Tại một sự kiện về sales và marketing hồi tháng 11/2022, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho biết nền tảng này đã mang đến một khái niệm, trải nghiệm hoàn toàn mới. “Ý tưởng của TikTok là bán hàng cho những người không có nhu cầu gì”, ông nói.
Mô hình mà TikTok theo đuổi chính là Shoppertainment - kết hợp giữa Shopping (mua sắm) và Entertainment (giải trí). Người bán livestream trình diễn sản phẩm hoặc chia sẻ những nội dung thú vị để thu hút sự chú ý của người mua, từ đó tăng tính tương tác trong trải nghiệm mua hàng.
Nhờ thế mạnh vốn có là một nền tảng chia sẻ video phổ biến toàn cầu, ý tưởng của TikTok là người dùng sẽ mua sắm trong lúc đang lướt các video để giải trí.
"Như mọi người thấy, có những gia đình cuối tuần đi trung tâm thương mại, nhưng đâu phải để mua sắm. Họ đi và phát sinh hành vi mua sắm. Câu chuyện trên TikTok cũng như thế”, ông Thanh lấy ví dụ. “Điều quan trọng hơn cả là mọi người được mua sắm một cách vui vẻ nhất. Họ mua trong lúc hưng phấn, không quan tâm đến giá cả”.
Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (MMA) mới đây công bố báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý 1/2023, cho thấy mô hình Shoppertainment mà TikTok Shop theo đuổi đã trở thành xu thế không thể phủ nhận.
“Shoppertainment là xu hướng phát triển chủ chốt trong quý này. Với sự nổi lên của TikTok Shop, ranh giới giữa mua sắm và giải trí ngày càng trở nên mờ nhạt. Người tiêu dùng Việt Nam đang tìm kiếm các trải nghiệm mua sắm trực tuyến thú vị và mang tính tương tác hơn”, Decision Lab nhận định.
Mạch tăng trưởng "không thể ngăn chặn" của TikTok Shop
Theo báo cáo của Decision Lab và MMA, quý 1/2023 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về tỷ lệ sử dụng TikTok Shop so với quý 4/2022, hiện đạt 25%. Như vậy, tỷ lệ sử dụng nền tảng này đã đều đặn tăng 5% hàng quý kể từ khi ra mắt tại Việt Nam hồi quý 1/2022.
Mặc dù đạt tỷ lệ sử dụng cao hơn nhiều so với TikTok Shop, hai “ông lớn” Shopee và Lazada lại đang bị giảm về chỉ số này. So với quý 4/2022, tỷ lệ sử dụng Shopee và Lazada trong quý vừa qua giảm lần lượt 2% và 3%, xuống còn 79% và 59%.
Về mức độ yêu thích, báo cáo cho biết trong số các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu, Shopee đang liên tục bị đánh mất sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Quý 1/2023, 52% số người được khảo sát cho biết Shopee là ứng dụng mua sắm trực tuyến mà họ sử dụng thường xuyên nhất, giảm 3% so với quý trước đó.
Xét riêng từng nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, mức độ yêu thích Shopee ở Gen Y và Gen Z cũng giảm liên tiếp từ quý 3/2022 tới quý 1/2023. Trong quý vừa qua, 49% đáp viên thuộc Gen Y và 67% đáp viên thuộc Gen Z cho biết Shopee là nền tảng họ sử dụng thường xuyên nhất, cùng giảm 5% so với quý trước đó.
Trong khi đó, mức độ yêu thích dành cho TikTok Shop ngày càng gia tăng, đặc biệt ở Gen Z. Trong quý 1/2023, 7% số người trả lời khảo sát thuộc Gen Z cho biết TikTok Shop là nền tảng họ sử dụng thường xuyên nhất để mua sắm, cao hơn cả Tiki và Facebook – 2 ứng dụng phổ biến hơn với Gen X và Gen Y.
Từ những số liệu trên, Decision Lab và MMA đánh giá các thương hiệu nên tận dụng xu hướng Shoppertainment nhiều hơn, sử dụng những nền tảng như TikTok Shop, hợp tác với các influencer và livestreamer để tạo ra trải nghiệm mua sắm số thú vị và chân thực.