Nhận diện những doanh nghiệp “không thể cứu vãn”

Lan Hạ | 06:56 08/10/2024

Là một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực “lật ngược tình thế” cho các doanh nghiệp, ông Utsav Garg - Giám đốc Điều hành của công ty Tư vấn A&M (Alvarez & Marsal) tại khu vực Đông Nam Á và Úc đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc nhận diện những doanh nghiệp ở tình trạng cần tái cấu trúc và các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nhận diện những doanh nghiệp “không thể cứu vãn”

“Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng năng động, được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, sự phát triển của tầng lớp trung lưu trẻ và sự hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến Việt Nam trở thành thị trường vô cùng hấp dẫn trên nhiều lĩnh vực” – Ông Utsav Garg, Giám đốc Điều hành của công ty Tư vấn A&M (Alvarez & Marsal) tại khu vực Đông Nam Á và Úc nhận định.

Vào 2 năm trước, A&M mở văn phòng tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á và Úc (SEAA). Công ty tư vấn hàng đầu thế giới này tập trung vào việc tư vấn Cải thiện Hiệu quả Vận hành, Thuế, Tái cơ cấu, Giải quyết tranh chấp & Điều tra… cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Tiêu dùng & Bán lẻ, Dịch vụ tài chính, Chăm sóc sức khỏe, Ô tô & Công nghiệp, Hạ tầng và Công nghệ số.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực “lật ngược tình thế”, ông Utsav Garg đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc nhận diện những doanh nghiệp ở tình trạng cần tái cấu trúc và các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CẦN TÁI CẤU TRÚC

Những doanh nghiệp gặp khó khăn cần phải tái cấu trúc thường có những đặc điểm chung nào, thưa ông?

Những doanh nghiệp gặp khó khăn thường có một số đặc điểm chung như thiếu kỷ luật tài chính, quản lý dòng tiền kém, vận hành phức tạp, và đặc biệt là ban lãnh đạo chưa sẵn sàng thay đổi.

Họ thường trì hoãn việc tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, khiến cho quá trình tái cấu trúc trở nên cấp bách và phức tạp hơn. Một trong những yếu tố quan trọng trong việc phục hồi doanh nghiệp là sự sẵn sàng thực hiện các thay đổi triệt để và khả năng triển khai các biện pháp quyết liệt một cách nhanh chóng.

Một doanh nghiệp ở trong tình trạng “không thể cứu vãn” là khi họ gặp những vấn đề gì?

Một doanh nghiệp được xem là không thể cứu vãn khi gặp phải những vấn đề sau:

Thứ nhất, sản phẩm/ dịch vụ không còn khả năng tồn tại hay phát triển trên thị trường hoặc đề xuất giá trị không còn phù hợp. Nói cách khác, giá trị mà công ty mang lại không còn đáp ứng nhu cầu xã hội hoặc thị trường và không có cách nào rõ ràng để tái định vị doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp gặp vấn đề về cấu trúc, đó là khi cơ sở hạ tầng hoặc chuỗi cung ứng của công ty gặp trục trặc nghiêm trọng đến mức không một khoản đầu tư nào có thể khắc phục được.

Thứ ba, tổn hại không thể cứu chữa về uy tín. Những doanh nghiệp đã bị mất niềm tin từ khách hàng hoặc vướng vào các vụ bê bối đến mức việc tái thương hiệu hoặc tái cấu trúc không thể khôi phục được sự tín nhiệm.

Các vấn đề nghiêm trọng như trên có thể dẫn đến những rủi ro cho doanh nghiệp, chẳng hạn như tình trạng Nợ vượt khả năng chi trả, tức là nợ phải trả vượt xa tài sản và không có triển vọng thực tế về việc tái cơ cấu nợ hoặc thu hút vốn đầu tư mới.

Công ty sẽ không thể đầu tư vào đội ngũ lãnh đạo phù hợp do những hạn chế về tài chính/lợi nhuận. Công ty cũng không thể thu hút đầu tư hoặc huy động thêm vốn do niềm tin của nhà đầu tư thấp. Khi công ty không thể tiếp cận nguồn tài trợ hoặc thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là khi gặp vấn đề về dòng tiền, việc xoay chuyển tình thế trở nên vô cùng khó khăn.

Ở Việt Nam, nhiều công ty được xây dựng từ bàn tay của các vị Chủ tịch không sở hữu bằng cấp học thuật tương ứng. Các vị này đã dẫn dắt doanh nghiệp nhiều phần dựa vào các kinh nghiệm thực tế tích lũy được và sự nhạy bén trên thương trường, nhưng lại thiếu đi nền tảng tổng quan về quản trị doanh nghiệp. Ông đánh giá tình hình này như thế nào và có giải pháp nào cho các doanh nghiệp như vậy?

Điều quan trọng cần nhắc đến là bằng cấp kinh doanh bằng cấp học thuật không đảm bảo thành công trong kinh doanh. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công toàn cầu — như Richard Branson của Virgin Group và Amancio Ortega, Nhà sáng lập Zara — đã đạt rất nhiều thành tựu mà không cần có nền tảng giáo dục kinh doanh chính quy.

Điểm chung của các nhà lãnh đạo này và nhiều doanh nhân Việt Nam là bản năng nhạy bén, sự linh hoạt và luôn ưu tiên xây dựng dòng tiền lành mạnh, giúp họ xây dựng nên những doanh nghiệp thịnh vượng.

Tuy nhiên, khi thị trường phát triển đến mức bão hòa và tình hình cạnh tranh khốc liệt gia tăng, các công ty cần áp dụng những phương pháp quản trị có hệ thống và khoa học hơn dựa trên nền tảng dữ liệu.

Đối với các công ty do chính nhà sáng lập lãnh đạo, giải pháp thông thường là chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý. Điều này không có nghĩa là gạt bỏ tầm nhìn của nhà sáng lập mà là bổ sung thêm các chuyên gia giàu kinh nghiệm để xây dựng hệ thống tài chính, vận hành và chiến lược vững chắc.

Phát triển văn hóa doanh nghiệp có tinh thần học hỏi liên tục, mời các cố vấn từ bên ngoài khi cần thiết, và tập trung lập kế hoạch kế nhiệm cũng là những bước quan trọng để đảm bảo sự bền vững và khả năng mở rộng của doanh nghiệp.

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ XOAY CHUYỂN?

Đối với các công ty như vậy, ông cho rằng các giải pháp điển hình nào có thể giúp xoay chuyển tình hình?

Tôi không bình luận về các công ty hoặc tình huống cụ thể, nhưng các đòn bẩy phổ biến để xoay chuyển các công ty hoạt động kém hiệu quả thường bao gồm 5 giải pháp.

Thứ nhất, tái cơ cấu tài chính. Doanh nghiệp có thể đàm phán với các chủ nợ và nhà đầu tư để tái cơ cấu khoản nợ hiện có và đảm bảo các khoản vay mới. Do Luật phá sản ở Việt Nam còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng rộng rãi, hầu hết các cuộc đàm phán sẽ diễn ra ngoài tòa án. Điều này khiến việc đảm bảo khoản vay mới gặp khó khăn do thiếu tài sản bảo đảm và yêu cầu về mức độ rủi ro.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả vận hành. Doanh nghiệp cần phân tích sâu về hoạt động để xác định các lĩnh vực có thể cắt giảm chi phí hoặc tối ưu hóa quy trình để cải thiện biên lợi nhuận.

Thứ ba, chuyển hướng chiến lược. Đôi khi, các doanh nghiệp cần rời bỏ các thị trường cũ và khám phá các nguồn doanh thu hoặc công nghệ mới.

Thứ tư, tối ưu hóa tài sản, tức thoái vốn từ các tài sản không cốt lõi hoặc kém hiệu quả để có thể giải phóng vốn cho các lĩnh vực tăng trưởng quan trọng hơn.

Thứ năm, tái cam kết với các bên liên quan. Doanh nghiệp nên tập trung khôi phục niềm tin từ nhà đầu tư, nhân viên và khách hàng bằng cách cung cấp thông tin minh bạch và một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng.

Ông có thể chia sẻ một câu chuyện cụ thể về doanh nghiệp gặp khó khăn mà A&M đã tư vấn để xoay chuyển tình hình?

Một trường hợp điển hình là một công ty bán lẻ hàng đầu đứng trước nguy cơ phá sản do doanh thu sụt giảm, hiệu quả vận hành kém và cơ cấu lãnh đạo không phù hợp.

Đội ngũ của chúng tôi đã hỗ trợ công ty này bằng cách tiến hành đánh giá toàn diện về tài chính và vận hành, nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo và triển khai các sáng kiến cắt giảm chi phí. Kết quả là lợi nhuận của công ty đã có sự chuyển biến tích cực, giúp công ty khôi phục niềm tin từ thị trường.

Thông thường, các ông có đề xuất gì để giúp các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề cản trở sự phát triển?

Lộ trình phục hồi doanh nghiệp của A&M thường tuân theo 3 bước.

Thứ nhất, đánh giá nhanh. Đó là quá trình thực hiện đánh giá toàn diện về tình hình tài chính, dòng tiền, hoạt động, mô hình vận hành và vị thế trên thị trường của công ty để hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả.

Thứ hai, tạo kết quả nhanh. Chúng tôi triển khai các biện pháp tức thì nhằm ổn định dòng tiền, cắt giảm các chi phí không cần thiết và xây dựng kế hoạch giải quyết nhanh chóng các vấn đề về đến vận hành và mô hình hoạt động trong trung và dài hạn.

Thứ ba, thực thi. Chúng tôi sẽ triển khai các sáng kiến tạo ra giá trị, tập trung vào tối ưu hóa chi phí, tái cấu trúc mô hình vận hành, tăng trưởng bền vững, tái định vị thị trường hoặc mở rộng sang các thị trường mới. A&M cũng thường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hình thức quản lý tạm thời, bằng cách đưa các nhà điều hành/tư vấn nội bộ vào doanh nghiệp, để đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển bền vững.

Đâu là những điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn?

Điều kiện tối thiểu để xoay chuyển tình thế bao gồm: tính thanh khoản hoặc khả năng tiếp cận nguồn tài chính để đáp ứng nhu cầu dòng tiền ngay lập tức, sự sẵn lòng của ban lãnh đạo và các bên liên quan trong việc chấp nhận thay đổi, và một thị trường vẫn còn tiềm năng cho các sản phẩm hoặc dịch vụ cốt lõi của doanh nghiệp.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!


(0) Bình luận
Nhận diện những doanh nghiệp “không thể cứu vãn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO