Mới đây, Vietdata - đơn vị chuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu kinh tế tại Việt Nam đã đưa ra đánh giá xu hướng kinh doanh ảm đạm dựa trên kết quả kinh doanh 2023 của các công ty chuyên phân phối hàng hiệu tại Việt Nam.
Theo đó, hầu hết các công ty phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam đều ghi nhận sự giảm sút doanh số đáng kể trong năm 2023 (kể cả các công ty phân phối độc quyền và công ty phân phối đa thương hiệu) chỉ ngoại trừ trường hợp của Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn - một đơn vị đại diện phân phối cho nhiều thương hiệu sản phẩm cao cấp tại Việt Nam.
Cụ thể, Tam Sơn đã ghi nhận mức tăng trưởng trong năm 2023, với mức tăng 6,5%, củng cố vị thế “ông vua” của ngành.
Công ty cổ phần Quốc tế Tam Sơn là doanh nghiệp đứng sau thương hiệu Tam Sơn, đế chế hàng hiệu được giới thiệu đang là đại diện phân phối cho 31 thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo, Boss, Hugo, Marc Jacobs, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard, Bang & Olufsen, Bernardaud, Lalique, Rimowa, Alessi, Hanoia… với hệ thống 109 cửa hàng kinh doanh và trưng bày sản phẩm.
Theo các thông tin công khai, Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn được thành lập vào tháng 10/2005, trụ sở hiện đóng tại tầng 3, số nhà 21, ngõ 2 phố Lê Văn Hưu, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Thời điểm thành lập, Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn có vốn điều lệ là 4 tỷ đồng. Danh sách cổ đông bao gồm: Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1964, quê ở Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) góp 3,6 tỷ đồng, nắm giữ 90% cổ phần; Nguyễn Thanh Phượng (quận 3, TP. HCM) góp 400 triệu đồng, nắm giữ 10% cổ phần còn lại.
Từ lúc thành lập, bà Nguyễn Thị Nhung ngoài việc nắm giữ lượng cổ phần chi phối, còn luôn giữ chức tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn.
Đến tháng 2/2018, Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn tăng vốn điều lệ lên thành 12 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông nêu trên không thay đổi, trong đó bà Nhung góp 10,8 tỷ đồng và bà Phượng góp 1,2 tỷ đồng.
Tháng 9/2022, Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn đột ngột nâng vốn điều lệ lên gấp 12 lần và đạt 144 tỷ đồng. Lúc này, bà Nguyễn Thị Nhung cũng thôi làm tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Thế chỗ bà Nhung là bà Đinh Mai Linh (sinh năm 1989, cùng địa chỉ với bà Nhung). Tổng số lao động theo đăng ký của doanh nghiệp ở thời điểm này là 5 người.
Dữ liệu tài chính tính đến hết năm 2022, Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn ghi nhận doanh thu kỷ lục hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước. Doanh nghiệp đạt lợi nhuận gần 850 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty cổ phần Quốc Tế Tam Sơn đạt gần 3.600 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 2.300 tỷ đồng vào cuối năm.
Ngoài Tam Sơn, bà Nguyễn Thị Nhung cũng là 1 trong 3 thành viên (ông Đoàn Viết Đại Từ và ông Christian de Ruty) thành lập của Tập đoàn Openasia.
Lĩnh vực hoạt động ban đầu của Openasia là dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính, theo công bố, Openassia đã tư vấn cho hơn 600 khách hàng là các công ty trong nước và quốc tế.
Sau khi khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, Openasia đã mở rộng chiến lược đầu tư, đẩy mạnh vào nhiều lĩnh vực khác nhau gồm phân phối hàng cao cấp, kinh doanh thiết bị hàng không, công nghệ, du lịch, thủ công mỹ nghệ, thẻ tiêu dùng thông minh và tư vấn đầu tư.
Mô hình kinh doanh của Openasia là nhập khẩu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng từ chính hãng qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ cao cấp do chính họ đầu tư.
Ngoài kinh doanh hàng xa xỉ, Openasia Group còn lấn sân sang lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng khi sở hữu nhà hàng Press Club, thương hiệu khách sạn – nước khoáng Alba và du thuyền Emeraude Hạ Long.
Ngoài ra, Openasia Group còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác như khai khoáng, xi măng, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ…