Người Việt dành đến 35% chi tiêu hàng tháng cho ăn uống, đưa giá trị ngành F&B xấp xỉ 700 triệu USD đến năm 2025

Bảo An | 13:28 22/11/2022

Các chuyên gia dự báo quy mô thị trường ngành F&B tại Việt Nam sẽ đạt 678 triệu USD, với tổng số người tiêu dùng đạt 17,1 triệu người vào năm 2025 và thị trường bán lẻ sẽ đạt 82,7 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2026.

Người Việt dành đến 35% chi tiêu hàng tháng cho ăn uống, đưa giá trị ngành F&B xấp xỉ 700 triệu USD đến năm 2025

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Trong đó, ngành F&B tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,65% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2026 (theo Mordor Intelligence). Chi tiêu cho F&B hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, ở mức 35%.

Khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả của Việt Nam cũng giúp doanh số bán lẻ ngành hàng tiêu dùng nhanh và dịch vụ hồi phục trong những tháng cuối năm. Tốc độ tăng trưởng, mặc dù thấp hơn so với mức 12,7% của năm trước trong bối cảnh doanh thu ngành bán lẻ trên toàn thế giới vẫn sụt giảm trong đại dịch.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cộng thêm nhu cầu thay đổi của khách hàng thành thị trẻ đang thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kể của các kênh bán lẻ cũng như sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Đó là nhận định của các chuyên gia bên lề Hội chợ thương mại S.E.A Connect năm nay, trọng tâm là ngành F&B và bán lẻ. Các chuyên gia dự báo quy mô thị trường ngành F&B tại Việt Nam sẽ đạt 678 triệu USD, với tổng số người tiêu dùng đạt 17,1 triệu người vào năm 2025 và thị trường bán lẻ sẽ đạt 82,7 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2026.

Ông Samuel Cheng, nhà đồng sáng lập Simple Group cho biết: “Việt Nam luôn là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực này khi các thương hiệu xem xét kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài. Thông qua nền tảng này, chúng tôi mong muốn kết nối các doanh nghiệp muốn mở rộng sang Đông Nam Á với các đối tác phù hợp tại thị trường địa phương”.

fb1.png

Ước tính doanh số ngành Thực phẩm tại Việt Nam từ 2018-2024 (Nguồn: PHS).

Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể cục diện ngành F&B theo hướng chuyển đổi kỹ thuật số. Kể từ đầu năm 2022, ngành F&B đã phát triển mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng hai con số ngay trong quý đầu tiên.

Theo một khảo sát tại Việt Nam, 75% người được hỏi đã sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến và 24% là người dùng lần đầu do ảnh hưởng của Covid-19. Các doanh nghiệp F&B đã tìm đến công nghệ như một giải pháp cho mối quan tâm thường trực về tăng trưởng doanh thu và thu hút khách hàng mới trong thời kỳ đại dịch.

Một số thương hiệu nổi tiếng như Starbucks, the Coffee House, Yen Sushi... đã thành lập cửa hàng trực tuyến của riêng mình để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 và tăng trải nghiệm cho khách hàng. Ngoài ra, các công ty F&B cũng hợp tác với các công ty gọi xe như Baemin, Grab và Shopee Food để duy trì hoạt động.

Đại diện Baemin Việt Nam trong lần chia sẻ gần đây đã đánh giá, nền tảng công nghệ đã hỗ trợ doanh nghiệp ngành F&B dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng, giảm chi phí cố định và khai thác nhiều cơ hội chưa được khai thác. Với sự hỗ trợ của công nghệ, thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp F&B cũng được dự báo khả quan: với 47% doanh nghiệp ước tính sẽ phục hồi trong 6 tháng, 33% doanh nghiệp từ 7-12 tháng và 13% sau hơn 12 tháng.


(0) Bình luận
Người Việt dành đến 35% chi tiêu hàng tháng cho ăn uống, đưa giá trị ngành F&B xấp xỉ 700 triệu USD đến năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO