Nhà máy điện rác 1.300 tỷ tại Hậu Giang liên quan Shark Liên: Từ dự án trọng điểm của tỉnh đến nguy cơ phải chấm dứt do chậm tiến độ

Tri Túc | 08:26 06/10/2024

Dự án được kỳ vọng sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, rác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát điện vào mạng lưới quốc gia.

Nhà máy điện rác 1.300 tỷ tại Hậu Giang liên quan Shark Liên: Từ dự án trọng điểm của tỉnh đến nguy cơ phải chấm dứt do chậm tiến độ

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành quyết định điều chỉnh thông tin nhà đầu tư và tiến độ thực hiện dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang.

Cụ thể, UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 dự án đến tháng 12/2024 hoàn thành tổ máy số 1, công suất khoảng 6MW. Trường hợp không hoàn thành theo tiến độ nêu trên, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của dự án mà không bồi thường về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo cam kết của Nhà đầu tư tại Công văn số 0302/2023/CV-GHG ngày 3/2/2023.

Nhà máy điện rác Hậu Giang là một trong những dự án quan trọng đối với tỉnh Hậu Giang. Dự án được kỳ vọng sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, rác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát điện vào mạng lưới quốc gia. Dự án được tỉnh giao đất từ năm 2016, khởi công năm 2020. Dự án chia thành 2 giai đoạn, trong đó:

+ Giai đoạn 1 sẽ triển khai trên diện tích 6,3ha, công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày, tháng 8/2024 hoàn thành tổ máy số 1 với công suất phát điện 7.5MW. Hiện, đã quá thời gian trên.

+ Giai đoạn 2 nâng tổng công suất xử lý rác thải lên 600 tấn/ngày, tháng 12/2024 phát điện thương mại tổ máy số 2, nâng công suất nhà máy lên 12MW.

phoi-canh-nha-may-dien-rac-hau-giang-1.jpeg
Ảnh: Phối cảnh dự án Nhà máy rác Hậu Giang.

Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang, tổng vốn theo kế hoạch lên đến 1.320 tỷ đồng. Sau đó, nhà đầu tư đã có báo cáo với UBND tỉnh về việc dự án gặp khó khăn trong huy động vốn do thiếu nguồn rác đầu tư và chi phí nguyên vật liệu tăng, làm tăng tổng mức đầu tư so với dự toán. Doanh nghiệp đề xuất tỉnh điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên 1.500 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang thành lập vào tháng 8/2016, trụ sở tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Công ty mẹ là CTCP Giải pháp Đô thị Greenity, thành lập tháng 7/2016, trụ sở tại Tp.HCM.

Trong đó, CTCP Giải pháp Đô thị Greenity (công ty mẹ của chủ đầu tư Nhà máy rác Hậu Giang) có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, cổ đông sáng lập là một pháp nhân khác tên CTCP Greenity nắm 99,9% vốn. Đơn vị này được hậu thuẫn vốn (chiếm 40% vốn) bởi Công ty TNHH MTV Một trăm – do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) nắm 50%.

Ngoài ra, trong số các pháp nhân liên quan Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang, các đại diện đều liên quan đến CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). VASS được Bộ Tài chính cấp giấy phép hoạt động chính thức vào ngày 7/11/2003 và là CTCP bảo hiểm tư nhân được cấp phép thành lập đầu tiên tại Việt Nam.

Trên thương trường, công ty bảo hiểm này được biết đến gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Shark Liên.

Theo báo cáo quản trị năm 2023 của VASS, Shark Liên sở hữu 6,3 triệu cổ phiếu - tương đương 9% vốn tại VASS; bà Phạm Phương Chi (con gái bà Liên, Thành viên HĐQT VASS) sở hữu 4 triệu cổ phiếu, tương đương 5,7% vốn. Bà Đỗ Thị Minh Đức (em gái Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT VASS sở hữu 14.300 cổ phiếu, tương ứng 0,0204%.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý 1/2024, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 62,8 tỷ đồng, tăng hơn 41,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các khoản chi phí như kinh doanh bảo hiểm, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp vượt doanh thu khiến VASS lỗ ròng gần 800 triệu đồng. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhà máy điện rác 1.300 tỷ tại Hậu Giang liên quan Shark Liên: Từ dự án trọng điểm của tỉnh đến nguy cơ phải chấm dứt do chậm tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO