng ta cũng đã cải thiện lên một mức cao hơn so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý mặc dù lãi suất trong nước đang có xu hướng đảo chiều, nhưng trung bình lãi suất của cả năm 2023 vẫn đang ở một mức nền khá cao, hơn năm 2022. Hiện nay mức lãi suất huy động rơi vào khoảng 8 đến 9% và trung bình mức này là cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm ngoái.

Những giải pháp được đưa ra đã đủ để tháo gỡ những khó khăn và thách thức chung của thị trường của nền kinh tế hay chưa?

Ngoài yếu tố lãi suất mang tính chất tác động ngắn hạn thì những giải pháp như Nghị định 08 đưa ra hay thúc đẩy đầu tư công, mang tính chất là tiền đề, căn cơ và cho dài hạn nhiều hơn. Và một số những vấn đề thị trường đang quan tâm vẫn còn đó, như khả năng thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu của các doanh nghiệp như thế nào? Và thứ hai là việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản hiện nay? Do đó, tôi cho rằng là thị trường đang chờ đợi những giải pháp mang tính chất là quyết liệt, mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn từ cơ quan quản lý, cũng như từ chính các doanh nghiệp.

Theo bà, đâu là những giải pháp trọng tâm và đủ mạnh mẽ để giải quyết nút thắt cho thị trường và nền kinh tế hiện nay?

Tôi cho rằng, thị trường đang chờ đợi một số giải pháp mang tính chất quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý cũng như chính bản thân doanh nghiệp. Thứ nhất là doanh nghiệp cần phải rõ ràng hơn trong việc là công bố thông tin, cũng như đưa ra một lộ trình tái cấu trúc cụ thể. Điều này sẽ góp phần củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu của chính doanh nghiệp đó.

Thứ hai là mong rằng cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đối với hàng loạt các dự án bất động sản đang bị đình chỉ hiện nay, điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho để thu về dòng tiền.

Và điểm quan trọng thứ ba là từ những bài học xử lý khủng hoảng tín dụng bất động sản ở các nước trong khu vực như là Trung Quốc hay Hàn Quốc thì tôi cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để giải quyết những nghĩa vụ thanh toán trong ngắn hạn. Đó là một vấn đề hết sức là quan trọng. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, khi khủng hoảng bất động sản nổ ra vào tháng 7 năm 2022 thì tháng 11, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra 11 biện pháp với các biện pháp nổi bật như là cắt giảm lãi suất, nới “room” tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản và đặc biệt là hoãn thời hạn thanh toán nợ lãi vay của các doanh nghiệp bất động sản đến một năm. Và điều này đã mang lại một số kết quả đối với thị trường bất động sản Trung Quốc, chẳng hạn như tháng 2 vừa qua, doanh thu bất động sản của Trung Quốc tăng 15% và đánh dấu đây là tháng đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dương kể từ tháng 6/2021.


(0) Bình luận
Nhiều giải pháp được đưa ra có thực sự gỡ khó cho thị trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO