Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất vừa đưa vào sử dụng liên tiếp gặp sự cố, cần thanh kiểm tra chất lượng công trình?

Đức Trí - Quang Minh | 08:52 26/05/2025

Chưa đầy 1 tháng đưa vào sử dụng Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất liên tiếp bị phản ánh từ dột trần đến bung nền gạch. Đây là sự cố hay chất lượng công trình kém, cần thanh kiểm tra thi công?

Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất vừa đưa vào sử dụng liên tiếp gặp sự cố, cần thanh kiểm tra chất lượng công trình?

Liên danh 6 nhà thầu trúng gói thầu khủng 9.900 tỷ đồng

Theo tìm hiểu của MarketTimes, Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất có chi phí xây dựng lên tới gần 11.000 tỷ đồng. Dự án được khánh thành ngày 19/4/2025, vượt tiến độ 2 tháng.

Sau khi đưa vào sử dụng, phải ghi nhận nhà ga đã tạo dấu ấn với người dân và du khách nhờ vẻ ngoài hoành tráng, thiết kế hiện đại với nhiều tiện ích, công nghệ mới.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, công trình phát sinh loạt vấn đề liên quan đến các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga, trị giá hơn 9.900.000 tỷ đồng. Liên tiếp các sự cố phát sinh làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của hành khách, gây xôn xao dư luận.

Được biết, gói thầu xây dựng số 12 trên do liên danh 6 nhà thầu thực hiện. Trong đó, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đứng đầu, tiếp theo là các đơn vị Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (CC1), Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons và Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.

Tổng gói thầu thi công gồm một tầng hầm và bốn tầng nổi, nhà ga T3 được thiết kế hiện đại, tách biệt khu vực đi và đến nhằm tối ưu luồng di chuyển hành khách (khoảng hơn 112.500 m² diện tích sàn).

Ngoài ra, Nhà ga được trang bị 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop, 42 ki-ốt check-in tự động và 27 cửa ra máy bay. Bên cạnh đó, hạng mục nhà xe tích hợp dịch vụ phi hàng không có diện tích lên đến 130.000 m², gồm hai tầng hầm và bốn tầng nổi.

Sau khoảng 1 tháng vận hành, nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất đã khai thác, phục vụ gần 550.000 lượt hành khách, 2.521 lượt chuyến bay; đảm bảo an toàn khai thác; giảm tải rất lớn cho nhà ga hành khách T1 vốn đã vượt công suất khai thác từ nhiều năm nay.

Hiện cảng Tân Sơn Nhất tổ chức vận hành tuyến xe buýt miễn phí di chuyển trong khu vực sân đậu tàu bay, kết nối trực tiếp từ sảnh transit nhà ga T3 đến cửa A2 nhà ga T1, hoạt động từ 7 giờ đến 3 giờ hôm sau, với tần suất 20 phút/chuyến, áp dụng cho hành khách đã hoàn tất thủ tục và có thẻ lên tàu bay. Ngoài ra, hành khách cũng có thể lựa chọn các phương tiện di chuyển phù hợp khác như xe công nghệ, taxi, xe buýt…

Lỗi nhỏ, hay chất lượng thi công chưa đảm bảo?

Trong cơn mưa lớn trưa 24/5, nhiều hành khách khi đến khu vực nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không khỏi bất ngờ khi chứng kiến nước mưa chảy xuống từ mái, thấm dột tại ga đi nhà ga T3.

Nhiều người dân ghi lại cảnh nước chảy liên tục tại khu vực sát quầy check in và băng chuyền hành lý, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của hành khách. Nhiều nhân viên phải dùng dụng cụ để thấm nước, tránh ảnh hưởng khu vực chờ.

Trước đó, hôm 7/5, hiện tượng tương tự cũng từng xảy ra ở khu vực phòng chờ lên máy bay. Dù nhà thầu sau đó khẳng định đã khắc phục, tuy nhiên tình trạng dột khi xảy ra mưa lớn vẫn tiếp tục tái diễn.

Không chỉ dột nước, một số hạng mục thi công trong nhà ga cũng bị phản ánh chưa hoàn thiện, đặc biệt là nền đá tại sảnh chờ. Nhiều vị trí xuất hiện bong tróc, gạch lát không đều hoặc bị chắp vá gây mất mỹ quan.

dot.jpg
nha-ga-t3-18-02.jpg
Tình trạng dột nước và bong tróc nền gạch tại nhà ga T3, Tân Sơn Nhất

Đại diện nhà thầu nhà ga T3 thừa nhận, do tiến độ gấp rút để kịp đưa nhà ga vào hoạt động đúng kế hoạch, một số hạng mục phụ trợ, trong đó có nền đá phải tiếp tục hoàn thiện sau khi nhà ga khai thác. Tính đến nay, khoảng 50% diện tích nền đã được thi công. Nhà thầu cam kết hoàn thiện toàn bộ nền đá trước ngày 30/6, bao gồm việc trét ron, bơm keo co giãn, mài và đánh bóng mặt nền.

Do công trình đã vận hành, việc thi công được thực hiện ban đêm (từ 0h đến 3h sáng) để tránh ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bay. Nhà thầu mong nhận được sự chia sẻ từ hành khách và chủ đầu tư.

Nhà thầu phải nhanh chóng hoàn thiện, khắc phục

Ngay sau sự cố dột nước lần thứ hai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã ký công điện khẩn gửi Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, khắc phục các tồn tại trong quá trình vận hành, khai thác công trình nhà ga hành khách T3.

Mặc dù ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu khi vượt tiến độ 2 tháng, đưa công trình kịp về đích chào mừng đại lễ 30.4, song, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận các khiếm khuyết phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng công trình gây mất mỹ quan, ảnh hưởng trải nghiệm của hành khách và gây dư luận xã hội.

Để khắc phục triệt để những vấn đề nêu trên, tránh ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình, lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - Chủ đầu tư dự án khẩn trương rà soát, khắc phục triệt để những tồn tại đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt lưu ý xử lý dứt điểm tình trạng nước mưa rò rỉ từ mái kính xuống sàn khu vực sảnh check-in và phòng chờ; có kế hoạch và phương án đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão.

Phía chủ đầu tư và nhà thầu phải rà soát tổng thể công trình, phát hiện kịp thời những vấn đề có thể phát sinh để có biện pháp ngăn ngừa, tránh xảy ra tình trạng tương tự; khẩn trương hoàn thiện những công việc chưa hoàn thành, nhất là hạng mục ốp lát đá khu vực nhà ga.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng nêu rõ các nhà thầu tham gia xây dựng công trình sẽ phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình.

Nhà thầu chính Hancorp kinh doanh ra sao?

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, được cổ phần hóa từ năm 2014. Cổ phiếu của Hancorp được giao dịch trên UPCoM, mã HAN.

Ngoài công ty mẹ, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP hiện có 7 công ty con: CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội, CTCP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ, CTCP Thiết bị và vật liệu xây dựng Hancorp, Công ty TNHH MTV Hancorp 3, Công ty TNHH MTV Hantech, CTCP Đầu tư thương mại Hancorp 1 Hà Nội và CTCP dịch vụ đô thị Hancorp.

Vốn điều lệ của Hancorp đến 31/3 là hơn 1.410 tỷ đồng, trong đó, Bộ Xây dựng nắm 98,83%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, tính đến thời điểm 31/3, tổng tài sản của Hancorp đạt 6.059 tỷ đồng, giảm gần 6% so với đầu năm.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần Hancorp trong quý I/2025 đạt 866 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 43 tỷ đồng.

Mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành kết luận thanh tra tài chính tại Hancorp trong năm 2023.

Tính đến hết năm 2023, Công ty mẹ Hancorp đầu tư góp vốn vào 37 doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 992 tỷ đồng.

Trong số này, chỉ có 23 công ty làm ăn có lãi trong năm tài chính 2023; 5 công ty lỗ lũy kế dù một số đơn vị được xác định là "doanh nghiệp dự án lỗ theo kế hoạch".

Cụ thể, các doanh nghiệp dự án lỗ theo kế hoạch là Công ty TNHH Quốc tế Hồ Tây (góp vốn 25%) lỗ hơn 140 tỷ đồng, riêng năm 2023 lãi 40,5 tỷ đồng

CTCP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (góp vốn 11,27%) lỗ hơn 187 tỷ đồng, riêng năm 2023 lãi hơn 145 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Đèo Cả (góp vốn 8,06%) lỗ hơn 270 tỷ đồng, riêng năm 2023 lãi 87,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 4 công ty Hancorp đầu tư vốn đã dừng hoạt động, 8 công ty kinh doanh thua lỗ dẫn đến phải trích lập dự phòng.

Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra rằng, một số khoản đầu tư của Hancorp trước thời điểm cổ phần hóa tính đến cuối năm tài chính 2023 chưa hiệu quả. 

Điển hình như khoản đầu tư vào CTCP Xây dựng Hancorp 2, CTCP Cơ khí và xây dựng, CTCP Thủy điện Hùng Lợi, CTCP Sahabak, CTCP Phát triển đô thị Bắc Hà Nội, CTCP BOT xe điện mặt đất số 1.

Về giá trị đầu tư bất động sản đầu tư tại thời điểm cuối năm 2023 là hơn 426 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ đô thị Hancorp đầu tư khoảng 9 tỷ đồng, CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội đầu tư khoảng 66 tỷ đồng.

Đáng chú ý, công ty mẹ Hancorp đã bỏ tiền đầu tư 4 lô đất tại khu giãn dân Bãi Nổ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội). Các lô đất này chỉ có quyết định về nguyên tắc cho sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng hai bên ký kết nhưng chưa có quyết định giao đất, giấy phép xây dựng.

Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Hancorp thoái vốn tại 4 lô đất đã đầu tư nhưng không thể triển khai dự án do các lô đất thuộc quy hoạch Khu di tích bảo tồn Cổ Loa. 

Đồng thời, Hancorp phải tổ chức rà soát, đánh giá các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, xây dựng phương án cụ thể để khắc phục các khó khăn tài chính.

Thanh tra cũng đề nghị Hancorp rà soát toàn bộ các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp yếu kém, xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại danh mục đầu tư và thoái vốn tại các đơn vị lỗ kéo dài, nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất vừa đưa vào sử dụng liên tiếp gặp sự cố, cần thanh kiểm tra chất lượng công trình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO