Anh Dương Đức Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2024, anh tham khảo gói vay này để mua một dự án nhà ở xã hội thì được biết mức lãi suất cho vay với chủ đầu tư là 8%/năm trong 3 năm và với người mua nhà là 7,5%/năm trong 5 năm.
"Giả sử tôi vay 500 triệu đồng mua nhà ở xã hội thì trung bình mỗi tháng tôi phải trả cả gốc và lãi khoảng hơn 11 triệu đồng. Hai vợ chồng thu nhập chưa đến 20 triệu đồng, nếu cộng thêm các khoản chi phí sinh hoạt khác thì đây cũng là áp lực lớn. Chưa kể thủ tục vay cũng phức tạp. Vì thế sau khi suy nghĩ kỹ tôi quyết định không vay nữa", anh Sơn nói.
Trong khi đó, hiện các ngân hàng thuộc khối Big 4 có chương trình lãi suất vay ưu đãi hỗ trợ người trẻnếu tính ra, mức vay tương đương hoặc thậm chí còn thấp hơn gói 120.000 tỷ đồng.
Đơn cử như Agribank, từ ngày 02/4/2025 đến hết ngày 31/12/2025, khách hàng cá nhân là công chức, viên chức, người lao động đến 35 tuổi có nhu cầu vay vốn sẽ sẽ áp dụng lãi suất 5,5%/năm cố định 3 năm đầu, với hạn mức 75% nhu cầu vốn khi thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, khách hàng được miễn trả nợ gốc lên tới 60 tháng đầu tiên, giúp giảm áp lực trả nợ ban đầu.
Ngân hàng BIDV cũng tung ra chương trình cho vay mua nhà ở đối với khách hàng dưới 35 tuổi. Theo đó, khách hàng được BIDV hỗ trợ lãi suất 5,5%/năm cố định trong vòng 3 năm, thời gian cho vay lên đến 40 năm và đặc biệt không phải trả gốc trong vòng 05 năm áp dụng trên số tiền tối đa 05 tỷ đồng/khách hàng. Kết thúc thời gian 3 năm ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính huy động vốn kỳ hạn 24 tháng + 3%....
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lãi suất 120.000 tỷ đồng không hấp dẫn, thủ tục vay rườm rà, trong khi đó hiện các ngân hàng đang tung lãi suất cho người dưới 35 tuổi mua nhà có nhiều ưu điểm hơn, mức lãi suất tương đối hợp lý, có ngân hàng cho vay lãi suất cố định 5,5%/năm trong 3 năm đầu, nếu hết 3 năm cộng lãi suất thả nổi lên 3% cũng chỉ 8,5% mà thời hạn được vay dài,
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện tốc độ giải ngân vẫn thấp là do chưa phù hợp với nhiều người dân khi chỉ thấp hơn lãi suất thông thường 1,5 - 2% và lại thả nổi. Như thế thì nhiều người vay không chịu nổi áp lực lãi vay.
Ông Phong dẫn chứng cụ thể, có thời điểm, trong khi mức lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng 8-9% thì lãi suất của gói vay này cũng khoảng gần 8%. Đây là một trong những lý do khiến doanh nghiệp, người dân không mặn mà với việc vay vốn. Đó là chưa kể đến hàng loạt thủ tục, điều kiện để có thể vay được là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, theo ông Phong, còn nhiều nguyên nhân khác khiến gói vay 120.000 tỷ đồng khó giải ngân. Đơn cử như việc người dân không tiếp cận được nguồn cung nhà ở xã hội nên không thể vay.
Ông Ðỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Bộ Xây dựng cũng xác định những nguyên nhân chính khiến gói ưu đãi khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện để vay vốn hay bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, lãi suất gói vay ưu đãi vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân. Quy định đối tượng thụ hưởng cũng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Để giải ngân được gói tín dụng này, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các bên liên quan cần tìm giải pháp phù hợp để có những ưu đãi dài hơi, thống nhất hơn giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030. Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8 - 5%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.
Ngoài ra, để tăng sức hút với doanh nghiệp, ông Châu đề nghị dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.
Tại một cuộc họp về nhà ở xã hội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) từng đưa ra ý kiến: "Đề nghị các ngân hàng thương mại không cần thẩm định hiệu quả dự án. Đã là dự án nhà ở xã hội thì đương nhiên phải hiệu quả vì giá thành là doanh nghiệp được tối đa lợi nhuận 10%".