Doanh nghiệp xây lắp kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ những "nút thắt" gì?

Đinh Tịnh - Bảo Châu | 14:47 05/10/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ lắng nghe ý kiến gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Doanh nghiệp xây lắp kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ những "nút thắt" gì?

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng trong nước vươn lên phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhất là đủ khả năng đảm đương các dự án trọng điểm quốc gia. Tạp chí Nhịp sống Thị trường (MarketTimes) xin được tổng hợp và trích đăng một số ý kiến của các nhà thầu.

461560935_1349686476005714_4664336098747702361_n(1).jpg

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Doanh nghiệp xây dựng đề nghị được tham gia các dự án có tính mới - ứng dụng công nghệ hiện đại:

Đại diện các doanh nghiệp cho biết: Theo Luật đấu thầu (số 22/2023/QH15) hiện tại qui định các nhà thầu phải có năng lực kinh nghiệm dự án tương tự và qui mô hợp đồng ít nhất bằng 50% gói thầu dự án mới, gây cản trở lớn đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư công nghệ mới, hướng tới sản phẩm mới đang đặt ra như: đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG. Vì có đầu tư cũng mãi chỉ làm thầu phụ bởi trước đó chưa có dự án tương tự.

Kiến nghị chính phủ cần có cơ chế đột phá cho các dự án xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, được ứng dụng công nghệ mới, giải pháp thi công hiện đại, cột trách nhiệm các Nhà thầu bằng điều khoản hợp đồng và cơ chế bảo hành khắt khe hơn. Thời gian bảo hành công trình có thể kéo dài hơn 3 năm thay vì 2 năm như hiện nay.

 Nhà thầu/ Tổ hợp nhà thầu chỉ cần chứng minh đủ năng lực tài chính, năng lực thiết bị công nghệ và năng lực nhân sự (bao gồm chuyên gia) có thể đảm nhiệm quản lý thiết kế, trình bày biện pháp thi công và quản lý dự án thuyết phục được hội đồng xét thầu là được chỉ định thầu, giảm giá 0.5% thay cho 5% hiện nay. Không cần chứng minh công trình kinh nghiệm tương tự của pháp nhân Nhà thầu trong quá khứ.

Đặc biẹt, nếu nhà thầu triển khai không đạt tiến độ và chất lượng thì chịu phạt với điều khoản phạt khắt khe hơn.

Đối với công nghệ thi công xây dựng mới chưa có định mức trong nước thì có thể áp dụng định mức và đơn giá của các nước trong khu vực, không vận dụng các định mức cũ, rất bất cập.

Xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình. Nên có xếp hạng các nhà thầu để sàng lọc, lựa chọn nhà thầu có năng lực phù hợp cho tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu (như cách làm của Singapore, Nhật Bản). Với mỗi dự án/ gói thầu nên tiến hành bước sơ tuyển nhà thầu/tổ hợp nhà thầu đủ năng lực tài chính, công nghệ và nhân sự mới đc tham gia dự thầu.

Nhà thầu trong nước mong muốn tham gia Dự án đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao

Một trong những kiến nghị đang chú ý của các nhà thầu xây dựng trong nước đó là: Kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế chỉ định thầu cho DN trong nước/ tổ hợp DN trong nước thực hiện, khi cần thiết DN phải tự chịu trách nhiệm huy động nguồn lực và chuyên gia quốc tế phù hợp để đảm bảo dự án thành công.

Để tạo điều kiện cho đa số Nhà thầu thì không nên chia gói thầu quá lớn, các DN có doanh thu vượt quá 30% giá trị gói thầu đều nên được tham gia với vai trò nhà thầu chính, chịu trách nhiệm trực tiếp trước CĐT.

Kiến nghị Chính phủ/ Cơ quan nhà nước giao cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin có năng lực trong nước đảm nhiệm các gói thầu liên quan thông tin, tín hiệu và điều khiển. Đây là hạng mục có tính nhạy cảm không chỉ để đảm bảo an toàn chạy tàu mà có thể góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Riêng gói thầu thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật đối với các dự án đầu tiên có tính mới cần thuê Tư vấn tốt từ các nước phát triển để giảm thiểu rủi ro cho dự án, tránh trường hợp thiết kế thiếu kinh nghiệm & bản lĩnh, để xảy ra hậu quả như một số đoạn cao tốc Bắc Nam phía Đông mới đưa vào sử dụng đã gây tai nạn liên tiếp.


Kiến nghị cải tiến điều chỉnh định mức dự toán xây dựng và công tác quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng dựa trên đơn giá trọn gói


Hiện tại Qui định về định mức đơn giá đang được Bộ xây dựng chủ trì thiết lập và áp dụng nhiều năm nay, gần đây nhất là Thông tư số 09/2024/TT BXD ngày 30/8/2024, trước đó là thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021và thông tư 10/2019/TT- BXD, tuy nhiên vẫn thể hiện nhiều bất cập trong thực tiễn, cụ thể như sau:

Chi phí quản lý rất thấp chỉ khoảng từ 4.5 -5% đối với các doanh nghiệp có tổ chức bài bản chuyên nghiệp, không đủ chi phí thực tế: đề nghị điều chỉnh từ 5% lên 10%.

Qui định về lợi nhuận định mức trước thuế ( thu nhập chịu thuế tính trước) rất thấp chỉ có 5-6%, không có zoom cho doanh nghiệp tái đầu tư để phát triển, đặc biệt tiếp cận công nghệ mới và chuyển đổi số. Doanh nghiệp chỉ được trích 20-30% lợi nhuận sau thuế cho đầu tư phát triển, dự án chỉ cần bị nợ đọng 10% giá trị hợp đồng là không còn lợi nhuận nữa. Đề nghị điều chỉnh từ 5-6% lên 10-12%, như các nước phát triển LNĐM thường ít nhất 15%.

Các định mức về khấu hao máy, tiêu hao nhiên liệu đang áp dụng cho các máy đời cũ, năng lực thấp, không phù hợp với các công nghệ hiện đại – đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Chi phí phát triển dự án và đấu thầu không được tính vào chi phí của doanh nghiệp, trong khi thường là doanh nghiệp tham gia đấu thầu 10 gói thầu chỉ trúng được 2-3 gói.

Đặc biệt, các dự án vốn ngân sách hiện nay vẫn sử dụng đơn giá định mức qui định để quản lý thực hiện dự án, mặc dù rất nhiều định mức đơn giá đã lỗi thời, công tác thực tế ngoài công trường và chi phí thực tế khác hẳn công tác và chi phí đề cập trong dự toán của dự án.

Công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra luôn dựa vào các qui định chi tiết trong dự toán để đánh giá mặc dù nhà thầu có thể sử dụng công nghệ tốt hơn để tạo ra sản phẩm tốt hơn, rút ngắn thời gian thi công rất nhiều so với trước đây nhưng không có hành lang để ghi nhận và phát huy tiến bộ KHCN.

Để tháo gỡ những bất cập trên, kiến nghị Chính phủ đồng ý tăng định mức chi phí quản lý dự án và lợi nhuận trước thuế lên gấp đôi hiện tại.

Chỉ áp dụng qui định về định mức đơn giá trong xây dựng tổng mức đầu tư phục vụ phê duyệt ngân sách dự án, không áp qui định về dụng định mức đơn giá trong quá trình quản lý thực hiện dự án đầu tư

Trong quá trình quản lý triển khai dự án đầu tư, nên theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá trọn gói các hạng mục chính trên cơ sở tổng ngân sách đã phê duyệt hoặc dựa trên kết quả chọn thầu. Nhà thầu được quyền tự lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện dự án, không bám víu vào cách mặc định trong quá trình xây dựng định mức. Chỉ có thế mới khuyến khích đổi mới sáng tạo, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình

Kiến nghị thủ tướng khuyến khích hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu EPC chìa khóa trao tay ( thiết kế - mua sắm -xây dựng) để tận dụng chất xám, kinh nghiệm & công nghệ của nhà thầu đưa vào sản phẩm xây dựng, khuyến khích đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng & an toàn bền vững công trình.

462254340_1093868189079389_2550679006657659781_n.jpg
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Tập đoàn Fecon - Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam 2024 kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ một số vướng mắc cho các nhà thầu


Kiến nghị giải pháp chống nợ đọng xây dựng

Một trong những "nút thắt" bức xúc nhất hiện nay đó là câu chuyện nợ đọng xây dựng. Nhà thầu đã thi công và bàn giao dự án nhưng bị chủ đầu tư chây ì, nợ đọng xây dựng kéo dài. Thế nhưng, hiện các qui định về hợp đồng xây dựng (theo nghị định 37/2015 và nghị định 50/2021 NĐ-CP) chủ yếu bảo vệ chủ đầu tư, rất ít điều khoản bảo vệ nhà thầu trong khi đối với loại hình xây dựng công trình Nhà thầu luôn phải bỏ tiền ra thực hiện xây dựng trước, tiền này chủ yếu vay ngân hàng, rồi trải qua nhiều bước nghiệm thu mới được thanh toán. Với các chủ đầu tư không có ý định chiếm dụng vốn thì cũng phải ít nhất 6 tháng sau khi hoàn thành dự án/ hoàn thành gói thầu Nhà thầu mới được thanh toán.

Với các chủ đầu tư có kế hoạch chiếm dụng vốn nhà thầu thì bằng mọi cách họ có thể trì hoãn thanh toán ví dụ: câu giờ trong công tác nghiệm thu, yêu cầu nhiêu khê về hồ sơ chất lượng, hồ sơ nghiệm thu, thậm trí trong quá trình xây dựng CĐT thay đổi các vị trí chủ chốt liên quan quản lý dự án để không ký hồ sơ nghiệm thu cho Nhà thầu… sau khâu hồ sơ lại tiếp tục câu giờ trong công tác thanh toán, hoặc xé nhỏ các khoản thanh toán thành kiểu nhỏ giọt, nhà thầu muốn kiện cũng không được. Bằng cách này Nhà thầu bị chậm tiền từ 1 năm đến 3 năm là thường xuyên, và hiện nay thực sự đã trở thành vấn nạn.

Kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Luật xây dựng để có các qui định mới về hợp đồng xây dựng nhằm bảo vệ nhà thầu: Đối trọng với việc nhà thầu phải bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng thì CĐT phải phát hành bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng đủ uy tín.

Đối trọng giữa chế tài phạt nhà thầu chậm tiến độ với chế tài phạt chủ đầu tư chậm nghiệm thu và chậm thanh toán.

Đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính trong hồ sơ chất lượng, có dự án hồ sơ chất lượng chất đầy 3 ô tô tải. Thay vào đó chúng ta tăng thời gian bảo hành lên 3-5 năm, tự nhà thầu phải đảm bảo chất lượng dự án để không tốn thêm chi phí trong thời gian bảo hành.

Chủ đầu tư chỉ xác nhận các mốc hoàn thành công việc theo giai đoạn không cần hồ sơ chất lượng quá chi tiết phục vụ thanh toán giai đoạn. Chỉ hồ sơ chất lượng đầy đủ tại mốc nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, hoặc nghiệm thu các công đoạn chính. Giảm bớt số lượng hồ sơ chất lượng/ hồ sơ hoàn công, thanh toán, quyết toán các dự án Công.

Cho phép các Báo uy tín phối hợp Hiệp hội nhà thầu bình chọn xếp hạng chủ đầu tư, như xếp hạng khách sạn: từ 5*, 3*đến 1* để có các ứng xử phù hợp trên thị trường.

Kiến nghị Chính phủ có chính sách tín dụng ưu đãi hơn cho doanh nghiệp xây dựng để giải quyết thực trạng hiện nay: gánh nặng chi phí tài chính bào mòn hết năng lực của Nhà thầu xây dựng. Có thể tham khảo mô hình Ngân hàng xây dựng của Trung Quốc để áp dụng cho Việt Nam.

Kiến nghị chính phủ có chính sách thuế ưu đãi hơn đối với doanh nghiệp xây dựng
và đề nghị áp dụng thuế doanh thu thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dịch vụ sản phẩm xây dựng hiện nay để doanh nghiệp được lựa chọn. vừa chống thất thu thuế cho nhà nước ( nếu tất cả các hợp đồng đều thu 1% thuế doanh thu thay cho 20% thuế thu nhập doanh nghiệp) vừa giảm thiểu thủ tục kiểm tra chi phí của các cơ quan thuế/ thanh tra/ kiểm toán hiện nay.

Đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân với lực lượng cán bộ nhân viên công nhân ngành xây dựng để giữ chân kỹ sư, công nhân theo ngành nghề vô cùng khắc nghiệt này. Trên thực tế hiện tại các trường đại học và dạy nghề ngành công trình lượng sinh viên dự tuyển rất thấp, thậm chí có những khoa không có sinh viên dự tuyển, nguy cơ không có lao động ngành xây dựng là nhận tiền.


(0) Bình luận
Doanh nghiệp xây lắp kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ những "nút thắt" gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO